Thơ ca - Văn học - Nghệ thuật - Kiến thức - Hài hước - Ngôi sao - Người mẫu - Ảnh đẹp - Video Sáng tác - Sưu tầm
Thứ Ba, 22 tháng 7, 2014
Hai câu chuyện nhỏ mà không nhỏ
Lời nói đầu:
Bài viết đã đăng lần lượt trên báo Văn Nghệ Tp.HCM số 310, ngày 17.7.2014 (với bút danh Nguyễn Nguyên Nguyên) và trên báo Văn Nghệ Công An số 228 (328), từ ngày 21.7 đến 4.8.2014 (với bút danh Thanh Trắc Nguyễn Văn); nói về việc tận thu thuế của ngành giáo dục đối với những giáo viên khi họ đi gác thi và chấm thi tốt nghiệp. Ai cũng biết giáo viên là những người có thu nhập rất thấp so với những ngành nghề khác, nhưng ngành giáo dục vẫn tận thu thuế không thương tiếc. Điều đáng nói là khi thu thuế chẳng ai đưa cho những người giáo viên bị thu thuế tội nghiệp một tờ biên lai nào cả. Không có biên lai thu thì họ sẽ không có chứng từ để đi hoàn thuế được, và số tiền thu này nếu nhân lên cho số giáo viên đi chấm thi và gác thi sẽ là một số tiền không nhỏ nhưng không ai biết chúng sẽ về đâu?
HAI CÂU CHUYỆN NHỎ MÀ KHÔNG NHỎ
1. Câu chuyện của những người đi chấm thi
Từ đầu năm 2009, thuế thu nhập cá nhân bắt đầu được áp dụng tại Việt Nam. Những nhà doanh nghiệp phải lo lắng về thuế suất là điều hiển nhiên, nhưng ít ai biết được những người có thu nhập rất thấp như các nhà giáo cũng lo lắng không kém, vì thuế thu nhập cá nhân cũng có ảnh hưởng không ít đến đồng lương còm cõi của họ.
Trước năm 2014, khi đi gác thi và chấm thi Tốt nghiệp trung học phổ thông (khoảng tháng sáu hàng năm), các nhà giáo đều phải đóng thuế thu nhập. Theo quy định thuế thu nhập vãng lai lúc đó, ai được lãnh tiền bồi dưỡng trên một triệu đồng là phải đóng thuế 10%. Các nhà giáo đều nghiêm túc đóng thuế và nộp thông tin mã số đầy đủ, nhưng không mấy ai được hoàn thuế vì khi thu thuế chẳng ai đưa cho cá nhân họ một tờ biên lai nào cả. Lại thêm bản tính các nhà giáo chỉ là những người thích dạy học chứ không thích tủn mủn chạy đi chạy lại lên phòng thuế chỉ vì mấy trăm ngàn đồng, không đáng là bao so với các ngành nghề khác.
Năm 2014, thuế thu nhập vãng lai có thay đổi, ai thu nhập từ hai triệu đồng trở lên mới phải đóng thuế. Các nhà giáo được phân công đi gác thi rất mừng vì tiền bồi dưỡng gác thi của họ luôn dưới con số này. Nhưng các giáo viên bị điều động đi chấm thi thì khác, cái ám ảnh bị thu thuế thu nhập vãng lai vẫn luôn treo lơ lửng trên đầu họ. Nhiều người nói đóng thuế thì cứ đóng có gì phải lo lắng. Thật ra ít ai biết những người đi chấm thi có khá nhiều người là giáo viên nghèo ở ngoại thành, phải cơm đùm cơm nắm lên Hội đồng chấm thi ở các quận trung tâm thành phố. Nước uống họ cũng phải mang theo, thức ăn mang theo ăn giữa trưa thường là cơm hộp hoặc xôi nắm. Họ luôn dè xẻn, tiết kiệm chứ không dám chi phí nhiều.
Và đây là một câu chuyện có thật xảy ra tại một phòng thi chấm Tốt nghiệp phổ thông trung học năm 2014. Các giám khảo trong phòng chấm này chỉ chấm đến 15 xấp bài thi thì dừng lại, họ đùn đẩy cho nhau chứ không chịu nhận xấp bài khác để chấm tiếp. Theo sự nhẩm tính của họ, nếu chấm đến xấp bài thi thứ 16, họ sẽ lãnh trên hai triệu đồng, và như thế là sẽ bị đóng thuế thu nhập mất hai trăm ngàn đồng. Đối với nhiều người con số hai trăm ngàn đồng chẳng đáng là bao, nhưng đối với nhiều giáo viên nghèo đó là tiền chợ hơn một ngày của họ. Kết quả là hơn một tuần phòng thi đó vẫn chưa chấm xong, cho đến khi có giám khảo ở các phòng thi khác nhận bài thi chấm giùm thì mọi người trong phòng thi đó mới thở phào nhẹ nhõm. Nhưng có lẽ “trời cao có mắt”, khi tổng kết ngoài tiền bồi dưỡng chấm thi gần hai triệu, họ còn được Hội đồng thi cho lãnh thêm 90.000 đồng tiền nước uống. Thế là tổng cộng vẫn “được lãnh” trên hai triệu đồng và vẫn “được” đóng thuế thu nhập…
2. Câu chuyện của những người đi gác thi:
Các giáo viên được điều động đi gác thi Tuyển sinh vào lớp 10 thường vào khoảng gần cuối tháng sáu mỗi năm. Có hai loại Hội đồng thi Tuyển sinh vào lớp 10 cùng được thành lập song song: Hội đồng thường và Hội đồng chuyên. Để tính tiền bồi dưỡng cho các giám thị đi gác thi ở các Hội đồng thi này, Sở Giáo dục và Đào tạo tính như sau: tiền bồi dưỡng mỗi ngày (là 210.000 đồng) nhân cho 5 ngày gác thi. Vì sau đi gác thi có 3 ngày mà tính thành 5 ngày? Vì trong những ngày gác thi đó có hai ngày nằm trong những ngày nghỉ cuối tuần (thứ bảy và chủ nhật), nên theo qui định một trong những ngày này khi giáo viên được điều động thì phải tính thành hai ngày cho họ.
Tiền bồi dưỡng dù có ít nhưng không có gì đáng nói. Cái đáng nói ở đây là sự không công bằng. Những giáo viên đi gác thi ở Hội đồng thường (có nhiều người may mắn được gác thi ngay tại quận nhà), chỉ đi họp và gác thi tất cả có 4 buổi. Những giáo viên bị điều động đi gác thi ở Hội đồng chuyên thường là rất xa quận nhà, trưa do sợ đến trễ giờ thi họ phải ở lại trường ăn cơm bụi để đợi gác thi tiếp buổi chiều, tổng cộng các buổi họp và gác thi của những giáo viên này lên đến con số 5 buổi. Buổi gác thi thêm cuối cùng của Hội đồng chuyên lại là gác thi môn chuyên, rất cực vì kéo dài đến 150 phút, dài nhất trong các buổi gác thi. Họ phải tiếp tục làm nhiệm vụ cật lực trong suốt buổi chiều trong khi các giám thị ở Hội đồng thường đã được nghỉ từ giữa trưa. Tiền bồi dưỡng thì như nhau (vì cùng tính có số ngày công là 5 ngày như nhau, chứ không được tính số buổi gác thi) và có nhiều khi, éo le thay, tiền của các giám thị ở Hội đồng chuyên lại lãnh ít hơn các giám thị ở Hội đồng thường!
Sự bất hợp lý này đã tồn tại từ nhiều năm rồi, và ít ai hiểu được những bức xúc của những giám thị phải đi gác thi nhiều buổi hơn, cực nhọc hơn mà tiền bồi dưỡng lại bị cào bằng. Có người ra về cười rất vui, tuy nhiên ai cũng biết vị giám thị đó dù bằng mặt nhưng không mấy bằng lòng. Có người nói vu vơ: “Tại năm nay mình gặp xui nên bị đi gác ở Hội đồng chuyên!”. Cũng có người uất ức nói thật: “Năm nào bị điều động đi gác thi Hội đồng chuyên, khi tổng kết tôi đều nêu ý kiến cho Chủ tịch Hội đồng thi về sự bất công của việc chi trả tiền bồi dưỡng. Nhưng cứ như ném đá ao bèo, hình như các vị Chủ tịch Hội đồng thi không có ghi vào biên bản ý kiến này. Và nếu có nhưng các quan chức trong ngành giáo dục ở trên cứ nghĩ là chuyện nhỏ nên không mấy ai quan tâm để giải quyết”.
3. Phần kết:
Hai câu chuyện ở trên tuy là nhỏ, nhỏ đối với các quan chức giáo dục. Và lại càng rất nhỏ so với con số 34 ngàn tỷ đồng mà Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị cho kế hoạch chỉnh sửa sách giáo khoa. Nhưng nếu ngành giáo dục biết quan tâm hơn đến những bức xúc của giáo viên - những người lính nơi tuyến đầu trận tuyến giáo dục đang ngày đêm phải phải tự học, phải lên lớp dạy và phải tự đấu tranh với những tiêu cực của ngành – thì biết đâu bức tranh giáo dục của cả nước sẽ dần dần được tươi mát và sáng sủa hơn nhiều.
2014
(Bài đã đăng trên báo Văn Nghệ tp.HCM số 310, ngày 17.7.2014 với bút danh Nguyễn Nguyên Nguyên)
Thanh Trắc Nguyễn Văn
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------
* Bài đã đăng trên báo Văn Nghệ tp.HCM số 310, ngày 17.7.2014 (với bút danh Nguyễn Nguyên
Nguyên)
* Bài đã đăng trên báo Văn Nghệ Công An số 228 (328), từ ngày 21.7 đến 4.8.2014
Ghi chú: Photo: DzũngArt (ảnh 4, 5. 6, 7 và 8) ảnh minh họa sưu tầm từ internet
mail nè anh Văn:
Trả lờiXóahonghiaphuong@gmail.com (trang web Sắc Màu Thời gian)
tapchisongtra@gmail.com
cảm ơn bạn
Trả lờiXóabài rất thực, hiểu được những khó khăn của nghề giáo
Trả lờiXóarất vui vì ý kiến của bạn
Trả lờiXóatác giả viết vì các nhà giáo nghèo
Trả lờiXóacảm ơn mi van
Trả lờiXóakhông thể tin được các nhà giáo lại bị đối xử đến như vậy
Trả lờiXóađúng vậy đó Ngọc Xuân
Trả lờiXóathật thương cho các thầy cô
Trả lờiXóađúng vậy
Trả lờiXóa