Thơ ca - Văn học - Nghệ thuật - Kiến thức - Hài hước - Ngôi sao - Người mẫu - Ảnh đẹp - Video Sáng tác - Sưu tầm
Thứ Hai, 16 tháng 7, 2018
Trang Góc Nhỏ Văn Thơ - Bạch vân thân xá
BẠCH VÂN THÂN XÁ
Điển tích "Bạch vân thân xá" (Nhà cha mẹ nơi đám mây trắng) hay "Bạch vân tư thân” (mây trắng nhớ cha mẹ) được Nguyễn Du sử dụng trong mấy câu Kiều sau để chỉ nỗi nhớ quê nhà:
"Bốn phương mây trắng một màu
Trông vời cố quốc, biết đâu là nhà?
Lần lần tháng trọn ngày qua
Nỗi gần nào biết đường xa thế này."
Điển tích này bắt nguồn từ Địch Nhân Kiệt (630 - 700), người đời Đường và thời Võ Chu. Sách Đường Thư chép ông đi làm quan xa nhà ở Tinh Châu, mà nhà cha mẹ ở Hà Dương. Địch Nhân Kiệt lên núi Thái Hàng trông đám mây trắng ở xa, mà nói với quân sĩ:
(Ngô thân xá ư kỳ hạ),
nghĩa là "Cha mẹ ta ở dưới (đám mây trắng) kia".
Từ đó văn học cổ lấy hình tượng mây trắng để nói nỗi thương cha nhớ mẹ, nhớ nơi chốn sinh ra mình.
Thái Thuận, hiệu Lữ Đường, làm quan dưới triều Lê, có làm bài thơ "Vọng bạch vân", trong đó viết:
"Du du thân xá bạch vân phi,
Hồi thủ thiên nhai động sở tư."
tạm dịch là "nơi cha mẹ ở mây trắng bay dằng dặc. Ở chốn chân trời ngoái đầu nhìn mà động lòng nhớ thương"
Nguyễn Trãi trong "Bảo Kính Cảnh Giới bài 28" cũng viết:
"Nghìn dặm xem mây nhớ quê,
Chẳng chờ cởi ấn gượng xin về."
Trong Chinh Phụ Ngâm Khúc viết:
"Lên cao trông thức mây lồng,
Lòng nào là chẳng động lòng bi thương?"
Đặng Đề, quan triều Mạc, viết bài "Trạm Lý Nhân" có 2 câu kết:
"Khởi ngã tư thân thiên lý niệm,
Bất kham hồi thủ bạch vân gian.
Dịch là "Ngoài ngàn dặm trỗi dậy lòng nhớ đấng cha mẹ, chẳng dám ngoảnh đầu về khoảng trời mây trắng"
(Góc Nhỏ Văn Thơ)
--------------------------------------------------
Ghi chú: ảnh Photo by Hoàng Mạnh Quyết và ảnh minh họa sưu tầm từ internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét