Thứ Hai, 12 tháng 4, 2021

Trang Góc Nhỏ Văn Thơ - Nguồn gốc câu đối Tết

Góc Nhỏ Văn Thơ


NGUỒN GỐC CÂU ĐỐI TẾT

Nhắc đến Tết không thể quên câu đối Tết. Câu đối là dạng văn biền ngẫu, gồm hai vế đối nhau, đã đối là đối cả chữ, cả ý, còn phải tuân theo luật bằng trắc chặt chẽ. Trong bài  "Nguyên Nhật" (元日) của Vương An Thạch thời Bắc Tống có viết:

"Bộc trúc thanh trung nhất tuế trừ,
Xuân phong tống noãn nhập đồ tô.
Thiên môn vạn hộ đồng đồng nhật,
Tổng bả tân đào hoán cựu phù."
(Pháo tre nổ vang một năm đã qua,
Gió Xuân đưa hơi ấm đến mang theo (mùi rượu) đồ tô.
Khắp muôn nhà rực rỡ ánh bình minh,
Nhà nào cũng treo thẻ đào mới thay cho thẻ đào cũ.)


Góc Nhỏ Văn Thơ



Photo by Duong Hoang Anh


Trong bài thơ, từ "đào phù" chính là chỉ câu đối Tết. Từ bài thơ này, có thể thấy vào thời Bắc Tống, việc dán câu đối vào dịp Tết đã rất phổ biến. Thực tế, phong tục này đã có từ hơn 2.000 năm trước, vào thời Chiến Quốc. Ở khu vực Trung Nguyên phía Bắc, vào mỗi dịp Tết, người ta đã treo "đào phù" trước cửa nhà. Theo Hậu Hán Thư, "đào phù" là những tấm gỗ đào hình chữ nhật được treo hai bên cửa chính. Ban đầu, trên đó thường vẽ hình hai vị thần giữ cửa, có khả năng "trừ tà". Người xưa tin rằng những tấm "đào phù" này có thể xua đuổi ma quỷ.

Trước đây nhiều tài liệu cho rằng người đầu tiên biến "đào phù" thành câu đối Tết là Hậu Chủ Mạnh Sưởng của nhà Hậu Thục thời Ngũ Đại. Tống sử Thục thế gia chép việc ông đã cho các học giả khắc lên đào phù hai câu:

"Tân niên nạp dư khánh,
Gia tiết hiệu Trường Xuân."
(Năm mới thừa chuyện vui
Tiết đẹp xuân còn mãi)

Tuy nhiên, khi 12 bộ câu đối Tết của đời Đường được khai quật từ hang Mạc Cao ở Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc, thời điểm ra đời của câu đối Tết đã được đẩy lùi sớm hơn nữa. Một trong những câu đối được viết vào năm Khai Nguyên thứ 11 đời Đường (tức năm 723) có nội dung như sau:

"Tam dương thủy bố,
Tứ tự sơ khai."


Photo by Duong Hoang Anh

Photo by Duong Hoang Anh


Ý nghĩa là: Sau ngày lập xuân, ánh mặt trời bắt đầu chiếu rọi nhân gian, vạn vật tái sinh. Câu đối này ra đời sớm hơn câu đối của Mạnh Sưởng đến 240 năm.
Đến thời Minh, thuật ngữ "xuân liên" (câu đối Tết) chính thức được dùng để phân biệt câu đối dán vào dịp Tết với các loại đối liên thông thường. Chu Nguyên Chương hạ lệnh nghiêm ngặt đến dịp tết nhà nhà đều phải dán xuân liên trên cửa đón mừng năm mới.

Tuy nhiên, không rõ tục chơi câu đối Tết của Trung Quốc du nhập vào Việt Nam từ thời điểm nào, vì các tài liệu cổ không ghi chép chi tiết. Dựa trên bài thơ Nôm "Tứ thời khúc vịnh" của Hoàng Sĩ Khải (cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII) có câu: "Đào phù cấm quỷ phòng linh ngăn tà," có thể suy đoán rằng tục treo đào phù đã xuất hiện ở Việt Nam vào thời điểm này. Một số sử liệu chép thời Lê Thánh Tông (1460) có giai thoại kể lại việc nhà vua vi hành ở kinh thành Thăng Long để xem câu đối Tết của dân chúng, thậm chí còn tự làm câu đối Tết tặng cho các hộ dân làm nghề thợ nhuộm, hót phân... Điều này chứng tỏ rằng, ít nhất từ thời Lê Thánh Tông, tục chơi câu đối Tết ở Việt Nam đã có phần phổ biến.
Do đó, trong dân gian ta có câu:

"Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh"

Phan Kế Bính cũng ghi trong Việt Nam Phong Tục: "Các thầy đồ nhà quê ra chợ viết câu đối bán... Cách Tết một vài hôm, ai nấy dọn dẹp nhà cửa, lau rửa đồ thờ đồ phượng. Câu đối đỏ dán cửa, dán cột sáng choang, treo tranh treo liễn trang hoàng lịch sự."

Nhà thơ Nguyễn Công Trứ có câu đối bằng chữ Nôm:
"Chiều ba mươi, nợ réo tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa
Sáng mồng một, rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà."

Câu đối này phản ảnh rất nhiều tiếng lòng của cụ Trứ, cho hay các bậc văn nhân nhã sĩ ngày xưa thường dán câu đối vừa là trang hoàng ngày Tết, vừa là dịp bày tỏ cái tôi của mình.

Phan Kế Bính cũng ghi trong Việt Nam Phong Tục: "Các thầy đồ nhà quê ra chợ viết câu đối bán... Cách Tết một vài hôm, ai nấy dọn dẹp nhà cửa, lau rửa đồ thờ đồ phượng. Câu đối đỏ dán cửa, dán cột sáng choang, treo tranh treo liễn trang hoàng lịch sự."

Nhà thơ Nguyễn Công Trứ có câu đối bằng chữ Nôm:
"Chiều ba mươi, nợ réo tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa
Sáng mồng một, rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà."

Câu đối này phản ảnh rất nhiều tiếng lòng của cụ Trứ, cho hay các bậc văn nhân nhã sĩ ngày xưa thường dán câu đối vừa là trang hoàng ngày Tết, vừa là dịp bày tỏ cái tôi của mình.

(Góc Nhỏ Văn Thơ)


Photo by Duong Hoang Anh

Photo by Duong Hoang Anh


-----------------------------------------------------------------------------------------
Ghi chú: ảnh Photo by Duong Hoang Anh và ảnh minh họa sưu tầm từ internet.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét