Thơ ca - Văn học - Nghệ thuật - Kiến thức - Hài hước - Ngôi sao - Người mẫu - Ảnh đẹp - Video Sáng tác - Sưu tầm
Thứ Ba, 16 tháng 4, 2019
Trang Góc Nhỏ Văn Thơ - Tác giả khác gì tác gia?
TÁC GIẢ KHÁC GÌ TÁC GIA?
Hai từ này cùng để chỉ người viết nói riêng và người sáng tác nói chung. Tác nghĩa là "làm nên, tạo nên / sáng tác". Tuy vậy mỗi từ lại có mục đích từ vựng khác nhau:
✒️Tác giả được định nghĩa là "người sáng tạo ra một tác phẩm văn học, nghệ thuật hoặc khoa học nào đó" (từ điển Viện Ngôn ngữ học - Hoàng Phê chủ biên).
Nghĩa này nhấn mạnh vào tính sở hữu của một người đối với một tác phẩm cụ thể, bất cứ ai cũng có thể là 'tác giả' nếu họ có 'tác phẩm'. Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh chép "tác-giả" là "Người làm ra bài văn, pho sách, hoặc công-nghiệp gì (auteur)", chứ không ghi nhận từ "tác gia".
Nói cách khác, ta ít khi đề cập tác giả mà không nhắc đến tác phẩm. Ví dụ: Tô Hoài là tác giả của tác phẩm "Dế mèn phiêu lưu ký". Nhưng nếu nói về cuộc đời Tô Hoài chẳng hạn, ta sẽ dùng "nhà văn Tô Hoài" thay vì "Tác giả Tô Hoài". Nếu ở câu trước ta nói: "Harry Potter là một trong những cuốn sách thiếu nhi ăn khách nhất thế giới", thì câu sau ta có thể dùng "Tác giả J.K. Rowling cho biết....".
✒️ Tác gia được định nghĩa mới nhất là "là người sáng tác những công trình, tác phẩm có ảnh hưởng lớn". Gần đây từ điển Hoàng Phê mới bổ sung thêm nghĩa "có ảnh hưởng lớn", còn nhiều từ điển trước đó vẫn chỉ định nghĩa là "Người viết ra những sách về triết học, văn học, khoa học, nghệ thuật" như Nguyễn Lân, Hồ Ngọc Đức...
Ví dụ "…không thể phủ nhận vai trò của tiếng Việt và cố nhiên tài năng sử dụng tiếng Việt của các tác gia" (Vũ Bằng)
Gia là chỉ "Có cái học vấn giỏi riêng về một môn gọi là gia, vì dụ như văn học gia, chính trị gia" (Từ điển Thiều Chửu). "Tác gia" nhấn mạnh vào hành động người đó là sáng tác, không cần thiết phải đi kèm với một tác phẩm cụ thể, nhưng đòi hỏi phải dài lâu và thường chỉ nghề nghiệp. Nguyễn Tuân có thể là tác gia, nhưng bạn A là tác giả của bài viết B trên báo C thì không (chưa chắc) phải là tác gia.
Một số văn bản gần đây vì muốn tôn lên sự trang trọng của người viết mà lạm dùng từ "tác gia", điều này là không nên.
Như vậy, nếu là tác gia, bạn phải sống bằng nghề sáng tác, trong một thời gian đủ lâu. Nếu là tác giả, thì ngữ cảnh nên đi kèm với một tác phẩm cụ thể. Đây cũng là cách dùng tương tự trong tiếng Trung Quốc hay tiếng Nhật ngày nay (thay vì "tác giả" thì người Nhật hay dùng Chosha - "Trước giả")
(Góc Nhỏ Văn Thơ)
--------------------------------------------------
Ghi chú: ảnh Photo by Lee Nguyen và ảnh minh họa sưu tầm từ internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét