Thứ Tư, 21 tháng 3, 2018

Trang Góc Nhỏ Văn Thơ - Đạp đá ở Côn Lôn - Phan Chu Trinh

Góc Nhỏ Văn Thơ


ĐẬP ĐÁ Ở CÔN LÔN - PHAN CHU TRINH

Trong những năm đầu thế kỷ 20, lúc thế sự nhiễu nhương, cũng là khi quần hùng trỗi dậy, những anh tài nở rộ trên bầu trời lịch sử dân tộc - có kẻ lưu danh hậu thế, có người vụt sáng mà sớm tàn, nhưng tất cả đều góp phần vào một thời kỳ đầy biến động và oai hùng.
Phan Chu Trinh là một người như thế. Một chí sĩ yêu nước, một cựu quan Lễ bộ, một nhà vận động chủ tâm muốn "Chấn dân khí; Khai dân trí; Hậu dân sinh", đã từng cùng Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Cường Để... bôn ba tìm đường cứu dân tộc khỏi bể lầm than. Ông cho rằng chính quyền toàn quyền Pháp cần có trách nhiệm cho toàn cục Đông Dương, nhưng cũng tham gia nổi dậy chống sưu thuế, có lúc lập trường học, thư xã để chấn hưng dân trí, có lúc cật lực bài trừ phương cách bạo động vũ trang, bị giam cầm, bắt bớ, sống tha hương rồi qua đời khi lý tưởng chưa thành.


Le Viet Photography



Le Viet Photography


Hậu thế có thể đánh giá đúng sai, đo lường chỗ hay chỗ dở, nhưng trong xoay vần của thời cuộc, không ai có thể phán xét những kẻ quyết tâm 'vá trời', dám đứng lên 'xách búa làm lở núi non', dẫu có phải trả giá bằng mạng sống. Bài thơ "Đập đá ở Côn Lôn" của ông mượn hình ảnh người tù khổ sai ở Côn Lôn (Côn Đảo) để nói lên cái chí làm trai, cái bất khuất của người anh hùng thời bấy giờ.

Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn,
Lừng lẫy làm cho lở núi non.
Xách búa đánh tan năm bảy đống,
Ra tay đập bể mấy trăm hòn.
Tháng ngày bao quản thân sành sỏi,
Mưa nắng càng bền dạ sắt son.
Những kẻ vá trời khi lỡ bước,
Gian nan chi kể sự con con.
Làm ở Côn Lôn năm Đinh Mùi (1907)


Le Viet Photography


Đám tang Phan Chu Trinh trở thành một sự kiện chính trị trọng đại thời bấy giờ. "Ngày đi chôn, dân chúng sắp hàng dài đi dọc đường Pellerin, qua Norodom, quẹo Paull Planchy đến Phú Nhuận rồi thẳng lên Tân Sơn Nhất. Hàng chục ngàn người nghiêm trang, tay đeo băng tang xếp hàng đi, có thanh niên của Đảng Jeune Annam giữ gìn trật tự suốt dọc đường. Một đám tang lớn chưa từng có ở Sài Gòn, đám tang thể hiện sự giác ngộ của quần chúng, đám tang là tấm lòng của đồng bào đối với nhà ái quốc suốt đời chỉ nghĩ đến dân." Âu cũng là minh chứng cho một cuộc đời đầy ý nghĩa của người nghĩa sĩ Duy Tân.

(Góc Nhỏ Văn Thơ)


Le Viet Photography


--------------------------------------------------
Ghi chú: ảnh minh họa sưu tầm từ internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét