Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2011

Du lịch: Những điều còn bất cập trong Khu di tích Đền Hùng



NHỮNG ĐIỀU CÒN BẤT CẬP TRONG KHU DI TÍCH ĐỀN HÙNG
 
"Dù ai đi ngược về xuôi.
Nhớ ngày giỗ tổ mùng 10 tháng 3"

Khu di tích Đền Hùng thuộc thôn Cổ Tích - xã Hy Cương - huyện Lâm Thao - tỉnh Phú Thọ, là nơi thờ cúng các vua Hùng. Đền Hùng cách trung tâm thành phố Việt Trì 7 km về phía Bắc, cách thủ đô Hà Nội 90 km. Đền Hùng được xây dựng trên núi Hùng, có độ cao 175 m so với mặt nước biển. Toàn bộ Khu di tích có Cổng đền, Đền Hạ, Nhà bia, Chùa Thiên Quang, Đền Trung, Đền Thượng, Đền Giếng, Đền Tổ Mẫu Âu Cơ và Bảo tàng Hùng Vương. Khu di tích được xây dựng hài hòa trong cảnh thiên nhiên, có địa thế cao rất ngoạn mục, hùng vĩ, đất đầy khí thiêng của sơn thủy hội tụ. 

 
Đền Giếng

Đền Hạ
Đến Đền Hùng đối với tâm linh là đến với tổ tiên, là đến để nhớ công lao của các vua Hùng trong những tháng ngày đầu gian khổ lịch sử dựng nước đầy tự hào của dân tộc. Là con dân mang trong người dòng máu Việt Nam, ai cũng muốn tìm về cội nguồn, tìm về đất tổ thiêng liêng. Chúng tôi đến Khu di tích Đền Hùng với niềm xúc động cùng những tâm trạng đã nói ở trên. Rất tiếc là cách quản lý ở Khu di tích Đền Hùng vẫn còn nhiều thiếu sót nhỏ khiến du khách chúng tôi gặp khá nhiều chuyện bực mình nên cảm xúc không còn được trọn vẹn.

Đền Trung


Đền Thượng
Đầu tiên là xe phải đậu ở bãi xe cách Khu di tích gần 1 km. Tuy là 1 km, nhưng đó là 1 km đường dốc, và đường đầy nắng ban trưa. Chẳng có điều gì đáng nói nếu không có chuyện một chiếc xe chở khách du lịch khác được “đặc cách” chở khách vào sâu tận bên trong Khu di tích. Thấy không công bằng, chúng tôi hỏi thì được một anh bảo vệ ở bãi đậu xe trả lời chiếc xe đó chở khách là những người cao tuổi. Nhưng khi chúng tôi chỉ cho anh ta thấy đoàn du khách của chúng tôi cũng có hơn 30 người là người cao tuổi thì anh bảo vệ không trả lời, lảng tránh bỏ sang chỗ khác. Đi một đoạn nhiều người trong đoàn của chúng tôi than chân yếu không đi xa được thì được nhiều bảo vệ khác “gợi ý” nên đi xe ôm hoặc xe điện đang đậu rất nhiều gần đó sẵn sàng phục vụ!

Lăng vua Hùng trên núi Nghĩa




Trên đường vào Khu di tích, đoàn du khách của chúng tôi được một đội ngũ bán hàng lưu niệm và thợ chụp ảnh đông đảo “chào đón” rồi “đeo bám”. Những người bán hàng rong bán rất nhiều thứ nhưng hầu như không có món nào ăn nhập vào Khu di tích. Chẳng hạn một cô bạn của tôi, do thương một ông già mù bán hàng, đã mua giùm ông một chiếc còi nhôm nhỏ dài. Tôi đã nói đùa chiếc còi nhôm này ngày xưa Sơn Tinh đã từng dùng để gọi Mỵ Nương mỗi khi hai người hò hẹn! Những người thợ chụp ảnh cũng “kiên nhẫn” không kém, mặc dù chúng tôi ai cũng đều có máy ảnh trên tay, nhưng họ luôn theo thuyết phục và nói khích: “Một tấm ảnh chỉ có hai chục nghìn thôi mà!”. Kết quả là một cụ ông trong đoàn của chúng tôi không biết mềm lòng thế nào mà đã được họ chụp một phát cho gần hai mươi tấm ảnh! Ông cụ ấm ức nói riêng với tôi ông cụ đã dặn họ chỉ chụp vài tấm thôi. Không ngờ chỉ một cảnh thôi mà ba bốn thợ cùng xúm lại chụp rồi tự động rửa nên ông mới phải trả tiền nhiều ảnh đến như thế.

Ở khu vực trên núi Đền Hạ, Đền Trung và Đền Thượng đều có nhà vệ sinh. Nhưng khi du khách có nhu cầu thì mới tá hỏa vì các nhà vệ sinh đều được khóa cửa kỹ lưỡng! Tôi hỏi một cô nhiếp ảnh thì được cô này trả lời các nhà vệ sinh đều có thu phí. Do chiều nay ít khách nên các người thu phí đều nghỉ. Để đảm bảo khách du lịch không “đi lén” nhà vệ sinh họ đã cùng nhau khóa cửa lại! Tôi nói khách du lịch phải leo núi cao nên uống nước nhiều, nếu “mắc” thì làm sao? Cô nhiếp ảnh chỉ cho tôi thấy những lùm cây quanh nhà vệ sinh rồi bụm miệng cười! Nhà vệ sinh làm ra là để khách du lịch bảo vệ nơi tôn nghiêm, không làm mất vẻ mỹ quan Khu di tích. Thế mà vô hình chung những người thu phí nhà vệ sinh chỉ vì mấy đồng bạc lẻ đã “buộc” du khách phải làm điều ngược lại! Có lẽ đây là tầm nhìn chiến lược mới về du lịch của Ban quản lý Khu di tích Đền Hùng chăng? Thật đúng là Potay.com!

Khi xuống Giếng Cổ (còn gọi là Giếng Rồng), chúng tôi rất phản cảm khi nhìn thấy rất nhiều tiền giấy Việt Nam đang lưu hành được các du khách ném bừa bãi quanh miệng giếng để cầu may. Lúc chúng tôi đến đây trời cũng đã xế chiều và hoàn toàn vắng khách, nhưng hoàn toàn không thấy một nhân viên nào túc trực ở khu vực Giếng Cổ. Theo thiển ý của chúng tôi, nếu Ban quản lý Khu di tích không cấm được du khách ném tiền thì cũng phải cử người xuống nhặt tiền đã ném; đừng để tiền rơi rớt như thế khiến những du khách đến sau có cảm giác ném tiền cầu may ở Giếng Cổ là một tập tục mới đã được chấp nhận.


Hoa hậu đền Hùng Giáng My


Xuống núi Hùng, du khách chúng tôi mới thấy được Nhà vệ sinh “cần tìm” ở khu quán nước. Nhà vệ sinh của Khu di tích Đền Hùng quả thật rất sạch đẹp và nền nhà được các cô tạp vụ lau sạch bóng. Sau khi nhìn thấy dòng chữ thu phí 2000 đồng, tôi rất ngỡ ngàng khi nhìn thấy một tấm bảng khác với dòng chữ “Đề nghị khách vào nhà vệ sinh phải tháo giầy dép để ở bên ngoài cửa”! Nghĩa là khách phải đi chân không vào nhà vệ sinh? Trong khi nhiều người lúi húi tháo giầy dép để ngoài cửa, tôi cương quyết vẫn mang giầy vào. Sau khi cản tôi không được, cô tạp vụ làu bàu có lẽ cô mắng tôi là người không có văn hóa! Tôi đến trước mặt cô nghiêm mặt nói:

- Chị ạ, đi chân không vào nhà vệ sinh mới là không có văn hóa! Nhà vệ sinh là nơi bẩn nhất, rất dễ lây lan các loại bệnh truyền nhiễm. Tuy nền nhà vệ sinh chị lau sạch bóng thật, nhưng chị có dám đảm bảo với mọi người là không có ổ vi trùng dịch bệnh nào trong nhà vệ sinh của chị không? Tôi chưa hề nghe Bộ Y Tế có lời khuyên nào nên đi chân không vào nhà vệ sinh là để bảo vệ tốt cho sức khỏe cả!

Đến được Đất Tổ là niềm tự hào và ước nguyện của nhiều du khách người Việt. Nhìn chung Ban quản lý Khu di tích Đền Hùng cũng đã có rất nhiều cố gắng để xây dựng và bảo tồn được một Khu quần thể di tích hoành tráng như hiện nay. Rất mong Ban quản lý nên cố gắng khắc phục những việc tưởng chừng “nhỏ nhưng không nhỏ” đã nêu ở trên để giúp niềm vui của du khách được trọn vẹn hơn.

2011

(Bài viết đã đăng trên trang chủ Yume.vn năm 2011)
 

Thanh Trắc Nguyễn Văn


Thanh Lee Photo

Thanh Lee Photo


Chùm ảnh thiếu nữ áo dài xinh, Thanh Lee Photo

Thanh Lee Photo

Thanh Lee Photo

Thanh Lee Photo

Thanh Lee Photo

Thanh Lee Photo

Thanh Lee Photo

Thanh Lee Photo

Thanh Lee Photo

Thanh Lee Photo


----------------------------------------------------------------------------------
Ghi chú: Ảnh Khu Di tích lịch sử đền Hùng (từ ảnh 1 đến 6), Hoa hậu Đền Hùng 1992 Giáng My (từ ảnh 7 đến 10), Thanh Lee Photo (từ ảnh 11 đến 21) sưu tầm từ internet

10 nhận xét :

Hà My nói...

thật bó tay với ban quản lý khu du lịch

Lê Long nói...

chán cho Việt Nam chưa?

Nặc danh nói...

Cảm ơn ý kiến của Hà My

Nặc danh nói...

@Ngọc Xuân: chán nhiều tập!

Unknown nói...

đúng là quá đáng thật

Nặc danh nói...

cảm ơn bạn phi ly đã đồng cảm

Thúy Vân nói...

đúng là quan liêu đến thấy ghét

Nặc danh nói...

thật tồi tệ

Unknown nói...

Khi người ta chỉ biết đến lợi nhuận

Nặc danh nói...

đúng vậy