Thứ Ba, 8 tháng 7, 2014

Cảm nhận bài thơ Cơn sốt đất của Thanh Trắc Nguyễn Văn


CẢM NHẬN BÀI THƠ CƠN SỐT ĐẤT CỦA THANH TRẮC NGUYỄN VĂN
Người bình: Huỳnh Xuân Sơn

Khi ta ở, chỉ  là nơi đất ở
Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn. 

(Tiếng Hát Con Tàu - Chế Lan Viên)




Hay: 

“Đất vắng cây đất ngừng ngừng hơi thở… 
Cây thiếu đất cây sống sống với ai?” 
(Tình cây và đất - Tô Thanh Tùng)

Có lẽ bất cứ ai trong mỗi chúng ta khi nghe những câu thơ, lời hát ấy ít nhiều đều có cảm xúc bồi hồi nhớ về những nơi mình đã đi qua, đã ở lại; được đánh dấu bằng những địa danh mang tên Đất, tên Nước. Đất đã đi vào thơ vào nhạc chính là tình thơ, ý nhạc dạt dào tình cảm, ca ngợi vẻ đẹp của quê hương.


Vậy mà hôm nay tôi rất ngỡ ngàng gặp một tâm trạng của thầy giáo nhà thơ Thanh Trắc Nguyễn Văn. Anh viết về Đất… Bài thơ có tựa đề:




CƠN SỐT ĐẤT

Khi ta về cơn sốt đất đang cao
Đồng tiền quẳng ra trên những đống gò ao bãi
Quán xá lềnh khênh
Nhạc tình rơi vãi
Giữa dòng đời ai nghiêng ngả
Ngả nghiêng?

Từng ngôi nhà hối hả mọc chông chênh
Vội thay mặt chủ sau mỗi lần được giá
Vườn ruộng ông cha giờ cháu con đem mặc cả
Tấc đất tấc vàng
Trong hai tiếng bán buôn.

Khi ta về nước mắt mẹ đang tuôn
Một hố lầy hoang cũng giật giành xỉa xói
Anh em nhìn nhau nghi ngờ soi mói
Chửi rủa trước nhà
Dao búa sau lưng.

Mẹ một đời người vẫn buôn thúng bán bưng
Thương đàn cháu đói lại đường xa chạy gạo
Đất chưa hóa vàng đã từng giờ rỉ máu
Bao nhân nghĩa cuộc đời theo nước lã trôi sông.

Khi ta về biết em nhớ hay không?
Hàng dâm bụt tuổi thơ đã không còn đó nữa
Một bức tường vôi mảnh chai găm tua tủa
Ngăn trở lòng người
Cứa nát những vì sao.

Ta bàng hoàng nghe vị đắng nỗi đau
Đất cao giá biến nụ cười em băng giá!
Người yêu cũ nay bỗng dưng xa lạ
Hỏi tại người
Hay tại đất
Mẹ ơi?

2000
(Tuyển tập thơ Dấu Cỏ Người Xa – NXB Văn Hóa Dân Tộc 2004)

Thanh Trắc Nguyễn Văn





Bài thơ dừng lại ở câu cảm thán “Mẹ ơi!” và câu hỏi “Hỏi tại người hay tại Đất?" khiến cho tôi (một bạn đọc yêu thơ) rất muốn đi tìm nguyên nhân đã dẫn đến câu hỏi làm nhức nhối trái tim người đọc ấy.

Thể thơ tự do với những ngôn từ được lựa chọn kỹ càng, đã được nhà thơ chắt lọc để gửi gắm vào đó những ý thơ chuyên chở cả một hồn thơ sâu rộng: Nhằm phản ánh một thực trạng đau lòng, một mặt trái của sự tốc độ hóa đô thị hiện nay, mà đất đã mang lại cho những chủ nhân của nó. Những điều nhức nhối ấy, khuất lấp sau những gì mà chợt nhìn, chợt thấy khiến người ta cứ ngỡ đó là những giá trị tốt đẹp, là “sự phát triển vượt bậc” mà "Cơn sốt đất" mang đến… Nhưng không! Nhà thơ đang khắc họa cơn sốt này theo góc nhìn của riêng mình.


Thiếu nữ áo dài trắng
Góc nhìn dẫn tới mặt trái của bức tranh Cơn sốt đất của nhà thơ Thanh Trắc Nguyễn Văn mở ra trong bối cảnh “Khi ta về…”:

Khi ta về cơn sốt đất đang cao

Đồng tiền quẳng ra trên những đống gò ao bãi
Quán xá lềnh khênh
Nhạc tình rơi vãi
Giữa dòng đời ai nghiêng ngả
Ngả nghiêng?

“Khi ta về…” của nhà thơ (thời gian ấy khoảng những năm 2000) cả đất nước chúng ta đang lên cơn sốt về đất . Một thửa ruộng đất nông nghiệp, một góc ao làng lấn chiếm, một rẻo đất lấn sông hay một vạt đất ven đường lộ… bỗng chốc hoá thành vàng. Hôm qua 2 triệu một sào đất, vừa sang tay cầm đồng tiền còn nóng hổi trên tay, hôm nay có thể đã lên đến 2 triệu một mét vuông. Ngày mai, ngày mốt đã gấp nhiều lần con số ấy… Dòng đời êm trôi đang lặng sóng bỗng chốc cơn bão giá nhà đất ào tới xô nghiêng tất cả. Tình người rơi tự do theo tỷ lệ thuận với giá nhà đất tăng cao.

Thiếu nữ áo dài trắng

Vẫn là “Khi ta về..” nhà thơ bắt gặp và có lẽ tận mắt chứng kiến:

Từng ngôi nhà hối hả mọc chông chênh
Vội thay mặt chủ sau mỗi lần được giá
Vườn ruộng ông cha giờ cháu con đem mặc cả
Tấc đất tấc vàng
Trong hai tiếng bán buôn.

Còn nỗi đau nào hơn đến với những người tạo dựng cơ nghiệp mong để lại cho đời sau chút đất hương hỏa, gặp cơn bão sốt đất cuốn về tình nghĩa cuốn theo, lòng người nghiêng ngả. Nhà thơ gặp “vườn ruộng ông cha giờ cháu con mặc cả…” là còn đỡ hơn nhiều so với ngay gần nơi tôi sống, chính con đẻ của người đã khuất còn nhẫn tâm thuê người dời mộ cha mẹ của mình về quê để lấy đất bán; dù hai ngôi mộ ấy chỉ nằm gọn một góc nhỏ khiêm tốn trong mảnh vườn. Và tấc đất khi ấy không chỉ là “tấc đất tấc vàng”,  mà nó còn di dời luôn cả "chữ hiếu chữ thảo" ra đi theo lương tâm bạt bẽo của những đứa con đã cạn tình hết nghĩa. Tất cả bị bóp nát, vo tròn theo “hai tiếng bán buôn”.


Lại vẫn là “Khi ta về…” nhà thơ bắt gặp những nỗi niềm xót xa đến quặn thắt lòng người, để rồi phải bật lên thành những câu thơ nấc nghẹn khoắc khoải:

Khi ta về nước mắt mẹ đang tuôn
Một hố lầy hoang cũng giật giành xỉa xói
Anh em nhìn nhau nghi ngờ soi mói
Chửi rủa trước nhà
Dao búa sau lưng.

Như đã nói một vạt đất lấn chiếm bỗng chốc hóa vàng. Ở đây trước mắt nhà thơ chỉ có “một hố lầy hoang”, vậy mà “anh em nhìn nhau nghi ngờ soi mói”, giành giật xỉa xói” không xong sẵn sàng quay ra “chửi rủa trước nhà” hậu quả mang đến là “dao búa sau lưng”. Anh em ruột thịt bất chấp “nước mắt mẹ đang tuôn”. Hỏi còn nỗi đau xé lòng nào hơn thế! Vàng đâu chưa thấy, chỉ thấy tình nghĩa đảo điên, lòng người se thắt héo hon rớt rơi theo nước mắt của những người mẹ:

Mẹ một đời người vẫn buôn thúng bán bưng
Thương đàn cháu đói lại đường xa chạy gạo
Đất chưa hóa vàng đã từng giờ rỉ máu
Bao nhân nghĩa cuộc đời theo nước lã trôi sông.


Thiếu nữ áo bà ba tím



Nước mắt chảy xuôi, lòng mẹ bao la nào nỡ bỏ để đàn cháu đói nên "lại đường xa chạy gạo”. Xưa các con còn nhỏ mẹ “vẫn một đời buôn thúng bán bưng”, chạy từng bữa ăn lo cho chúng tới trưởng thành rồi dựng vợ gả chồng cho chúng, những tưởng mẹ sẽ được an hưởng tuổi già vậy mà… Cũng bởi tại “tấc đất tấc vàng” cả thôi. Đất chưa hóa vàng nay đã “giành giật soi mói” rồi phải dùng đến cả “dao búa” để mà nói chuyện. Người xưa nói “một giọt máu đào hơn ao nước lã”, ngày hôm nay nhà thơ đã thấy, tôi đã thấy và có lẽ nhiều bạn đọc đã thấy "bao nhân nghĩa cuộc đời theo nước lã trôi sông”. Còn đâu là máu mủ ruột rà thân thích. Tất cả bị một bộ phận không nhỏ của những con người trong xã hội coi đồng tiền là trên hết, làm vấy bẩn hay nói rõ hơn là bôi bẩn, gạch xóa chữ tâm, chữ tình, chữ hiếu ở đời, chỉ vì lòng tham của họ đã bị đồng tiền cuốn trôi dìm xuống vũng lầy tham lam, ích kỷ.

Còn đây một nỗi niềm “Khi ta về…” nữa của nhà thơ:

Khi ta về biết em nhớ hay không?
Hàng dâm bụt tuổi thơ đã không còn đó nữa
Một bức tường vôi mảnh chai găm tua tủa
Ngăn trở lòng người
Cứa nát những vì sao.

Chút kỷ niệm thời ấu thơ đến khi biết thầm thương, trộm nhớ, rồi yêu, với cô bé nhà bên chung một bờ giậu của nhà thơ. Hy vọng chút niềm vui, dẫu mong manh còn sót lại, cũng phải tan biến ngay khi bắt gặp “một bức tường vôi mảnh chai găm tua tủa” thay chỗ  cho“hàng dâm bụt”. Đã bị “ngăn trở lòng người” thì làm sao biết được “em nhớ hay không”? Những mảnh chai găm tua tủa kia “cứa nát những vì sao” hay cứa nát ánh mắt dõi sang nhà hàng xóm cùng trái tim của nhà thơ đây nhỉ?. ”Khi ta về…” nghe sao đắng chát… Hình như lát cắt này làm nhà thơ hụt hẫng thì phải:

Ta bàng hoàng nghe vị đắng nỗi đau
Đất cao giá biến nụ cười em băng giá!
Người yêu cũ nay bỗng dưng xa lạ
Hỏi tại người
Hay tại đất
Mẹ ơi?

Thiếu nữ ngồi áo dài trắng

Thiếu nữ ngồi áo dài trắng


Tấc đất tấc vàng, dẫu chưa hóa thành vàng. Đã khiến máu đào rỉ, tình nghĩa hiếu hòa rụng rơi, nay thêm tình xưa nghĩa cũ, cũng là hàng xóm láng giềng đã trở thành xa lạ. “Nụ cười em băng giá” chỉ vì “đất cao giá”. Cao giá lên nên em đã bán cả “hàng dâm bụt” để cho “bức tường vôi” mọc lên thế chỗ. Bạc như vôi vốn là câu nói của người xưa để lại. "Ta bàng hoàng nghe vị đắng nỗi đau” cũng phải thôi!

Nhà thơ muốn hỏi  tại người hay tại đất? Câu hỏi này nhà thơ hỏi chỉ để hỏi mà thôi. Bản thân tác giả, bản thân tôi, và có lẽ có nhiều bạn đọc khác nữa đã có câu trả lời cho riêng minh khi đọc đến hai chữ “Mẹ ơi!” của nhà thơ Thanh Trắc Nguyễn Văn.

Bài thơ Cơn sốt đất đã khắc họa rõ nét một bức tranh mang gam màu xám của xã hội khi cơn bão sốt đất nhà đất mang đến. Một bộ phận không nhỏ người dân đã bị lòng tham vật chất làm lu mờ, che khuất tình người, dìm chết hết tình thân, đạo hiếu ở đời. Ta có thể gặp họ bất cứ ở nơi đâu trên khắp đất nước từ thành thị đến nông thôn, từ người giàu thành đạt tới người nghèo thất học. Ta có thể gặp họ nhan nhản trên báo đài, có khi ngay cạnh nhà bạn, cạnh nhà tôi, cạnh nhà tác giả.


Cơn sốt đất của nhà thơ Thanh Trắc Nguyễn Văn tôi đã đọc, đã đồng cảm và tôi đã viết với mọi cung điệu cảm xúc của riêng mình. Mong tác giả và bạn đọc hãy coi đây là cảm xúc của riêng cá nhân tôi cùng cái nhìn một chiều, mang theo gam màu xám… Những suy luận và cảm ý thơ trong Cơn sốt đất có thể chưa hẳn đúng với phần đông bạn đọc và cảm xúc của tác giả. Rất mong được lượng thứ và bỏ qua.

Sài Gòn ngày 8.7.2014

(Bài đã đăng trên trang web văn học Văn Đàn Việt ngày 16.7.2014)

Huỳnh Xuân Sơn



Photo @BinhNX

Photo @BinhNX

Photo @BinhNX


---------------------------------------------------------------
Ghi chú: Ảnh Tăng Thanh Hà (ảnh 3, 4, 5, 6, 7 và 8), ảnh Photo @BinhNX (ảnh 17, 18 và 19) và ảnh minh họa sưu tầm từ internet

15 nhận xét:

  1. Cảm ơn Kim Hiền nghen!

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn em Lệ Thanh nhiều nghen

    Trả lờiXóa
  3. Cảm ơn cảm nhận của bạn Yêu Thi Ca

    Trả lờiXóa
  4. nghịch lý giữa đất và tình người

    Trả lờiXóa
  5. Cảm ơn bạn Nguyễn Văn Thái

    Trả lờiXóa
  6. bài thơ hay còn bài bình sâu sắc

    Trả lờiXóa
  7. cảm ơn ý kiến của bạn Ngọc Xuân

    Trả lờiXóa
  8. thơ hiện thực và sâu lắng

    Trả lờiXóa
  9. Xót lòng khi đọc bài thơ của anh Văn

    Trả lờiXóa