Thơ ca - Văn học - Nghệ thuật - Kiến thức - Hài hước - Ngôi sao - Người mẫu - Ảnh đẹp - Video Sáng tác - Sưu tầm
Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2019
Nguyễn Tất Nhiên (thơ tuyển)
NHÀ THƠ NGUYỄN TẤT NHIÊN
Nguyễn Tất Nhiên sinh ngày 30 tháng 5 năm 1952 tại xã, Bình Trước, quận Châu Thành Biên Hòa.
Nguyễn Tất Nhiên theo học trường trung học Ngô Quyền từ năm 1963 cho tới năm 1970. Lúc mới vừa lên trung học đệ nhất cấp, Nguyễn Tất Nhiên đã làm thơ. Theo lời những người bạn cùng trường lúc đó, thơ của Nguyễn Tất Nhiên đã rất hay từ nhỏ. Lúc đó Nguyễn Tất Nhiên thành lập thi văn đoàn với bạn học là Đinh Thiên Phương, tên thật là Đinh Thiên Thọ. Cả hai thi sĩ học trò này cùng chung nhau xuất bản tập thơ Nàng thơ trong mắt năm 1966, khi đó Nguyễn Tất Nhiên được 14 tuổi. Trong tập thơ này Nguyễn Tất Nhiên lấy bút hiệu là Hoài Thi Yên Thi.
Thời gian này, Nguyễn Tất Nhiên đã gặp một cô gái người miền Bắc tên là Duyên và có với cô này một tình cảm nhẹ nhàng nhưng không thành công vì hoàn cảnh gia đình và cả tính nghệ sĩ của Tất Nhiên. Dù vậy, cô gái tên Duyên này cũng đã là cảm hứng cho Tất Nhiên sáng tác khá nhiều bài thơ "Khúc tình buồn", hay các bài "Cô Bắc Kỳ nho nhỏ", "Linh mục", "Em hiền như ma sơ".
Tâm hồn nghệ sĩ của Nguyễn Tất Nhiên đã bộc lộ từ lúc anh còn rất trẻ. Đầu óc của anh được miêu tả lúc nào cũng như mơ mộng suy nghĩ đâu đâu, không tập trung ngay cả khi đang học. Bạn bè thời gian này gọi đùa anh là Hải Ngáo hay Hải Khùng. Tương truyền, có một buổi sáng, Nguyễn Tất Nhiên đứng giữa ngã tư ở Biên Hòa như chỗ không người, bỏ tay trong túi quần nhìn lên trên trời.
Mối tình vô vọng với cô Duyên, nỗi đam mê, niềm đau khổ làm người đã tạo nên phong cách thơ của ông.
Theo lời kể của nhà thơ Thái Thụy Vy:
"Hồi chưa nổi tiếng, trời nắng chang chang mà anh ưa mặc cái manteau mua ở khu Dân sinh, mồ hôi nhễ nhại, ưa đạp xe đạp đi cua cô em Bắc Kỳ nho nhỏ tên Duyên..."
Sự nghiệp của Nguyễn Tất Nhiên thời gian đầu không mấy thành công. Cho đến khi thơ anh được một số thầy giáo gửi đăng báo Sáng tạo của Mai Thảo; rồi Phạm Duy, Nguyễn Đức Quang thấy đó mà phổ nhạc thì mới bắt đầu nổi tiếng.
Vào khoảng năm 1972 hoặc 1973, Nguyễn Tất Nhiên nhận được giấy gọi nhập ngũ vào trường Võ khoa Thủ Đức. Tuy nhiên mới vào Trung tâm 3 Quang Trung, ông đã được cho thôi về vì lý do tâm thần bất ổn.
Sau năm 1975, Nguyễn Tất Nhiên sống ở trong nước cho tới 1981. Trong thời gian này anh học đàn và sáng tác ca khúc với nhạc sĩ Nguyễn Hữu Nghĩa trong bốn năm.
Năm 1980, anh sang định cư tại Pháp, rồi cuối cùng sang Mỹ sống ở Quận Cam. Năm 1987, anh gia nhập Hội Nhà Văn Việt Nam Lưu Vong. Sau anh lấy vợ có tên là Minh Thủy, rồi có với nhau 2 đứa con trai.
Ngày 3 tháng 8 năm 1992, người ta thấy anh nằm chết trong một xe hơi cũ, đậu dưới bóng cây trong sân chùa tại California. Mộ Nguyễn Tất Nhiên nằm trong Vườn vĩnh cửu thuộc nghĩa trang Westminster phía tây Little Saigon (California), và thường được những người du khách Việt đến thăm viếng.
(Theo Wikipedia)
1. TRÚC ĐÀO
Trời nào đã tạnh cơn mưa
Mà giông tố cũ còn chưa muốn tàn
Nhà người tôi quyết không sang
Thù người tôi những đêm nằm nghiến răng
Quên người - nhất quyết tôi quên
Mà sao gặp lại còn kiên nhẫn chào.
Chiều xưa có ngọn trúc đào
Mùa thu lá rụng bay vào sân em
Mùa thu lá rụng êm đềm
Như cô với cậu cười duyên dại khờ
Bởi vì hai đứa ngây thơ
Tình tôi dạo ấy là... ngơ ngẩn nhìn
Thế rồi trăng sáng lung linh
Em mười sáu tuổi giận hờn vu vơ
Sang năm mười bảy không ngờ
Tình tôi nít nhỏ ngồi mơ cũng thừa
Tôi mười bảy tuổi buồn chưa
Đầu niên học mới dầm mưa cả ngày.
Chiều nay ngang cổng nhà ai
Nhủ lòng tôi chỉ nhìn cây trúc đào
Nhưng mà không hiểu vì sao
Gặp người xưa lại nhìn nhau mỉm cười?
1973
Nguyễn Tất Nhiên
Bài thơ này đã được nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc thành bài hát cùng tên.
2. HAI NĂM TÌNH LẬN ĐẬN
1.
hai năm tình lận đận
hai đứa cùng xanh xao
mùa đông, hai đứa lạnh
cùng thở dài như nhau.
hai năm tình lận đận
hai đứa cùng hư hao.
(em không còn thắt bím
nuôi dưỡng thời ngây thơ
anh không còn lính quýnh
giữa sân trường trao thư).
hai năm tình lận đận
hai đứa đành xa nhau
em vẫn còn mắt liếc
anh vẫn còn nôn nao
ngoài đường em bước chậm
trong quán chiều anh ngóng cổ cao.
2.
em bây giờ có lẽ
toan tính chuyện lọc lừa
anh bây giờ có lẽ
xin làm người tình thua
chuông nhà thờ đổ mệt
tượng Chúa gầy hơn xưa
Chúa bây giờ có lẽ
rơi xuống trần gian mưa.
(dù sao thì Chúa cũng
một thời làm trai tơ
dù sao thì Chúa cũng
là đàn ông... dại khờ)
anh bây giờ có lẽ
thiết tha hơn tín đồ
nguyện làm cây thánh giá
trên chót đỉnh nhà thờ
cô đơn nhìn bụi bậm
làm phân bón rêu xanh.
(dù sao cây thánh giá
cũng được người nhân danh).
3.
hai năm tình lận đận
em đã già hơn xưa!
Nguyễn Tất Nhiên
Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành bài hát cùng tên.
3. MA SOEUR
đưa em về dưới mưa
nói năng chi cũng thừa
phất phơ đời sương gió
hồn mình gần nhau chưa?
tay ta từng ngón tay
vuốt lưng em tóc dài
những trưa ngồi quán vắng
chia nhau tình phôi thai
xa nhau mà không hay.
(hỡi em cười vô tội
đeo thánh giá huy hoàng
hỡi ta nhiều sám hối
tính nết vẫn hoang đàng!)
em hiền như ma-sơ
vết thương ta bốn mùa
trái tim ta làm mủ
ma-sơ này ma-sơ
có dịu dàng ánh mắt
có êm đềm cánh môi
ru ta người bệnh hoạn
ru ta suốt cuộc đời.
(cuộc đời tên vô đạo
vết thương hành liệt tim!)
đưa em về dưới mưa
xe lăn đều lên dốc
chở tình nhau mệt nhọc!
đưa em về dưới mưa
áo dài sầu hai vạt
khi chấm bùn lưa thưa.
đưa em về dưới mưa
hỡi em còn nít nhỏ
chuyện tình nào không xưa?
vai em tròn dưới mưa
ướt bao nhiêu cũng vừa
cũng chưa hơn tình rụng
thấm linh hồn ma-sơ.
1971
Nguyễn Tất Nhiên
Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành bài hát Em hiền như Ma Soeur.
4. DUYÊN CỦA TÌNH TA CON GÁI BẮC
ta sẽ về thương lại nhánh sông xưa
thương lại bóng hình người năm năm trước...
em nhớ giữ tính tình con gái Bắc
nhớ điêu ngoa nhưng giả bộ ngoan hiền
nhớ dịu dàng nhưng thâm ý khoe khoang
nhớ duyên dáng, ngây thơ... mà xảo quyệt!
ta sẽ nhớ dặn dò lòng nên tha thiết
nên vội vàng tin tưởng chuyện vu vơ
nên yêu đương bằng khuôn mặt khờ khờ
nên hùng hổ... để đợi giờ thua thiệt!
nghe nói em vừa thi rớt Luật
môi trâm anh tàn héo nụ-xa-vời
mắt công nương thầm khép mộng chân trời
xin tội nghiệp lần đầu em thất vọng!
(dù thật sự cũng đáng đời em lắm
rớt đi Duyên, rớt để thương người!)
ta - thằng ôm hận tú tài đôi
không biết tìm ai mà kể lể
chim lớn thôi đành cam rớt lệ
ngày ta buồn thần thánh cũng thôi linh!
nếu vì em mà ta phải điên tình
cơn giận dữ đã tận cùng mê muội
thì đừng sợ, Duyên ơi, thiên tài yếu đuối
tay tre khô mối mọt ăn luồn
dễ gãy dòn miểng vụn tả tơi xương
khi tàn bạo siết cổ người yêu dấu!
em chẳng bao giờ rung động cũ
ta năm năm nghiệt ngã với tình đầu
nên trở về như một con sâu
lê chân mỏng qua những tàn cây rậm
nuôi hy vọng sau ngàn mưa nắng lậm
lá-xanh-em chưa dấu lở loang nào
để ta còn thi sĩ nhất loài sâu
nhìn lá nõn, tiếc, thèm... đâu dám cắn!
nếu vì em mà thiên tài chán sống
thì cũng vì em ta ngại bước xa đời!
1972
Nguyễn Tất Nhiên
5. KHÚC TÌNH BUỒN
1
người từ trăm năm
về qua sông rộng
ta ngoắc mòn tay
trùng trùng gió lộng
(thà như giọt mưa
vỡ trên tượng đá
thà như giọt mưa
khô trên tượng đá
có còn hơn không
mưa ôm tượng đá)
người từ trăm năm
về khơi tình động
ta chạy vòng vòng
ta chạy mòn chân
nào hay đời cạn
(thà như giọt mưa
vỡ trên tượng đá
thà như giọt mưa
khô trên tượng đá
có còn hơn không
mưa ôm tượng đá)
người từ trăm năm
về như dao nhọn
ngọt ngào vết đâm
ta chết âm thầm
máu chưa kịp đổ
(thà như giọt mưa
vỡ trên tượng đá
thà như giọt mưa
khô trên tượng đá
có còn hơn không
mưa ôm tượng đá).
2
thà như giọt mưa
gieo xuống mặt người
vỡ tan vỡ tan
nào ta ân hận
bởi còn kịp nghe
nhịp run vồi vội
trên ngọn lông măng
(người từ trăm năm
vì ta phải khổ).
1970
Nguyễn Tất Nhiên
Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành bài hát Thà như giọt mưa.
6. CÔ BẮC KỲ NHO NHỎ
Đôi mắt tròn, đen, như búp bê
Cô đã nhìn anh rất... Bắc Kỳ
Anh vái trời cho cô dễ dạy
Để anh đừng uổng mớ tình si.
Anh vái trời cho cô thích mộng
Để anh ngồi kể chuyện nằm mơ
"Đêm qua có một chàng bươm bướm
Nguyện chết khô trên giấy học trò".
Anh chắc rằng cô sinh trong Nam
Cảnh tượng di cư chắc lạ lùng?
Khi nghe ai luyến thương Hà Nội
Chắc cô nghe bằng tim dửng dưng.
Anh vái trời cho cô dửng dưng
Coi như Hà Nội - xứ hoang đường
Để anh còn dắt cô đi dạo
Còn rủ cô vào rạp cải lương.
Anh vái trời cô thích cải lương
"Thích kẻ anh hùng diệt bạo tàn"
Mốt mai thê thảm quanh đời sống
Cô sẽ còn đôi chút lạc quan.
Đôi mắt tròn, đen, như búp bê
Cô chớ nhìn thiên hạ lận lường
Mà hãy nhìn anh cây lắm chuyện
Nhưng còn con trẻ chuyện yêu đương.
1973
Nguyễn Tất Nhiên
Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành bài hát Anh vái trời.
7. ĐÁM ĐÔNG
1.
cô Bắc Kỳ nho nhỏ
tóc “demi-garçon”
chiều vui thương đón gió
có thương thầm anh không?
cô Bắc Kỳ nho nhỏ
tóc “demi-garçon”
cười ngày thơ hết nụ
tình cờ thấy anh trông.
khi không đường nín gió
bụi hết thời bay rong
khi không đường nín gió
anh lấy gì lang thang?
cô Bắc Kỳ nho nhỏ
tóc “demi-garçon”
chiều đạp xe vô chợ
mắt như trời bao dung.
anh vì mê mải ngó
nên quên thù đám đông!
2.
đời chia muôn nhánh khổ
anh tận gốc gian nan
cửa chùa tuy rộng mở
tà đạo khó nương thân.
anh đành xưng quỷ sứ
lãnh đủ ngọn dao trần!
qua giáo đường kiếm Chúa
xin được làm chiên ngoan.
Chúa cười rung thánh giá
bảo: đầu ngươi có sừng!
đời chia muôn nhánh khổ
anh tận gốc gian nan.
cô Bắc Kỳ nho nhỏ
mắt như trời bao dung
hãy nhìn anh thật rõ
trước khi nhìn đám đông.
hãy nhìn sâu chút nữa
trước khi vào đám đông!
1973
Nguyễn Tất Nhiên
Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành bài hát Cô Bắc Kỳ nho nhỏ.
8. LINH MỤC
1.
dĩ vãng là địa ngục
giam hãm đời muôn năm
tôi - người yêu dĩ vãng
nên sống gần Satan
ngày kia nghe lời quỷ
giáng thế thêm một lần
trong kiếp người linh mục
xao gầy cơn điên trăng!
2.
vì tôi là linh mục
không mặc áo nhà dòng
nên suốt đời hiu quạnh
nên suốt đời lang thang!
vì tôi là linh mục
giảng lời tình nhân gian
nên không có thánh kinh
nên không có bổn đạo
nên không có giáo đường
(một tín đồ duy nhất
vừa thiêu hủy lầu chuông!)
vì tôi là linh mục
phổ lời tình nhân gian
thành câu thơ buồn bã
nên hạnh phúc đâu còn
nên người tình duy nhất
vừa thiêu hủy lầu chuông
vì tôi là linh mục
không biết mặt thánh thần
nên tín đồ duy nhất
cũng là đấng quyền năng!
3.
tín đồ là người tình
người tình là ác quỷ
ác quỷ là quyền năng
quyền năng là tín đồ
tín đồ là người tình
(vì tôi là linh mục
giảng lời tình nhân gian!)
4.
vì tôi là linh mục
không biết rửa tội người
nên âm thầm lúc chết
tội mình còn thâm vai...
1970
Nguyễn Tất Nhiên
Bài thơ này đã được nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang phổ nhạc thành bài hát Vì tôi là linh mục.
9. BỞI YÊU EM SẦU KHỔ DỊU DÀNG
1.
Những kỷ niệm đời xin hãy còn xanh
(Có một ngày mình bỏ trường bỏ lớp
Anh cũng đi như luật định trời dành
Em cũng đi như luật định trời dành).
2.
Nắng bờ sông như màu trang vở cũ
Thuở học trò em làm khổ ai chưa?
3.
Anh muốn khóc trong buổi đầu niên học
Bàn tay xương cầm hờ hẫng văn bằng.
4.
Em hãy đứng trước gương làm dáng
Tự khen mình đẹp quá đi em
(Lỡ mai kia mốt nọ theo chồng
Còn đôi chút luyến lưu thời con gái).
Em hãy ra bờ sông nhìn nắng trải
Nhớ cho mình dáng dấp người yêu
(Lỡ dòng đời tóc điểm muối tiêu
Còn giây phút chạnh lòng như... mới lớn).
Mình hãy trách đời nhau nhiều hư hỏng
Rồi giận hờn cho kỷ niệm đầu tay
Thu miên man không thấy lá vàng bay
Anh phải nói: buồn chúng ta màu trắng.
5.
Tình cứ đuổi theo người như chiếc bóng
Người thì không bắt bóng được bao giờ.
6.
Anh muốn khóc trong buổi đầu niên học
Bởi yêu em nên sầu khổ dịu dàng.
1970
Nguyễn Tất Nhiên
Bài thơ này đã được nhạc sĩ Nguyễn Hữu Nghĩa phổ nhạc thành bài hát Nỗi sầu khổ dịu dàng.
10. HAI HÀNG ME Ở ĐƯỜNG GIA LONG
Hôn rách mặt mà sao còn nghi ngại?
Nhớ điên đầu sao cứ sợ chia tan?
Mỗi lòng người một lý lẽ bất an
Mỗi cuộc chết, có một hình thức, khác
Mỗi đắm đuối có một mầm gian ác
Mỗi đời tình, có một thú, chia ly.
Chiều nắng âm thầm chào biệt lũ lá me
Lá me nhỏ, như nụ cười hai đứa, nhỏ
Tình cũng khó theo thời cơm áo, khó
Ta dìu nhau đi dưới bóng nợ nần.
Em bắt đầu thấy ân hận, chưa em?
Vì lỡ nói thương anh, cái thằng quanh năm túng thiếu
Ân hận, có, thì hãy nên, ráng chịu
Hãy xem như cảnh ngộ đã an bài
Như địa cầu không thể ngược vòng quay
Như Chúa, Phật phải gay go trước giờ lên ngôi Phật, Chúa.
Tình cũng khó theo thời cơm áo, khó
Nên mới yêu, mà cư xử rất vợ chồng
Rất thiệt tình khi lựa quán bình dân
Khi nói thẳng: "Anh gọi cà phê đen bởi hụt tiền uống cà phê đá"
Mỗi cuộc sống thăng trầm, phải mua bằng nhục nhã
Mỗi mặt trời, phải trả giá một hoàng hôn
Đêm, chẳng còn cách khác tối tăm hơn
Nên mặt mũi ta đây, bùn cứ tạt.
Môi thâm tím bận nào tươi tắn, hát
Em nhớ vờ hoan hỉ vỗ tay khen
Để anh còn cao hứng cười duyên
Còn tin tưởng nụ hôn mình, vẫn ngọt.
Khăn tăm tối hãy ngang đầu quấn nốt
Quấn cho nhau, quấn bạo, quấn cuồng điên
Vòng sau cùng sẽ gặp quỷ Sa Tăng
Bởi hạnh phúc mơ hồ như, Thượng Đế.
Đời, vốn không nương người thất thế
Thì thôi, ô nhục cũng là danh.
Mình nếu chọn đời nhau làm dấu chấm
Mỗi câu văn đâu được chấm hai lần.
1973
Nguyễn Tất Nhiên
11. OANH
Hãy yêu chàng, yêu chàng như yêu dòng sông
Ngậm ánh trăng non bàng bạc đêm rằm
Sông chở phù sa về ươm lộc mới
Chàng chở tình về cho mắt em ngoan.
Hãy yêu chàng, yêu chàng như yêu áng mây
Lãng đãng trôi xuôi ngọn thuở mộng dài
Mây ủ mưa hồng thơm hoa kết trái
Chàng ủ tình hồng thả tóc em bay.
Hãy yêu chàng, yêu chàng như yêu giọt sương
Sớm vẫn ngủ quên trên cánh hoa hường
Sương kết hơi mù mơn man lá cỏ
Chàng kết tình vui hơi thở em nồng.
Hãy yêu chàng, yêu chàng như yêu luống mạ
Say gió chiều nghiêng kể chuyện thanh bình
Mạ đơm lúa đầy trẻ thơ mau lớn
Chàng đơm tình đầy trong ngực em, xinh.
Hãy yêu chàng, yêu chàng như yêu mặt trời
Bỏ quên sợi nắng lụa vàng tươi
Mặt trời nổi lửa soi trần thế
Chàng thắp tình soi dáng nhỏ em, lười.
Hãy yêu chàng, yêu chàng như yêu hy vọng
Bay nhảy siêng năng từng trái tim người
Hy vọng vuốt ve sau lần thất thế
Chàng vuốt ve tình nóng hổi bàn tay.
Hãy yêu chàng, yêu chàng như yêu cánh gió
Chơi giỡn tung tăng hai vạt áo dài
Gió đưa mây về, trời mưa, bong bóng vỡ
Chàng đưa tình về, xót ngọn cỏ may.
Nguyễn Tất Nhiên
Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành bài hát Hãy yêu chàng.
12. TÂM CA
hỡi người tóc mượt như sông
sao o chảy hết nguồn lòng của anh
mai kia ngoảnh mặt sao đành
bằng không gặp lại tình hành sao cam?
hỡi người tóc gió hương giang
sao o xua hết mây đan nắng hồng
chiều nao con sáo sang sông
hương đồng cỏ nội anh buồn với ai?
hỡi người tóc nội thành bay
sao o nhập một mười hai nhịp cầu
chừng nào o lấy chồng đâu
gặp anh ghé nón tựa sầu nơi mô?
hỡi người tóc ủ ca dao
sao o không biết môi nào môi anh
để cho sợi tóc… chẳng lành
ươm hương cau xuống chân quanh tìm trầu
bây giờ anh biết đường nao
bác ơi lòng “mạ” lối nào đi quanh?
Nguyễn Tất Nhiên
Bài thơ này đã được nhạc sĩ Võ Tá Hân phổ nhạc thành bài hát Con sáo sang sông.
13. THÁNG 11, THƠ MƯA
Người tóc thả vai ngoan
Bước qua chiều, mưa nhỏ
Cùng tận chốn tang thương
Ta nghe ngàn phiến gió
Đè nặng bóng thê lương
Xuống từng hơi thở khó.
Người tóc thả vai ngoan
Dịu hiền trong mưa nhỏ
Chớn chỏ đời nghiệt oan
Ta mời ta viếng mộ.
Ta mời ta viếng mộ
Lìa thảm cảnh dương gian.
Chúc Phật còn lui chân
Trước bạo quyền chế độ
Huống hồ chút hư danh
Nguyễn Tất Nhiên thống khổ.
Ôi chữ nghĩa văn chương
Bất lực, càng bất lực.
Phải sống nơi địa ngục
Mới hiểu thấu thân ta.
Đôi mắt người ngây thơ
Không hề vương vấn tội
Có chở tình ta theo
Tới cõi nào diệu vợi?
Lửa đời ta đã lụn
Đang hấp hối tro tàn.
Biên Hòa, 06/11/1975
Nguyễn Tất Nhiên
Bài thơ này đã được nhạc sĩ Nguyễn Hữu Nghĩa phổ nhạc thành bài hát Xin chở tình ta theo
14. NHƯ NHỮNG HOÀNG HÔN BỎ MẶT TRỜI
Tôi bắt đầu yêu hay bắt đầu dự tính?
(Dự tính nào cũng thật ngây thơ!)
Tôi bắt đầu ngây thơ hay bắt đầu già?
(Khi mặc cả tình yêu cũng thù hận)
Xin đánh đổi cuộc đời này (lận đận)
Bằng phút giây cầm được tay người
Em còn đứng bên dòng sông ngát lạnh
Cho đầy hồn mơ ước viển vông
Tôi còn đứng bên dòng sông giá lạnh
Cho một mưu toan tự tử âm thầm
Ngày sắp hết, năm sắp hết
Thời gian nào cho bốn mắt ta xanh?
Thời gian nào đưa ta về địa ngục?
(Những kẻ yêu nhau chẳng có thiên đàng)
Thế nào rồi em cũng bỏ tôi
Như những hoàng hôn bỏ mặt trời
Khi tôi thốt lời tình như bảo vật
Em ngu si nên từ chối dễ dàng
Tôi ngu si nên làm người không tiếc của
(Hai kẻ ngu si khó sống gần)
Thế nào rồi em cũng giết tôi
Xin hận thù em suốt quãng đời
Tôi bắt đầu yêu hay bắt đầu dự tính?
(Dự tính nào cũng thật ngây thơ)
Tôi bắt đầu ngây thơ hay bắt đầu già?
(Khi mặc cả tình yêu cũng thù hận)
Như loài thiêu thân mê lửa ngọn
Buổi yêu em, tôi hăng hái lìa trần
30 Tết Tân Hợi - 1971
Nguyễn Tất Nhiên
Bài thơ này đã được nhạc sĩ Nguyễn Hữu Nghĩa phổ nhạc thành bài hát Như những hoàng hôn.
---------------------------------------------------------------
Ghi chú: ảnh minh họa sưu tầm từ internet.
Những vần thơ trác tuyệt.
Trả lờiXóaEm nghe hát nhiều, giờ mới biết lời thơ của ai.
Cảm ơn anh Văn đã sưu tầm.
Nguyễn Văn Thanh Trắc Em được biết bài Linh Mục là một trong 10 bài thơ tình hay nhất thế kỷ 20 do cộng đồng... bầu chọn!
Trả lờiXóaHay lắm, ý nghĩa lắm đó anh
Trả lờiXóaCám ơn đã chia sẻ
Trả lờiXóaCám ơn chú rất nhiều.
Trả lờiXóaThật tuyệt vời .
Trả lờiXóaLiêm Lê
Trả lờiXóa