RẮC RỐI CỤM TỪ GỐC HÁN
Từ hôm qua đến nay, thế giới mạng nổi sóng vì một từ gốc Hán xuất hiện trong Bản tin tài chính kinh doanh của Đài Truyền hình Việt Nam. Bài viết này không bàn đến sự việc trên mà muốn đề cập đến một khía cạnh khác, đó là cách dùng sai một số từ gốc Hán. Cái sai này lặp đi lặp lại từ lâu nay trên các phương tiện thông tin đại chúng mà không có chiều hướng chấm dứt. Xin nhặt ra 5 từ thường xuyên bị dùng sai.
1. Vị tha: Do trong từ gốc Hán này có chữ “tha” nên nhiều người tưởng nhầm “vị tha” là “tha thứ”. Thật ra, “tha” có nghĩa “khác”, “kẻ khác” như trong cụm từ “tha hương” (quê người khác), “tha nhân” (người khác). Do đó “vị tha” có nghĩa “vì lợi ích của người khác”. Ngược nghĩa với “vị tha” là “vị kỷ”.
Muốn thể hiện sự tha thứ, phải dùng từ “khoan dung”, “bao dung”.
2. Cứu cánh: Do trong từ gốc Hán này có chữ “cứu” nên nhiều người tưởng nhầm “cứu cánh” là “giải pháp thoát khỏi nguy hiểm”.
Thật ra, “cứu” có nghĩa “cuối cùng”, “kết cục”, còn “cánh” có nghĩa “xong”, “hết”, do đó từ “cứu cánh” có nghĩa “kết quả cuối cùng”. Có một ngạn ngữ phương Tây mà nhiều người biết, đó là câu “cứu cánh biện hộ cho phương tiện” (la fin justifie les moyens).
3. Hoàn thành: “Hoàn” có nghĩa “trọn vẹn”, “xong xuôi”, chẳng hạn “hoàn công”, “hoàn mỹ”. Vậy “hoàn thành” là làm xong xuôi việc gì đó. Nói hoặc viết “hoàn thành xong”, “hoàn thành nốt” là không chuẩn.
4. Tối ưu: “Tối” có nghĩa “kỳ cùng”, “tột bậc” như trong cụm từ “tối cao” (cao nhất), “tối giản” (đơn giản nhất), “tối thiểu” (ít nhất). Vậy không thể nói hoặc viết “tối ưu nhất”.
5. Tái hiện: “Tái” có nghĩa “lại”, “một lần nữa” như trong từ “tái phạm”, “tái hôn”. Do đó không thể nói hoặc viết “tái hiện lại”.
* Những chú giải trong bài này được trích dẫn từ cuốn Hán – Việt tự điển của tác giả Thiều Chửu, sách do Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành năm 2004.
Nguyễn Đức Huy
---------------------------------------------------------
Ghi chú: Ảnh minh họa sưu tầm từ internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét