Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2019

Trang Góc Nhỏ Văn Thơ - Ngoa dụ

Góc Nhỏ Văn Thơ


NGOA DỤ

"Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay"
(Tố Hữu)

📖 Từ điển Hồ Ngọc Đức định nghĩa: "Ngoa dụ là hình thức biểu đạt làm nổi bật một ý bằng từ hay câu có nghĩa mạnh hơn nhiều"

Ngoa dụ (hyperbole) là phương thức tu từ thường ngược với khinh từ (uyển ngữ), với cơ sở là phóng đại, cường điệu đặc tính, quy mô của đối tượng hoặc hiện tượng được miêu tả. Ta thường bắt gặp phép này trong tục ngữ, ca dao, nhằm biểu đạt nhiều nội dung khác nhau như thể nhấn mạnh một quan điểm nào đấy, biểu lộ tình cảm hoặc hài hước, đùa vui.


Mario Phan



Mario Phan


Ví dụ:
“Con rận bằng con ba ba
  Đêm nằm nó ngáy cả nhà thất kinh”

hay:
“Ước gì sông hẹp một gang
  Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi”

hoặc:
"Bao giờ cây cải làm đình / Gỗ lim thái ghém thì mình lấy ta / Bao giờ chạch đẻ ngọn đa / Sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình"

Trong văn chương, ta bắt gặp phép Ngoa Dụ khi Nguyễn Du viết:
“Ngày vui ngắn chẳng tày gang” hay "Đội trời đạp đất ở đời"

Và tất nhiên, trong trang viết của các nhà thơ trữ tình lãng mạn:
“Chén sầu đổ ướt tràng giang” (Nguyễn Bính).

"Và khi em xuất hiện
tất cả những giòng sông náo động
trong thân anh, những hồi chuông
lay chuyển cả bầu trời
và một thánh ca ngập tràn thế giới" (Pablo Neruda)

"Bàn tay ta làm nên tất cả
 Có sức người sỏi đá cũng thành cơm" (Hoàng Trung Thông)

"Anh cứ yên tâm, vết thương chỉ sượt da thôi. Từ giờ đến sáng em có thể đi lên đến tận trời được." (Nguyễn Minh Châu, Mảnh trăng cuối rừng)


Mario Phan


Phép "ngoa dụ" còn được gọi với nhiều tên khác như "khoa trương", "phóng đại", "thậm xưng", "cường điệu", "lộng ngữ"...

Trong Hịch Tướng Sĩ, để biểu đạt lòng yêu nước khôn cùng, Trần Quốc Tuấn đã viết: "Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù. Dẫu cho thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa ta cũng vui lòng."

Cần lưu ý rằng không phải chỉ nói quá lên thì được gọi là ngoa dụ. Ta cần hiểu được mục đích của sự biểu đạt đó là gì, bản chất mà sự cường điệu ấy muốn nhấn mạnh là gì. Khoa trương không phải là nói dối, nói sai sự thật mà thông qua đó làm nổi rõ một bản chất nào đó của đối tượng.

(Góc Nhỏ Văn Thơ)

Mario Phan


-----------------------------------------------------------------------------------------
Ghi chú: ảnh Mario Phan và ảnh minh họa sưu tầm từ internet.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét