Thứ Năm, 10 tháng 10, 2019

Trang Góc Nhỏ Văn Thơ - Chữ nhàn - Nguyễn Công Trứ

Góc Nhỏ Văn Thơ


CHỮ NHÀN - NGUYỄN CÔNG TRỨ

Trong bài ca trù "Chữ nhàn" của Nguyễn Công Trứ có trích 2 câu từ Túy Ngữ Lục:

Tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc,
Tri nhàn, tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn?
(Biết đủ là đủ, chờ cho đủ thì bao giờ mới đủ.

Biết nhàn thì nhàn, chờ cho nhàn thì bao giờ mới nhàn.)
Ngày nay, các câu này nhiều khi lại thành cổ súy cho lối sống an nhàn, không cầu tiến, không biết phấn đấu.

Bởi mới hay, trong cuộc sống, biết đủ là một loại trí tuệ, cũng là một thứ không hề dễ dàng. Đặc biệt trong cuộc sống hiện đại, nơi chúng ta luôn được dạy về "đặt ra mục tiêu", "vượt lên chính mình mỗi ngày", "khi bạn ngủ thì người khác đang làm việc"... và trong một xã hội nơi địa vị và của cải được đánh đồng với thành công và hạnh phúc, thì "biết đủ" đôi khi trở thành 'bất cập'.


Photo by Vân Anh



Photo by Vân Anh


Chương 44 "Tri chỉ"  sách Đạo Đức Kinh, Lão Tử viết:

1. Danh dữ thân thục thân, thân dữ hóa thục đa. Đắc dữ vong thục bệnh.
2. Thị cố, thậm ái tắc thậm phí. Đa tàng tất hậu vong. Tri túc bất nhục. Tri chỉ bất đãi. Khả dĩ trường cửu.

Tạm dịch là:

1. Danh với thân cái nào là quý? Thân với của, cái nào quan trọng hơn? Được cái gì, mất cái gì là hại?
2. Cho nên ham nhiều thì hao tổn nhiều, chứa của cải nhiều ắt mất nhiều. Biết đủ thì không (bị) nhục, biết dừng thì không (gặp) nguy, có thể trường cửu.

Chương này khuyên chúng ta biết đủ, cũng giống như tinh thần chung của Đạo Đức Kinh là khuyên người làm việc hợp đạo. Công đã thành thì thân nên thoái. Càng ham mê của cải, càng tích cóp thì cuối cùng cái mất sẽ nhiều hơn cái được.


Photo by Vân Anh

Photo by Vân Anh




Hà Thượng Công bình đoạn này: "Sống mà súc tích cho đầy kho lẫm; chết mà súc tích cho đầy quan quách, thì sống sẽ lo trộm cướp đánh đập phá phách, chết sẽ lo bị đào mồ, cuốc mả."
Sách Tăng Quảng Hiền Văn (một sách cổ dạy đạo đức của Trung Quốc, có thể xuất xứ từ đời Minh) tổng hợp lời dạy này thành các câu dễ nhớ:

- Tri túc thường túc; chung thân bất nhục. (Biết đủ thì luôn đủ; suốt đời không bị nhục.)
- Tri chỉ thường chỉ; chung thân bất sỉ. (Biết dừng thì luôn dừng; trọn đời không xấu hổ)

Thật ra người biết đủ không phải không tham, nhưng tham đến một lúc thì dừng, lúc ấy mới giữ được những gì đã phấn đấu có được. Cái khó nhất là làm sao biết được điểm dừng đúng lúc. Dừng sớm thì người bất đắc chí, mà dừng trễ thì gặp nguy.

Trăng vừa tròn thì sẽ khuyết. Nước vừa đầy thì ắt tràn.

Cuộc sống vốn là vậy, không quá cái này, cũng không quá cái kia, tìm điểm cân bằng, ấy là hợp đạo.

(Góc Nhỏ Văn Học)


Photo by Vân Anh


-----------------------------------------------------------------------------------------
Ghi chú: ảnh Photo by Vân Anh và ảnh minh họa sưu tầm từ internet.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét