Thơ ca - Văn học - Nghệ thuật - Kiến thức - Hài hước - Ngôi sao - Người mẫu - Ảnh đẹp - Video Sáng tác - Sưu tầm
Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2019
Trang Góc Nhỏ Văn Thơ - Đăng U Châu đài ca - Trần Tử Ngang
ĐĂNG U CHÂU ĐÀI CA - TRẦN TỬ NGANG
Những nỗi buồn không tên thường đến khi ta ở một mình, khi ta dõi tầm mắt ra một khoảng không khoáng đạt, nhưng trong lòng lại chất chứa nỗi niềm rất riêng tư.
Trần Tử Ngang (陳子昂, 661-702) viết nên bài thơ "Đăng U Châu đài ca" hơn một ngàn ba trăm năm trước, nhưng nỗi buồn khiến ông chợt rơi lệ cũng là nỗi lòng của bao kiếp người trước và sau ông. Thật trớ trêu khi ông không nhìn thấy người xưa, cũng không thấy lai giả, nhưng bài thơ ấy lại hòa cùng nhịp thở với hằng hà nhân sinh.
"Tiền bất kiến cổ nhân,
Hậu bất kiến lai giả.
Niệm thiên địa chi du du,
Độc sảng nhiên nhi thế há."
Dịch nghĩa:
Phía trước không thấy người xưa,
Phía sau không thấy người đời tiếp.
Ngẫm chuyện trời đất rộng lớn mênh mông,
Một mình chợt thấy đau lòng nước mắt rơi
Dịch thơ (Nam Trân):
"Người trước chẳng thấy ai
Người sau thì chưa thấy
Gẫm trời đất thật vô cùng
Riêng lòng đau mà lệ chảy."
Trung Quốc xưa vốn tin tưởng vào luân hồi, vào sự tái tục của sinh mạng. Nhưng trong khoảnh khắc đứng trên đài cao ấy, nhà thơ thời Sơ Đường như chợt nhận ra: trước cũng không có ai, sau cũng không ai cả. Chỉ có ta - cô đơn, lẻ loi ở giữa cuộc đời ngắn ngủi này. Thiên địa thì rộng lớn như thế, thời gian thì bất tận như thế, mà sao ta chỉ một mình.
Phải hiểu cuộc đời Trần Tử Ngang, mới càng hiểu thêm thơ ông. Xuất thân trong hào môn, ông vốn chỉ mê săn bắn đánh bạc, mãi đến năm 18 tuổi mới chuyên tâm học hành. Đã không học hành thì thôi, học xong thì công thành danh toại. Ông đỗ tiến sĩ năm 23 tuổi, được Võ Tắc Thiên ngợi khen, được làm quan to đến Thập di. Nhưng lên nhanh mà xuống cũng nhanh, Bá Ngọc được trọng dụng rồi cũng bị thất sủng, bị vu oan giá họa, trở thành cái gai trong mắt Võ Hậu và vương triều. Ông qua đời trong ngục tối năm 41 tuổi.
Có lẽ khi viết mấy câu này, Trần Tử Ngang đã nhìn thấu được hồng trần. Ông rơi nước mắt phải chăng vì nhìn ra được công danh phú quý vốn chỉ là hạt bụi trong cõi tĩnh mịch này. Người xưa không biết ông. Kẻ sau này cũng sẽ quên ông. Vậy thì tranh đấu, được mất, vinh nhục lúc này há có ý nghĩa gì.
Trời đất thì rộng lớn.
Nhưng ta chẳng là ai giữa đất trời này.
Đây là cái niệm của người ngộ ra. Nhưng bước đầu của ngộ, chính là thương cảm cho chính mình. Còn bước sau - là "đón nhận", Trần Tử Ngang có làm được không, chính tôi cũng không hay.
"Người đất Thục là Trần Tử Ngang có trăm quyển văn, rong ruỗi đến kinh sư, thế mà vẫn lẫn lộn trong chốn bụi trần, chưa được người đời biết đến." Lúc còn trẻ tuổi, đến kinh thành, Trần Tử Ngang từng đập vỡ cây đàn để lập danh. Đến khi danh thành, lại nhận ra lý tưởng, khát vọng cũng đều vỡ tan như bọt nước. "Như mộng huyễn bào ảnh. Như lộ, diệc như điện..."
"Ngoảnh lại trước, người xưa vắng vẻ
Trông về sau, quạnh quẽ người sau
Ngẵm hay trời đất dài lâu
Mình ta rơi hạt lệ sầu chứa chan."
(bản dịch Trần Trọng San)
(Góc Nhỏ Văn Thơ)
-----------------------------------------------------------------------------------------
Ghi chú: ảnh Photo by Ba Trần và ảnh minh họa sưu tầm từ internet.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét