Thơ ca - Văn học - Nghệ thuật - Kiến thức - Hài hước - Ngôi sao - Người mẫu - Ảnh đẹp - Video Sáng tác - Sưu tầm
Thứ Tư, 17 tháng 10, 2018
Trang Góc Nhỏ Văn Thơ - Mang chủng
MANG CHỦNG
"Mang chủng khan kim nhật,
Đường lang ứng tiết sinh.
Đồng vân cao hạ ảnh,
Yến điểu vãng lai thanh."
(Mang chủng mừng tiết mới,
Bọ ngựa bèn sinh sôi.
Mây bén lửa tản trôi,
Quyết nơi nơi đồng vọng.)
(Mang Chủng - Nguyên Chẩn - dịch thơ Nguyễn Thị Hải)
Hôm nay là ngày khởi đầu của tiết Mang Chủng, một trong 24 tiết khí trong nông lịch phương Đông. Tiết Mang Chủng thường đến vào ngày 5 hay 6 tháng 6 dương lịch, khi Mặt Trời ở xích kinh 75° (kinh độ Mặt Trời bằng 75°). Với người nông dân Việt Nam, Mang Chủng bắt đầu khi nhìn thấy chòm sao Tua Rua mọc.
Mang Chủng là phiên âm tiếng Việt của chữ 芒種. 芒 (Mang) chỉ các loại ngũ cốc có râu, ví dụ như lúa nước, lúa nếp, lúa tắc... 種 (Chủng) là gieo trồng. Tiết Mang Chủng trong nền nông nghiệp cổ đại là thời khắc quan trọng, đánh dấu lúc có thể thu hoạch vụ mùa đầu tiên và chuẩn bị gieo trồng cho vụ mùa thứ hai. Do đó Mang Chủng mang ý nghĩa hối thúc "ngũ cốc có râu phải gieo trồng, qua rồi sẽ vô hiệu". Tục ngữ Hàn Quốc cũng có câu ‘Gặt lúa mạch trước mang chủng’.
"Mang Chủng" xuất hiện đầu tiên trong văn sách thời Chiến quốc "Chu Lễ": "Trạch thảo sở sinh, chủng chi mang chủng."
Sách "Vân Đài Loại Ngữ" của Lê Quý Đôn, quyển 9 chép:
"Đất 12 tổng huyện Đông-thành trấn Nghệ-an đều là cát, theo thói tục, nhân-dân làm ruộng mỗi năm chờ tiết Mang-chủng (mùng 6 mùng 7 tháng 6) báo-hiệu, thì cày xới đất lên, gieo rải hột giống rất rậm, trong ngày ấy lại bừa qua, cát và hột giống lẫn lộn nhau, chẳng bao lâu hột giống mọc mầm, được nước mưa rưới tưới, đất cát bồi vun, cây mạ tươi tốt như cỏ dồi-dào, lại bừa qua một lần nữa không câu-nệ là đã có mạ, bừa như thế không hại mạ mà có thể trừ cỏ."
Tiết Mang Chủng khi xưa có tục lệ "tiễn thần hoa" ("thần hoa" thường được đón vào tháng hai âm lịch). Trong tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần viết ở chương 27:
"Hôm sau là ngày hai mươi sáu tháng tư, đến giờ mùi, là sang tiết Mang chủng. Theo tục cổ, đến ngày này, các nơi bày lễ vật cúng tiễn hoa thần. Vì rằng sau đó sang mùa hạ, các thứ hoa đều tàn, thần hoa lui về, nên phải làm lễ tiễn, nhất là trong khuê các lại càng náo nức hơn. Vì thế các người ở trong vườn Đại Quan ai nấy đều dậy sớm. Bọn con gái nhỏ hoặc lấy bông hoa cành liễu bện thành kiệu, ngựa, hoặc dùng gấm vóc, the lụa xếp thành cờ quạt tàn lọng, cái nào cũng buộc bằng chỉ ngũ sắc, treo trên từng ngọn cây, từng cành hoa. Trong vườn giải thêu phất phới, cành hoa chờn vờn. Các chị em đều tô son điểm phấn, làm cho đào thẹn hạnh nhường, yến ghen oanh tủi, vẻ tươi đẹp không thể tả hết được. "
Lục Du đời Tống viết bài "Thời Vũ" có câu:
"Thì vũ cập mang chủng, tứ dã giai sáp ương.
Gia gia mạch phạn mĩ, xử xử lăng ca trường."
(Mưa đến tiết mang chủng, khắp nơi gieo cấy mạ
Nhà nhà ăn gạo ngon, xứ xứ hát vang trời)
Tiết Mang Chủng có 3 hậu khí:
- Đường-lang sinh (Bọ ngựa sinh)
- Quyết thủy minh (Chim bách thanh bắt đầu hót)
- Phản thiệt vô thanh (chim nhại im tiếng)
(Góc Nhỏ Văn Thơ)
--------------------------------------------------
Ghi chú: Photo by Nguyễn Hùng và ảnh minh họa sưu tầm từ internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét