Thơ ca - Văn học - Nghệ thuật - Kiến thức - Hài hước - Ngôi sao - Người mẫu - Ảnh đẹp - Video Sáng tác - Sưu tầm
Thứ Ba, 19 tháng 11, 2024
Trang Góc Nhỏ Văn Thơ - Tặng biệt (kỳ 1) - Đỗ Mục
TẶNG BIỆT (KỲ 1) - Đỗ Mục (803 - 852)
"Phinh phinh niểu niểu thập tam dư,
Đậu khấu tiêu đầu nhị nguyệt sơ.
Xuân phong thập lý Dương Châu lộ,
Quyển thượng châu liêm tổng bất như."
Dịch nghĩa:
Mảnh mai yểu điệu, vừa hơn mười ba tuổi,
Như hoa đậu khấu chớm nở trên ngọn cây vào tháng hai.
Gió xuân thổi qua mười dặm đường Dương Châu,
Cuốn lên hết rèm châu, nhưng chẳng tìm thấy ai giống nàng.
Đỗ Mục viết bài thơ này năm 835 (năm Thái Hòa thứ 9), lúc được điều đi Trường An nhậm chức Giám Sát Ngự Sử nên phải rời Dương Châu, từ biệt cùng người ca kỹ. Ông dùng bút pháp cường điệu để tán dương vẻ đẹp 'nhất đẳng' của người con gái này. Hai câu đầu miêu tả dáng người xinh đẹp yêu kiều của tuổi trẻ như hoa đậu khấu. Hai câu sau tỏ ý "không phải mây ở Vu Sơn thì chẳng đáng gọi là mây", gió cuốn mọi rèm châu ở Dương Châu cũng không ai đẹp như nàng. Ngôn từ tinh tế mà đơn giản, ngợi khen mà không sáo rỗng, bày tỏ được tấm lòng ái mộ chân thành của thi sĩ.
Dịch thơ:
Mảnh mai vừa quá mười ba
Ngọn cây đậu khấu mời là tháng hai
Gió xuân mười dặm đường dài
Rèm châu cuốn hết, chẳng ai bằng nàng.
(Trần Trọng San dịch)
Nõn nà yểu điệu lẻ mười ba
Đậu khấu giêng hai mới nở hoa
Mười dặm Dương Châu xuân gởi gió
Cuốn rèm ai sánh nét mày hoa
(Trương Việt Linh dịch)
(Góc Nhỏ Văn Thơ)
-----------------------------------------------------------------------------------------
Ghi chú: ảnh Photo by Đặng Việt Dũng và ảnh minh họa sưu tầm từ internet.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét