Thứ Hai, 11 tháng 6, 2012

Chùa Tam Thanh và nàng Tô Thị ở Lạng Sơn



CHÙA TAM THANH VÀ NÀNG TÔ THỊ Ở LẠNG SƠN

1. Chùa Tam Thanh

Tôi đến viếng chùa Tam Thanh vào giữa trưa hè nắng gắt. Nhưng thật bất ngờ khi vừa vào trong khuôn viên của chùa tôi lại thấy cảm giác dịu mát ngay. Có lẽ do chùa nằm sâu trong hang động lại có nhiều cây xanh che mát nên đã góp phần nào "giải nhiệt" cho khách thập phương.

Chùa Tam Thanh nằm trong động núi đá (nên còn được gọi tên khác là Động Tam Thanh) thuộc địa phận phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn.






Cũng theo sử sách Đại Nam Nhất Thống Chí thì chùa Tam Thanh có từ thời nhà Lê, thuộc địa phận xã Vĩnh Trại, Châu Thoát Lãng. Động Tam Thanh đã được nhà nước Việt Nam chính thức công nhận là Di tích quốc gia từ năm 1962.

Tam Thanh là quần thể 3 động Nhất Thanh, Nhị Thanh, Tam Thanh nằm trong Chùa Tam Thanh.
Theo người hướng dẫn du lịch động Tam Thanh nằm trong một dãy núi có hình đàn voi phủ phục trên mặt cỏ xanh. Hang động Tam Thanh ở lưng chừng núi. Cửa hang nhìn về hướng đông cao chừng 8m có lối lên là 30 bậc đá đục vào sườn núi, có nhiều cây cối um tùm che khuất ánh nắng.



Trải qua bao thăng trầm của thời gian, lịch sử chùa Tam Thanh vẫn giữ được nhiều vẻ đẹp ban đầu hấp dẫn du khách gần xa bằng vẻ đẹp tự nhiên vốn có của di tích.


Trong động có tượng phật A Di Đà lớn, màu trắng với đường nét mềm mại, uyển chuyển, mang phong cách nghệ thuật thời Lê - Mạc, tạc theo thế đứng trong hình một lá đề. Tượng cao 2,02m, rộng 0,65m, mặc áo cà sa buông chùm xuống tận gót, hai tay chỉ xuống đất trong thế ấn cam lộ, là tác phẩm nghệ thuật giá trị cao.

Ngoài ra còn có hồ Âm Ti nước trong xanh quanh năm không bao giờ vơi cạn, với muôn trùng nhũ đá thiên tạo từ ngàn xưa tạo nên những hình thù sinh động, hấp dẫn.



Được leo trong các hang động và các bậc lên xuống uốn lượn men theo sườn núi của chùa Tam Thanh cũng là một cái thú cho những khách du lịch thích mạo hiểm. Một người bạn của tôi do có bệnh sợ độ cao nên nửa chừng phải đi xuống khi thấy các bậc đi lên ngày càng gập ghềnh. Các thạch nhũ trong hang rất đẹp không kém gì động Phong Nha ở Quãng Bình. Rất tiếc là trong động Tam Thanh nhiều nơi quá tối nên tôi không chụp được hết các thạch nhũ đẹp.

Tại một điểm khá cao trên sườn núi Tam Thanh, du khách có thể nhìn thấy hòn vọng phu Nàng Tô Thị ở bên một ngọn núi xa xa cạnh chùa. Cũng từ điểm cao này du khách cũng có thể hường tầm mắt nhìn được một phần của thành phố Lạng Sơn, một thành phố nằm sát biên giới của hai nước Việt Nam và Trung Quốc.




2. Nàng Tô Thị





Có một câu ca dao cổ nổi tiếng đã gắn liền địa danh chùa Tam Thanh với nàng Tô Thị:

Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh

Ai lên xứ Lạng cùng anh
Bỏ công bác mẹ sinh thành ra em
Tay cầm bầu rượu nắm nem
Mải vui quên hết lời em dặn dò.



Nàng Tô Thị là một hòn đá có hình dáng người mẹ bồng con đứng cheo leo ở trên mõm đá của một ngọn núi có tên núi Tô Thị hay còn gọi là núi Vọng Phu. Nàng Tô Thị với truyền thuyết về một chuyện tình éo le, anh em thất lạc lấy nhầm nhau thành vợ chồng. Người chồng (là anh ruột nàng Tô Thị, tên Tô Văn) phát hiện ra mối tình tội lỗi đã lặng lẽ bỏ vợ đi biệt xứ. Người vợ vẫn chung thủy bế con chờ chồng đến hóa đá.

Câu chuyện cổ tích lâu đời tuy ai cũng thuộc nằm lòng nhưng vẫn làm cho bao du khách chạnh lòng xót xa, mỗi khi họ ngắm nhìn nàng Tô Thị từ hướng chùa Tam Thanh. 


Thanh Trắc Nguyễn Văn



------------------------------------------------------------
Ghi chú: ảnh minh họa sưu tầm từ internet

2 nhận xét: