Thơ ca - Văn học - Nghệ thuật - Kiến thức - Hài hước - Ngôi sao - Người mẫu - Ảnh đẹp - Video Sáng tác - Sưu tầm
Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2019
Trang Góc Nhỏ Văn Thơ - Trầm luân
TRẦM LUÂN
"Thuyền từ một lá vơi vơi,
Bể trần chở biết bao người trầm luân" (Nguyễn Công Trứ)
Trầm nghĩa là "chìm xuống nước", trong chữ "trầm" có bộ Thủy. Chữ này còn có nghĩa "Sâu kín", ví dụ nói người "thâm trầm".
Luân, danh từ nghĩa là "lằn sóng", mà động từ có nghĩa là "chìm đắm", nghĩa là chìm mất tăm mất tích, không còn dấu vết. Từ đó có chữ "luân lạc" nghĩa là trôi giạt, lưu lạc (không còn vết tích). "Luân lạc thiên nhai câu thị khách" (Nguyễn Trãi)
Trầm luân nghĩa là chìm đắm trong cảnh khổ, theo quan niệm của đạo Phật.
"Trong biển sanh tử mãi trầm luân,
chẳng biết chẳng hay nghiệp dẫn đường,
tội chuớng tiêu trừ nay thấy Phật,
ba ngàn thế giới tỏa hào quang"
(Ôn Thất Kinh Giảng Xướng Áp Tọa Văn)
Một số nơi giải thích "trầm luân" dùng chữ luân trong "luân hồi" là không phải.
Ngày nay, ta dùng chữ "trầm luân" để chỉ sự chìm nổi của đời người, thường để chỉ một nỗi khổ mãi không thoát ra được, không có giải pháp, không thể thay đổi.
"Ngoảnh lại lầu xanh thương những kẻ,
Trầm luân chưa khỏi kiếp hồng nhan."
(Tôn Thọ Tường)
Trong truyện ngắn "Người cô độc", Lỗ Tấn viết: [...Cái điều làm người ta khó chịu lại là mấy ông khách đến với anh ta, chừng như là người đã đọc qua "Trầm luân" rồi, hay xưng mình là "người thanh niên bất hạnh" hoặc "người thừa"]. Ở đây Lỗ Tấn nói đến tập truyện ngắn của Úc Đạt Phu, xuất bản năm 1921, gồm có ba thiên truyện ngắn, đứng đầu là thiên Trầm luân. "Trầm luân" và các tác phẩm khác của Úc Đạt Phu, nói chung, đều lấy người thanh niên bất hạnh hoặc người thừa làm vai chính trong truyện, nên ở đây Lỗ Tấn nói như thế.
Vũ Bằng viết trong tập "Thương nhớ mười hai":
[...Mùa thu ở Bắc Việt xa xưa ơi, ta buồn da diết khi nghĩ đến kiếp chúng sinh hệ lụy trong biển trầm luân, nhưng ta không thể không cảm ơn Trời Phật đã cho người Bắc đau khổ triền miên một mùa thu xanh mơ mộng diễm tình đến thế.]
Chốn Trầm luân, nói rộng ra, có lẽ chỉ chính cuộc đời này. Dẫu ta có ngoi lên, hay chìm sâu xuống, ta chẳng bao giờ thoát được bể khổ. Có người nghĩ rằng mình đứng trên đỉnh của thiên hạ, ngạo nghễ nhìn chúng sinh, lại có kẻ lóp ngóp chốn bùn lầy, lòng đầy oán than, mà đâu biết rằng, có ai thoát được bể trầm luân...
"...Nghĩ người thôi lại nghĩ mình
Cám lòng chua xót, lạt tình chơ vơ
Những là lần lữa nắng mưa
Kiếp phong trần biết bao giờ là thôi?
Đánh liều nhắn một hai lời
Nhờ tay tế độ vớt người trầm luân"
(Nguyễn Du)
(Góc Nhỏ Văn Thơ)
--------------------------------------------------
Ghi chú: ảnh Photo by Quách Gia Hưng (từ ảnh đến 5) và ảnh minh họa sưu tầm từ internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét