Thơ ca - Văn học - Nghệ thuật - Kiến thức - Hài hước - Ngôi sao - Người mẫu - Ảnh đẹp - Video Sáng tác - Sưu tầm
Thứ Tư, 6 tháng 2, 2013
Thử so sánh Đông-Ki-Sốt với Người-Lái-Đò
Tôi không phải là nhà giáo nhưng rất thú vị khi đọc bài thơ Huyền thoại người lái đò của nhà thơ Thanh Trắc Nguyễn Văn rồi bài phê bình về bài thơ trên của nhà phê bình Huỳnh Ngọc. Tôi xin được thày lay có đôi dòng đóng góp qua bài viết sau đây:
THỬ SO SÁNH ĐÔNG-KI-SỐT VỚI NGƯỜI-LÁI-ĐÒ TRONG BÀI THƠ HUYỀN THOẠI NGƯỜI LÁI ĐÒ
Don Quixote (trong các tác phẩm Việt Nam họ phiên âm là Đông-Ki-Sốt) là một nhà quí tộc hạng thấp (hidalgo) nhưng lại có một ước mơ quá lớn lao là muốn trở thành “người cứu khổ cứu nạn cho dân”! Thế là lão tự phong cho mình cái mỹ từ Don (từ dành cho quý tộc cao cấp) cùng với từ Quixote (mảnh giáp) để có đầy đủ danh hiệu đi hành hiệp giang hồ. Trong tiểu thuyết dài hài hước “El ingenioso hidalgo Don Quijote de la Mancha” (của nhà văn Miguel de Cervantes viết), Don Quixote là một người nửa điên nửa tỉnh. Lão điên khi chiến đấu với cái ác và rất tỉnh khi đối diện với sự cám dỗ của danh lợi, vật chất. Nhưng dù điên hay tỉnh thì thật sự Don Quixote cũng là mẫu người tốt còn rất hiếm hoi trong thế giới hỗn độn thờ ơ, vô cảm hiện nay.
Nhân vật người lái đò trong bài thơ tôi xin được gọi với cái tên danh từ riêng là Người-Lái-Đò (viết hoa), để cho dễ dàng hơn, thuận tiện hơn khi phân tích trong bài viết này. Người-Lái-Đò khác với Don Quixote, ông tỉnh hoàn toàn, nhưng việc làm “đi tìm lửa ở phương trời xa bằng con đò ngang rách nát” của ông là việc làm của người điên, hay nói nhẹ nhàng hơn là “việc của người sống xa rời thực tế”, người “không được tỉnh”!
Don Quixote cũng như Người-Lái-Đò đều có một ước nguyện chung là muốn thay đổi thế giới. Don Quixote muốn xóa bỏ bất công và đau khổ cho xã hội, còn Người-Lái-Đò thì muốn tìm lại môi trường trong sáng cho ngành giáo dục nước nhà. Cả hai người dù muốn, dù không cũng đều đang đánh nhau với “cối xay gió", đang chiến đấu với cái xấu vô hình đang ẩn nấp, rình rập khắp nơi trong xã hội.
Don Quixote còn có người đồng hành, có người bạn trung thành Sancho Paza làm giám mã, có chú ngựa gầy gò Rocinante để cưỡi trong suốt cuộc hành trình. Người-Lái-Đò thì đơn độc hơn chỉ có một con thuyền gần như rách nát vì quá cũ kỹ, vì từ lâu chưa có kinh phí để bảo trì! Don Quixote có chỗ dựa tinh thần khi lão tôn nàng thôn nữ gần nhà thành mỹ nhân Dulcinea xứ Toboso làm ý trung nhân của mình. Còn Người-Lái-Đò chỉ có những “ánh mắt thân thương của học trò” mang theo để làm ý chí lên đường.
Từ nhỏ tôi rất yêu quí nhân vật Don Quixote bao nhiêu thì nay lại cảm mến nhân vật Người-Lái-Đò trong bài thơ trên bấy nhiêu. Bóng dáng của họ dù quá nhỏ nhoi trước sự hùng vĩ của thiên nhiên, nhưng cả hai bỗng chốc đã trở thành cao lớn hơn, tôi không dám dùng từ “vĩ đại” vì sợ họ vẫn chưa cân xứng với mỹ từ tôi dùng, khi dám đối diện, dám đấu tranh với những thế lực bóng tối.
Khi Don Quixote chết trên giường bệnh tôi đã khóc rất nhiều, nhưng tôi càng đau lòng hơn khi Don Quixote lại tự công nhận những việc làm mình trước kia là “điên”. Sự “tỉnh ngộ” này của Don Quixote đã làm cho lão ta mất điểm trong lòng tôi rất nhiều. Lão không “điên” sao đến cuối đời lại tự nhận mình điên? Trong khi đó giám mã Sancho Paza với một đầu óc rất thực tế lại biết việc làm của lão là rất “tỉnh”! Phải chăng ở cuối tác phẩm Miguel de Cervantes đã có sự sa sút bút pháp khiến giá trị của Don Quixote bị giảm sút?
Còn Người-Lái-Đò chết khi ông đang chèo chống đưa con đò ngang rệu rã vượt biển để quyết tâm tìm lửa (ngọn lửa chân lý). Dù bài thơ không nói rõ nhưng tôi tin khi trước khi chết ông vẫn không hối tiếc và ông vẫn tin những việc làm của ông là hoàn toàn đúng!
Là một người yêu thích nhân vật Don Quixote, vô tình đọc được bài bình thơ rất đặc sắc của Huỳnh Ngọc, tôi cảm thấy hứng thú và thử viết những dòng so sánh Don Quixote (hay còn gọi là Đông-Ki-Sốt) với Người-Lái-Đò. Nếu có gì sơ sót cũng mong các bạn độc giả xa gần đừng cười.
Rất mong nhận được sự nhận xét của nhà thơ Thanh Trắc Nguyễn Văn và nhà bình thơ Huỳnh Ngọc
Trương Thị Ngọc Vi
(Nguồn: trang web văn học Đất Đứng tháng 12 năm 2012)
----------------------------------------------------------------
HUYỀN THOẠI NGƯỜI LÁI ĐÒ
Sáu mươi năm tuổi đời
Thầy về hưu với những giấc mơ bạc trắng
Con đò ngang rệu rã
Cùng bao lớp học trò đã lũ lượt qua sông
Có những ánh mắt thân thương
Cũng có những giọng cười bất nghĩa
Dòng sông chữ bây giờ không còn hiền hòa
Cứ chập chờn sóng dữ.
Các quan chức giáo dục đứng trên gò cao
Thét gào
Hô hào
Hò hét
Hãy truyền lửa cho học sinh
Truyền trong từng tiết học!
Hãy truyền lửa cho học sinh
Truyền trong từng bài giảng!
Nhưng lửa ở đâu?
Lửa ở đâu?
Lấp ló quanh trường
Hết bão đen rồi lại nước mắt
Lũ sát thủ tuổi teen
Những băng cướp áo trắng
Clip sex học trò
Bạo lực học đường...
Ngày ngày vây quanh
Ngày ngày gầm gừ
Ngày ngày rình rập
Thầy từng đêm vò đầu thức trắng
Lửa ở đâu?
Lửa ở đâu?
Người Lớn nói “có”:
- Dù có tiêu cực
Dù có ném “phao”
Dù có nâng điểm
Nhưng kết quả thi vẫn thành công tốt đẹp!
(nói "có" có nghĩa là "không"?)
Người Lớn nói “không”:
- Hãy nói không với bệnh thành tích
Hãy nói không với gian lận thi cử
Nhưng thi tốt nghiệp vẫn không được rớt nhiều!
(nói "không" cũng là "có"?)
Các bài giảng đạo đức bỗng rụt đầu xấu hổ
Các con số đậu 100% cứ lăn lộn mãi vì cười
Học trò nhìn nhau ngơ ngác
Lửa ở đâu?
Lửa ở đâu?
Học trò về thăm bến sông xưa
Con đò ngang vắng bóng...
Có em nói thầy đã đi tìm lửa phương xa
Có em đoán thuyền thầy đang ra khơi vượt biển lớn
Có em vớt được những mảnh vỡ của thuyền
Khóc...
2012
(Trang web văn học Hội Nhà Văn tp.HCM ngày 20.11.2012)
Thanh Trắc Nguyễn Văn
----------------------------------------------------------------
Ghi chú: Tranh Don Quixote (ảnh 1), tượng Don Quixote (ảnh 10), ảnh thầy giáo Lại Tiến Minh (ảnh 2, 6 và 7), ảnh thầy giáo Nguyễn Đông Thiên (ảnh 4 và 5), và ảnh minh họa sưu tầm từ internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét