Thơ ca - Văn học - Nghệ thuật - Kiến thức - Hài hước - Ngôi sao - Người mẫu - Ảnh đẹp - Video Sáng tác - Sưu tầm
Thứ Hai, 6 tháng 8, 2018
Trang Góc Nhỏ Văn Thơ - Nhược bằng
NHƯỢC BẰNG
Trong "Chuyện người con gái Nam Xương" từ tập "Truyền Kỳ Mạn Lục" của Nguyễn Dữ, lúc Vũ Nương chuẩn bị gieo mình xuống sông đã ngửa mặt lên trời nói: "... Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ, và xin chịu khắp mọi người phỉ nhổ."
Từ điển Tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học định nghĩa "Nhược bằng. k. (id.). Còn nếu như. VD: Anh đồng ý thì làm, nhược bằng không thì thôi".
Việt Nam Tự điển của Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ giảng "trt. Ví bằng, nếu như, tiếng chuyển xuống mệnh-đề dưới để đặt giả-thuyết và ra điều-kiện: Chồng khôn thì nổi cơ-đồ, Nhược bằng chồng dại vũ-phu nặng mình (Ca dao)"
Ta hay gặp chữ này trong các bài ca dao xưa, hoặc trong các văn bản cũ:
"Thương cha nhớ mẹ thì về
Nhược bằng thương kiểng nhớ quê thì đừng."
"Ở hiền thì lại gặp lành
Nhược bằng ở dữ, tan tành cái con."
“Muốn cho êm ái đôi bên,
Thời đem trình Phủ mà xin Cóc về.
Nhược bằng có dạ tranh thi,
Lại làm đơn phục cho Trê khó gì”.
(Chuyện Trê Cóc)
Trong bản dịch Hịch Tướng Sĩ của Ngô Tất Tố có viết: "Nay ta chọn lọc binh pháp các nhà hợp thành một tuyển, gọi là “Binh thư yếu lược”. Nếu các ngươi biết chuyên tập sách này, theo lời ta dạy bảo, thì trọn đời là thần tử, nhược bằng khinh bỏ sách này, trái lời ta dạy bảo thì trọn đời là nghịch thù." Chữ này ông dịch từ chữ "或" (hoặc) trong nguyên tác.
Chữ "nhược" trong từ này xuất phát từ chữ 若 trong Hán ngữ, khi dùng làm liên từ mang nghĩa "nếu như".
(Góc Nhỏ Văn Thơ)
--------------------------------------------------
Ghi chú: ảnh Photo by Thành Lê và ảnh minh họa sưu tầm từ internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét