Thơ ca - Văn học - Nghệ thuật - Kiến thức - Hài hước - Ngôi sao - Người mẫu - Ảnh đẹp - Video Sáng tác - Sưu tầm
Thứ Hai, 25 tháng 5, 2020
Trao đổi về thơ lục bát với Vũ Quỳnh
TRAO ĐỔI VỀ THƠ LỤC BÁT VỚI VŨ QUỲNH
HOA QUỲNH NỞ
Giữa đêm chỉ thoảng hương thơm
Cánh quỳnh vẫn khép như còn đợi ai
Em về lấp lánh sương mai
Môi cười, hoa nở ngát hai đóa quỳnh!
(Tuyển tập thơ Tứ Tuyệt Tình Thi – NXB Đà Nẵng 2005)
Thanh Trắc Nguyễn Văn
Ý kiến Vũ Quỳnh:
Viết như vậy chưa phải thơ lục bát. Có bốn câu mà không vần thì thơ lục bát cái gì hở ông bạn? Từ "thơm" vần với "còn" thì hỏng rồi.
Ý kiến Thanh Trắc Nguyễn Văn:
Gởi anh Vũ Quỳnh
Tôi hoàn toàn không đồng ý với ý kiến của anh Vũ Quỳnh. Từ "ơm" và "on" trong bài thơ Hoa Quỳnh Nở của tôi tuy không phải là "vần chính" nhưng âm gần nhau vẫn có thể xem là "vần thông" được (không phải là kiểu "vần thông" của thơ đường luật). Các câu thơ trong bài thơ vẫn nhịp nhàng không bị gượng ép.
Từ ngày xưa sự gieo vần trong thơ lục bát cùng các phối hợp về thanh điệu, ngữ điệu giữa các chữ sẽ tạo thành cấu trúc có vần điệu chính tạo ra những câu thơ hay được lưu truyền trong ca dao, trong các tác phẩm kinh điển như truyện Kiều, Nhị Độ Mai, Lục Vân Tiên...
Anh Vũ Quỳnh nói bài thơ lục bát không vần là bị "hỏng". Xin thưa với anh, nói như anh là quá cố chấp, quá bảo thủ, quá gò bó sẽ làm thui chột những ý thơ hay. Thơ làm cho đúng vần mà không có hồn thơ thì đó chỉ là một cái xác thơ không hơn không kém. Người làm thơ như vậy chỉ nên đáng gọi là "thợ thơ" mà thôi. Muốn xét một bài thơ hay hoặc không hay người ta phải xét rất nhiều phương diện như tứ của bài thơ, hình ảnh của bài thơ, nhạc điệu của bài thơ... chứ không phải "vạch lá tìm" chỉ vì bài thơ không có "vần chính" mà bảo nó "hỏng" một cách phiến diện như cách nói tùy tiện của anh Vũ Quỳnh được.
HOA QUỲNH NỞ (bản đã chỉnh sửa cho có vần chính)
Hương đêm dìu dịu trăng tròn
Cánh quỳnh vẫn khép như còn đợi ai
Em về lấp lánh sương mai
Môi cười, hoa nở ngát hai đóa quỳnh!
(Tuyển tập thơ Tứ Tuyệt Tình Thi – NXB Đà Nẵng 2005)
Thanh Trắc Nguyễn Văn
Tuy bài thơ Hoa Quỳnh Nở đã được tôi chỉnh sửa lại cho có vần chính theo ý của anh Vũ Quỳnh, nhưng tôi vẫn thích phiên bản đầu hơn vì nó được viết từ cảm xúc.
Kinh thư
Thanh Trắc Nguyễn Văn
Ý kiến Đinh Hà Triều:
Đồng ý hoàn toàn với anh Thanh Trắc Nguyễn Văn. Sử dụng vần chính, hoặc vần thông là việc tự nhiên nhi nhiên: "Muốn xét một bài thơ hay hoặc không hay người ta phải xét rất nhiều phương diện như tứ của bài thơ, hình ảnh của bài thơ, nhạc điệu của bài thơ... chứ không phải chỉ vì bài thơ không có "vần chính" mà bảo nó "hỏng".
Ý kiến Thanh Trắc Nguyễn Văn:
Cảm ơn anh Đinh Hà Triều đã có cùng ý kiến!
Ý kiến Nguyên Như
Cảm ơn bác Thanh Trắc Nguyễn Văn, chỉ sợ là người được phản biện không biết lắng nghe và cứ bảo thủ.
Ý kiến Hoàng Long
Anh Vũ Quỳnh làm thơ đường luật nên luôn bị bó buột trong vần, niêm, đối, luật bằng trắc...
Ý kiến Nguyễn Nguyên
Thật sự thơ đường luật của mấy "nhà thơ" hiện giờ có gì hay đâu? Cứ lo bắt lỗi, bắt bệnh thơ của nhau nên thơ của họ cứ bị tối nghĩa, đối nhiều khi còn không chỉnh nữa là...
Ý kiến Phạm Thành
@Thanh Trắc Nguyễn Văn, bạn phản biện rất chuẩn, mình rất thú vị khi mà gặp những ngài chỉ chăm sóc vần như công thức cứng đờ mà quên đi ngoài vần chính còn có vần thông làm cho lục bát thêm hình ảnh, nhạc điệu. Nếu cố ép vần dễ thành vè đâu phải thơ. Những câu dẫn của bạn quá thuyết phục.
Ý kiến Nguyên Như
@Phạm Thành, hì sáng tác vè có khi còn chưa được ấy bác... Vè cũng có cái hay riêng.
Ý kiến Hoàng Long
@Nguyễn Nguyên, thơ đường luật thật sự có bao nhiêu lỗi, bao nhiêu bệnh vậy?
Ý kiến Nguyễn Nguyên
@Hoàng Long, không nhớ rõ hình như thơ đường luật có hơn chục lỗi và bệnh cần phải tránh.
Ý kiến Thanh Trắc Nguyễn Văn
Có tất cả 20 LỖI VÀ BỆNH CỦA THƠ ĐƯỜNG LUẬT
* 12 lỗi:
1- Trùng vận
2- Trùng từ
3- Trùng ý
4- Điệp điệu
5 Điệp thanh
6- Điệp âm
7- Đại vận
8- Tiểu vận
9- Phong yêu
10- Hạc tất
11- Chánh nữu
12 -Bàng nữu
* 8 bệnh:
1. Thất niêm
2. Thất luật
3. Thất đối
4. Thất vận
5. Bình đầu
6. Thượng vỹ
7. Mạ đề
8. Khổ độc
Ý kiến Hoàng Long
Đây là làm xiếc chứ không phải làm thơ!
PHỤ LỤC BẢNG VẦN THÔNG CỦA VẦN BẰNG
Đơn âm:
o, ô, u : thông vần với nhau.
e, ê, i : thông vần với nhau.
ơ, ư : vần nhau.
a, ơ : vần nhau.
ai, ay, ây : vần nhau.
ai, oi, ôi, ơi, ươi, ui : thông nhau.
ao, eo, êu, iêu, iu, ưu : thông nhau.
am, ơm : thông nhau.
ăm, âm : thông nhau.
êm, im : thông nhau.
an, ơn : thông nhau.
ăn, ân, uân : thông nhau.
Phức âm:
en, in, iên, uyên : thông nhau.
on, ôn, uôn : thông nhau.
on, un : thông nhau.
ang, ương : thông nhau.
ăng, âng , ưng : thông nhau.
ong, ông, ung : thông nhau.
uông, ương : thông nhau.
anh, ênh, inh, oanh, uynh : thông nhau.
PHỤ LỤC BẢNG VẦN THÔNG CỦA VẦN TRẮC
Đơn âm:
ói, ủi : thông nhau.
ĩa, uệ : thông nhau.
ọ, ủa : thông nhau.
é, ị : thông nhau.
ổ, ũ : thông nhau.
Phức âm:
áo, iễu : thông nhau.
út, uốt : thông nhau.
ật, ứt : thông nhau.
ật, ắt : thông nhau.
óng, úng : thông nhau.
ặn, ẩn : thông nhau.
ạm, ợm : thông nhau.
ấc, ực : thông nhau.
ác, ước : thông nhau.
ụi, ỗi : thông nhau.
uyệt, ịt : thông nhau.
ạc, ước : thông nhau.
ỗ, ữa : thông nhau.
Ý kiến Thanh Trắc Nguyễn Văn
Rất cảm ơn những ý kiến thú vị của các bạn trong cuộc trao đổi lần này.
Sài Gòn 2020
Ghi chép Thanh Trắc Nguyễn Văn
--------------------------------------------------
Ghi chú: Ảnh Hoa hậu Việt Nam 2018 Trần Tiểu Vy (ảnh 12 - áo dài trắng đính hoa lam tím), ảnh Phạm Ngọc Khánh Linh (ảnh 16 và 21 - áo trắng, áo dài hoa văn), ảnh Nguyễn Thị Thu Tâm (ảnh 19,20 - áo đầm ca rô, áo dài trắng), ảnh Ngô Thị Diệu Ngân (ảnh 21 - áo dài đỏ) và ảnh minh họa sưu tầm từ internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét