Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2020

Bàn thêm về bài Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế

Thơ tranh cổ


BÀN THÊM VỀ BÀI "PHONG KIỀU DẠ BẠC" CỦA TRƯƠNG KẾ

Phàm một bài thơ hay không nhất thiết phải dài hay ngắn mà cốt ẩn chứa trong bài thơ một ý tưởng, một ký thác, một “thông điệp”… nào đó của tác giả!
Thơ Đường tuy ngày nay không còn mấy thịnh hành nhưng vẫn còn nhiều người yêu dòng thơ này bởi lẽ tuy hầu hết những bài Đường thi làm theo thể Thất ngôn bát cú hoặc Tứ tuyệt, số lượng từ ngữ sử dụng trong thơ không nhiều nhưng bản thân tác giả vốn khéo sử dụng những điển tích cổ nên nội dung của bài thơ có một sức hàm chứa mạnh mẽ.


Thiếu nữ áo dài hồng cầm dù hồng



Thiếu nữ áo dài hồng cầm dù hồng


Đối với loại Tứ tuyệt thì số lượng câu chỉ gói gọn trong 4 câu nhưng nếu là người tinh thông dòng thơ này, khi luận bàn có khi lại cả cả một bài… tiểu luận tràng giang!

Đêm hôm qua, một hôm khuya khoắt, lôi bài thơ “Phong Kiều dạ bạc” của Trương Kế ra “nhâm nhi”, rồi tìm hiểu thêm về giai thoại của bài Tứ tuyệt qua hay này, tôi đã có cảm tác cũng bằng một bài Tứ tuyệt, tất nhiên không thể nào so sánh với “Phong Kiều dạ bạc” nhưng cũng chỉ để thể hiện sự rung cảm của hậu sinh đối với một bậc tiền bối Đường thi:


Thiếu nữ áo dài hồng cầm dù hồng


PHONG KIỀU DẠ BẠC

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên.
Cô tô thành ngoại Hàn San tự,
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.

Trương Kế

Dịch thơ:

THUYỀN ĐỖ BẾN PHONG KIỀU

Trăng lạc bên trời quạ kêu sương
Hàng phong lửa chiếu bến sông trường
Thành Cô Tô vắng chùa im ắng
Nửa khuya chuông nhẹ, khách sầu vương

Hoài Nguyễn (phóng tác)


Thiếu nữ áo dài hồng cầm dù hồng


Phong Kiều Dạ Bạc là bài thơ rất nổi tiếng của Trương Kế, tác giả sống vào khoảng trước sau năm 756 - đời vua Đường Túc Tông. Trương Kế tự là Ý Tôn, từng thi đậu tiến sĩ và làm quan trong triều với chức vụ Tự bộ viên ngoại lang, về sau bị đổi ra Hồng Châu coi việc tài phú và mất tại đây. Sinh thời, ông là người học rộng, thích đàm đạo và bàn bạc văn chương, thế sự... đặc biệt rất thích làm thơ. Bài thơ này là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, chỉ với nó ông đã được liệt vào hàng đại gia. Ông sáng tác bài này khi đi thi trượt trở về ghé qua Tô Châu, tức cảnh mà sinh tình.

Nguyên tác bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc sau này đã được Khang Hữu Vi đời nhà Thanh khắc trên tấm bia lớn dựng trong chùa Hàn San.

Phong Kiều Dạ Bạc là một bài thất ngôn tứ tuyệt hàm súc, với nhiều địa danh quen thuộc: Cô Tô - gắn với hình ảnh về người đẹp Tây Thi, Hàn San là ngôi chùa có nhiều vị sư nổi tiếng một thời và nhiều giai thoại, điển tích...

Riêng bài Phong Kiều Dạ Bạc có một truyền thuyết khá lãng mạn:


Thiếu nữ áo dài hồng cầm dù hồng


Trần Trọng San trong cuốn Thơ Đường đã chép lại như sau: Một đêm trăng, sư cụ trụ trì chùa Hàn San, cảm hứng nghĩ ra hai câu thơ:

"Sơ tam sơ tứ nguyệt mông lung
Bán tự ngân câu bán tự cung "

Thao thức mãi sư cụ không nghĩ được hai câu tiếp; đột nhiên có tiếng gõ cửa. Thì ra là chú tiểu cũng trằn trọc vì 2 câu thơ mình mới nghĩ ra:

"Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn
Bán trầm thủy để bán phù không."

Chú tiểu cũng không làm tiếp được, sang xin thầy giúp. Nghe xong, sư cụ mừng quá, quỳ xuống tạ Phật vì quả thật 2 câu thơ của chú tiểu hợp với 2 câu của sư cụ, thành một bài tứ tuyệt rất hay.

"Sơ tam sơ tứ nguyệt mông lung
Bán tự ngân câu bán tự cung
Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn
Bán trầm thủy để bán phù không."

Trần Trọng San đã dịch:

"Mồng ba, mồng bốn, trăng mờ
Nửa dường móc bạc nửa như cung trời
Một bình ngọc trắng chia hai
Nửa chìm đáy nước nửa cài từng không"

Làm xong bài thơ này lúc nửa đêm, sư cụ bảo chú tiểu đánh chuông tạ ơn Phật.

Thiếu nữ áo dài hồng cầm dù hồng


Tình cờ cũng ngay lúc ấy trên thuyền, Trương Kế cũng không ngủ được vì không nghĩ được câu tiếp cho hai câu:

“Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên”

Tự nhiên chuông chùa Hàn San vọng đến, gợi hứng cho thi nhân hoàn tất bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc bằng câu kết

“Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền”

Còn chùa Hàn San là một ngôi chùa hẻo lánh ngoài thành Ngô Huyện thuộc tỉnh Giang Tô. Xung quanh bát ngát rừng mai, phía sau dòng sông xanh ngắt lững lờ uốn khúc, giữa hai dãy núi sừng sững vươn mình trong làn mây trắng xóa. Chùa ở bên cầu có cây phong nên gọi là Phong Kiều. Trên sông đêm có ánh lửa chài. Bài thơ của Tần Thục đời Tống có câu: " Ô đề nguyệt lạc kiều biên tự "(Quạ kêu trăng xế chùa bên cầu) và thơ Khang Hữu Vi đời Thanh, có câu "Lãnh tận Hàn San cố tự phong (Lạnh đến cả cây phong bên chùa cổ Hàn San) đều nói rõ chùa Hàn San bên cầu có cây phong. Như vậy, Giang phong và Ngư hỏa trong bài thơ trên vẫn là cây bên sông và lửa chài, chứ không phải là tên 2 quả núi Giang Phong và Ngư Hỏa như một vài giả thuyết đã nói.

Như một lẽ thường tình, một tác phẩm nghệ thuật khi đã quá nổi tiếng thường có những “giai thoại” kèm theo như là một minh chứng khiến cho tác phẩm thêm phần ly kỳ hấp dẫn!


Thiếu nữ áo dài hồng cầm dù hồng


Ở đây nếu xét về mặt “nổi tiếng” thì bài “Phong Kiều dạ bạc” của Trương Kế thì có lẽ ai cũng đã thừa nhận.

Tuy nhiên lại có truyền thuyết “bài thơ Tứ tuyệt” ghép của hai thầy trò sư chùa Hàn San, nếu xét về lý thì thời điểm “ra đời” của nó có trước bài “Phong Kiều dạ bạc” của Trương Kế, bởi vì cũng đến thời điểm “dạ bán” tức là thời điểm hai thầy trò chùa Hàn San“nối lại hai phần” của bài thơ thì mới mừng quá để tạo ra “chung thanh” và từ đó Trương Kế mới hoàn thành nốt hai khổ thơ còn lại của tuyệt tác “Phong Kiều dạ bạc”?

Có nhiều tác giả phân tích ngữ nghĩa, dụng ý của bài thơ “Phong Kiều dạ bạc”, có thể là một trong nhiều bài thơ của Trương Kế sáng tác, nhưng có lẽ ông chỉ ưng bụng, và gửi gắm những tâm sự nỗi niềm của thi nhân, vốn dĩ cũng là mệnh quan triều đình đương thời trong cơn “quốc loạn” (loạn An Lộc Sơn) đến nỗi vua tôi phải phiêu bạt khắp nơi.

Ở đây nhiều nhà phân tích cho biết thành Cô Tô và chùa Hàn San cách bến Phong Kiều gần chục cây số thì làm sao nằm ở bến Phong Kiều mà nghe tiếng chuông chùa Hàn San cho được! Như vậy Trương Kế đã sắp đặt các yếu tố này một cách có chủ ý, và nhà thơ muốn muốn sử dụng địa danh “Cô Tô” để gởi gắm tâm tư của mình chính!

Thành Cô Tô nguyên là nơi Ngô Phù Sai xây dựng vì quá yêu Tây Thi và cũng chính vì lẽ này và nước Ngô bị họa vong quốc!

Thêm vào đó lại có chùa Hàn San, nơi đêm đêm tiếng chuông vang vọng nhắc nhở con người rằng cuộc đời vô thường lắm, thông điệp vô thường ấy đã vang tới tận bến Phong Kiều nơi có một con người đang chơi vơi giữa thực hư của cuộc đời. Con người ấy chính là tác giả, một mệnh quan triều đình đang lênh đênh trên con thuyền mà ở đây ông đã khéo dùng “Khách thuyền” khách cũng chính là thuyền, thuyền thì cô đơn trên bến Phong Kiều mịt mờ sương phủ, và khách lênh đênh giữa dòng lịch sử với ngổn ngang những dấu hiệu suy tàn của triều đại!

Thiếu nữ áo dài hồng cầm dù hồng


Thời Nhật Bản chiếm đóng Trung Quốc, người Nhật rất ưa thích và tán tụng nên Khang Hữu Vi, một nhân sĩ đời Thanh rất chuộng văn hóa Nhật bản, đã thuê người khắc bài thơ này lên một tảng đá lớn đặt trước chùa Hàn San.

Một số người đến tận nơi cội nguồn tạo nên bài thơ tuyệt tác này tìm hiểu và được biết một số địa danh có trong bài “Phong Kiều dạ bạc” như “Ô Đề thôn”. “Nguyệt Lạc sơn” … thì có ý nghi ngờ vì cho rằng bài thơ quá nổi tiếng nên người dân địa phương muốn “ăn theo” với tuyệt tác này chăng?

Có nghi vấn cho rằng người Nhật đã lén tháo chuông của Hàn San tự để mang về Nhật vì cho rằng đây là “Chuông thần” khiến cho tiếng chuông của nó làm cho Trương Kế sáng tác nên một thi phẩm “thần diệu” để đời này!


Thiếu nữ áo dài hồng cầm dù hồng


Sau này Trung Quốc đòi mãi nên Nhật Bản phải trả, nhưng trả bằng một chiếc “chuông giả” của Hàn San tự còn chuông thật Nhật Bản vẫn tiếp tục lưu giữ!
Đọc bài thơ “Phong Kiều dạ bạc” của Trương Kế, chỉ viết vài dòng vu vơ thế sự như cảm thông với nỗi niềm của Trương Kế của hơn ngàn năm trước, trong một cơn quốc loạn và trong giây phút xuất thần, cảm tác bài thơ sau:

ĐỌC LẠI BÀI THƠ CỔ

Nửa khuya đọc lại bài thơ cổ
Trăng lạc Phong Kiều, vẩn bóng ô.
Cô Tô thành ấy thời quốc loạn
Để tiếng chuông ngân, thoáng thẫn thờ

02/9/2016

Hoài Nguyễn


Thiếu nữ nằm áo dài trắng


--------------------------------------------------
Ghi chú: ảnh minh họa sưu tầm từ internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét