Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2013

Du lịch Côn Đảo (phần 2)

Côn Đảo

DU LỊCH CÔN ĐẢO (PHẦN 2) - NHÀ BẢO TÀNG CÔN ĐẢO VÀ TRẠI PHÚ HẢI

Đến Côn Đảo là để thăm nhà tù Côn Đảo, nơi có biết bao người con anh hùng của đất nước đã hy sinh tại đây, họ đã dũng cảm dùng đến hơi thở cuối cùng dù thân thể đã bị kiệt sức vì cùm trói, để đấu tranh với bọn cai tù độc ác. Nhà tù Côn Đảo là một khu nhà tù tại Côn Đảo được người Pháp bắt đầu cho xây dựng từ ngày 1 tháng 2 năm 1862, nhằm biệt giam những tội phạm đặc biệt nguy hiểm cho chế độ thực dân Pháp như tù chính trị, tội phạm bị tử hình... Nơi đây thời Pháp thuộc đã từng giam giữ rất nhiều những nhân vật cộng sản cao cấp như Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh, Lê Duẩn... và những người ái quốc nổi tiếng chống lại chính phủ thuộc địa như Nguyễn An Ninh, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Lã Xuân Oai... 

Phòng giam tập thể - Trại Phú Hải


Trại Phú Hải

Hiện nay, nhà tù Côn Đảo đã được thủ tướng chính phủ Việt Nam đưa vào danh sách xếp hạng 23 di tích quốc gia đặc biệt. Địa điểm nổi tiếng nhất trong khu nhà tù này chính là những dãy "chuồng cọp" khét tiếng tàn ác và vô nhân đạo. Chuồng cọp giết hại con người lần mòn cả về thể xác lẫn tâm hồn.  Đó là một thứ “sản phẩm kinh hoàng” của “địa ngục trần gian”, là một loại “nghệ thuật” kinh tởm “giết người không cần gươm giáo” của bọn quỷ Sa Tăng đội lớp người.

Đầu tiên người hướng dẫn viên du lịch đưa chúng tôi đến Nhà Bảo Tàng di tích lịch sử Côn Đảo. Theo người hướng dẫn viên du lịch, nơi đây trước kia từng là nơi ở và cũng là nơi làm việc của các chúa đảo cai ngục. Trên tường Nhà Bảo Tàng di tích lịch sử Côn Đảo là danh sách tên các chúa đảo. Có tất cả 53 tên chúa đảo suốt 113 năm qua (tính từ năm 1862 cho đến năm 1975), trong đó có 39 đời chúa đảo là người Pháp, 14 đời chúa đảo là người Việt. Theo những người đã từng là tù nhân Côn Đảo, đây là những tên ác ôn được “tuyển chọn đặc biệt” từ những tên tàn ác nhất, man rợ nhất, đặc điểm chung của chúng là “không có tính người”.

Á khôi Duyên dáng Áo dài Trần Thị Giao Linh trước nhà tù Côn Đảo

Á khôi Duyên dáng Áo dài Trần Thị Giao Linh trong nhà tù Côn Đảo

Danh sách các chúa đảo thời Pháp (chức danh chính thức theo tiếng Pháp là Le Directeur Du Penitencier):


1. Đại úy hải quân  ROUSSEL (1862-1863)
2. Đại úy hải quân  BIZOT (1863-1864)
3. Trung úy hải quân BENOISI (1864-1866)
4. Đại úy thủy quân lục chiến  BOUBE (1866-1869)
5. Đại úy hải quân STIEDEL (1869-1870)
6. Đại úy hải quân  CLAUDOT (1870-1871)
7. Đại úy hải quân  GAUDOT (1871-1872)
8. Đại úy thủy quân lục chiến  CHEVILLET (1872-1874)
9. Đại úy thủy quân lục chiến  SYMPHOZ (1874-1875)
10. Quan chức hành chính  MORINE (1875-1876)
11. Đại tá hải quân  PASQUET DE LA PROUE (1876-1877)
12. Chánh văn phòng hải quân  DISNEMATINDORAT (1877-1878)
13. Quan chức hành chính PASQUET DE LA BROUE (1878-1882)
14. Quan chức hành chính  BOCOUET (1882-1884)
15. Quan chức hành chính  CAFFORT (1884-1887)
16. Chánh văn phòng thư ký tổng hợp  SELLIER (1887-1890)
17. Quan chức hành chính  RENE (1890-1892)
18. Chánh văn phòng hải quân đã nghỉ hưu  JACQUET (1892-1896)
19. Cử nhân luật  COLBERTURGIS (1896-1898)
20. Quan chức hành chính  MORIZET (1898-1908)
21. Quan chức hành chính  MELAYE  (1908-1909)
22. Quan chức hành chính  CUDENET (1909-1913)
23. Quan chức hành chính  DEGAILLAND (1913-1914)
24. Quan chức hành chính  OCONET (1914-1916)
25. Quan chức hành chính  ROYER (1916-1917)
26. Đại úy cảnh sát dự bị  ANDOUARD (1917-1919)
27. Đại úy lục quân viễn chinh lê dương  LAMBERT (1919-1927)
28. Quan chức hành chính  BOVIER (1927-1934)
29. Sĩ quan cảnh sát  CREMAZY (1934-1935)
30. Quan chức hành chính  BOVIER (1935-1942)
31. Đại úy hiến binh sen đầm  BROUILLONNET (1942-1943)
32. Chánh văn phòng lục quân lê dương  TISSEYRE (1943-1945)
33. Giám thị trưởng  HILAIRE (1945)
34. Quan chức hành chính  GIMBERT (1946)
35. Đại úy quân đoàn viễn chinh lê dương  HORNECKER (1946-1947)
36. Đại úy quân đoàn viễn chinh lê dương  BRUCE (1947-1948)
37. Chánh văn phòng quân viễn chinh lê dương  LA FOSSE (1948-1951)
38. Chánh văn phòng quân viễn chinh lê dương  JARTY (1951-1953)
39. Chánh văn phòng lục quân chính quốc  BLANCK (1953-1955)

Danh sách các chúa đảo người Việt là các sĩ quan quân đội Sài Gòn, do người Mỹ trực tiếp cố vấn và chỉ đạo:


40. Thiếu tá QĐQG VN Bạch Văn Bốn (1955)
41. Công chức hành chính VN Trần Văn Thiều (1955-1956)
42. Đại úy bảo an VN Hồ Chí Thiền (1956-1957)
43. Thiếu tá QĐQG VN Bạch Văn Bốn (1957-1960)
44. Thiếu tá QĐVNCH Lê Văn Thể (1960-1963)
45. Thiếu tá QĐVNCH Nguyễn Văn Sáu (1963-1964)
46. Trung tá QĐVNCH Tăng Tư Tự Sao (1964-1965)
47. Trung tá QĐVNCH Nguyễn Thế Tỵ  (1965)
48. Trung tá QĐVNCH Nguyễn Phát Đạt (1965)
49. Thiếu tá QĐVNCH Nguyễn Văn Vệ (1965-1971)
50. Trung tá QĐVNCH Cao Minh Tiết (1971-1972)
51. Trung tá QĐVNCH Đào Văn Phổ (1972-1973)
52. Trung tá QĐVNCH Nguyễn Văn Vệ (1973-1974)
53. Trung tá QĐVNCH Nguyễn Hữu Phương (1975)

Á khôi Duyên dáng Áo dài Trần Thị Giao Linh trong nhà tù Côn Đảo
Á khôi Duyên dáng Áo dài Trần Thị Giao Linh trong nhà tù Côn Đảo

Ngoài danh sách trên, năm 1945, khi Nhật chiếm đảo Lê Văn Trà được chúng cử giữ chức nhà tù Côn Đảo đến tháng 8 năm 1945.

Trong danh sách các chúa đảo tôi để ý đến tên Nguyễn Văn Vệ, một tên chúa đảo khét tiếng cực kỳ tàn ác và thâm độc. Chính tên Vệ đã gây nên sự kiện Chuồng Cọp Pháp năm 1970 làm cả thế giới phải kinh hoàng. Lần đầu tiên trên thế giới, những người có lương tri mới biết đến ở Côn Đảo có một loại cực hình đổ vôi bột lên người tù nhân làm họ ho ngợp sặc sụa. Rồi bị dội nước bẩn lên người tù nhân cho vôi làm bỏng rát da thịt, rồi lôi ra “tắm nắng” thật sự là đánh đập dã man cho đến khi tội nhân phải kiệt sức mà chết lần mòn.

Trong Nhà Bảo Tàng di tích lịch sử Côn Đảo cũng trưng bày rất nhiều hình ảnh cũng như hiện vật: cảm động có (của những người tù với nhau), ghê rợn có (dụng cụ tra khảo của bọn cai ngục với người tù), bất khuất có (hành động phản kháng của người tù đối với bọn cai ngục). Tất cả đã làm sống lại một thời đất Côn Đảo là một nơi u ám nhất, tàn bạn nhất, sặc mùi tử khí nhất. Nhưng cũng chính nơi đây lại là nơi đã chứng kiến những tinh thần bất khuất, dũng cảm và đoàn kết của những người con ưu tú đất Việt qua từng thời kỳ đấu tranh, dù không may thân phải sa vào tay giặc dữ.

Sau đó chúng tôi đến Trung Tâm cải huấn Phú Hải, hay còn gọi tắt là trại Phú Hải, đây là một trại giam lớn và cổ nhất của hệ thống nhà tù Côn Đảo, do Thực dân Pháp cho xây dựng vào những năm cuối thế kỉ mười chín.


Tên gọi đầu tiên của trại là Banh I, sang thời chế độ Sài Gòn gọi là Lao 1- Trại Cộng Hòa –Trại 2 và tên gọi cuối cùng là Trại Phú Hải ( sử dụng từ tháng 11 năm 1974). Sau khi hiệp định Paris ký kết, trong âm mưu ém giấu tù chính trị không trao trả, địch đã cho đổi tên tất cả các trại giam ở Côn Đảo, mỗi trại đều được ghép với chữ Phú và hệ thống nhà tù Côn Đảo trực thuộc trung Tâm cải Huấn Phú Hải.

Sau đây là số liệu về trại Phú Hải mà chúng tôi ghi chép được:
Tổng diện tích trại 12.015m2
Trong đó diện tích phòng giam 2.915m2
Nhà phụ thuộc 1.531m2
Khoảng trống, cây xanh 7.569m2
Trại bao gồm: 10 phòng giam tập thể (chia làm 2 dãy, mỗi dãy 5 phòng), 1 phòng giam đặc biệt, 20 xà lim (hầm đá), 1 hầm xay lúa (thời chính quyền Sài Gòn chuyển thành bệnh xá), 1 khu đập đá (khổ sai trong Banh)

Á khôi Duyên dáng Áo dài Trần Thị Giao Linh trong nhà tù Côn Đảo
Á khôi Duyên dáng Áo dài Trần Thị Giao Linh

Trong trại Phú Hải có rất nhiều phòng giam, dù là chốn lao tù với gông cùm xiềng xích nặng nề, nhưng cũng đã được các tù nhân, đặc biệt là các tù nhân Cộng Sản biến thành những nơi nổi tiếng hào hùng đi vào lịch sử. Ví dụ Phòng 6 là nơi nhiều tù nhân khởi đầu chống ly khai đảng Cộng Sản. Kết quả do bị đàn áp dã man nên tù nhân hy sinh rất nhiều, do đó Phòng 6 còn được gọi là “Phòng chết điển hình”. Phòng 7 là nơi ra đời chi bộ Đảng Cộng Sản nhà tù Côn Đảo đầu tiên (năm 1932). Phòng 9 là nơi giam giữ người tù Cộng Sản nổi tiếng Tôn Đức Thắng (bị giam vào đây ngày 1.7.1930), cũng là nơi biên soạn Tạp chí Ý kiến chung của các tù nhân. Phòng 10, năm 1958 địch đã đàn áp rất man rợ 175 người tù chính trị nhưng không thành công. Rồi Hầm xay lúa, rồi Bệnh xá (thật sự là nhà xác trá hình, nơi thủ tiêu các tù nhân bị liệt vào thành phần ngoan cố), Khu đập đá, Khu xà lim (nơi biệt giam để giết lần mòn những tù nhân kiên cường nhất), Nhà ăn...  đều ghi dấu các tội ác man rợ của “những con thú được gọi là người” đối với các tù nhân cùng đồng bào máu đỏ da vàng như họ.

Rời trại Phú Hải bước chân chúng tôi như nặng trĩu. Về lịch sử tôi đã được ghi nhận thêm, năm 1918 tại Khu Đập Đá trại Phú Hải hiện giờ, con trai của thủ lĩnh nghĩa quân Bãi Sậy cụ Nguyễn Thiện Thuật,
là Nguyễn Trọng Thạc đã cùng nhân sĩ yêu nước là ông tú Phạm Cao Chẩm và 81 người tù khổ sai nổi dậy. Họ đã tay không hy sinh anh dũng trong làn mưa đạn súng máy của địch. Thế nhưng những liệt sĩ như Nguyễn Trọng Thạc (cũng là một tướng tài của nghĩa quân Bãi Sậy), tú tài Phạm Cao Chẩm đã có tên đường chưa? Sao lại có những tên đường như Hoa Cúc, Hoa Lan hay C1, B1 phản cảm đến như vậy? Anh hùng sao đến chết cho đến giờ vẫn là anh hùng vô danh? Lỗi tại lịch sử quá vô tâm hay lỗi tại ai?

Bài thơ “Đập đá Côn Lôn” cụ Phan Chu Trinh sáng tác năm 1908, khi cụ bị giam giữ tại đây, như vẫn còn văng vẳng bên tai tôi:

Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn
Lừng lẫy làm cho lở núi non
Xách búa đánh tan năm bảy đống
Ra tay đập bể mấy trăm hòn
Tháng ngày càng trải thân sành sỏi
Mưa nắng chi sờn dạ sắt son
Những kẻ vá trời khi lỡ bước
Gian nan chi kể việc con con.


2013
 

Thanh Trắc Nguyễn Văn

Hầm xay lúa - Trại Phú Hải

------------------------------------------------------------------------------------------------------------
* Bài viết (gồm 5 phần) có sử dụng rất nhiều tư liệu từ nhiều nguồn, trong đó có rất nhiều tư liệu lấy từ Nhà Bảo Tàng di tích lịch sử Côn Đảo, Ban Quản lý di tích lịch sử cách mạng nhà tù Côn Đảo

Phần 1 du lịch Côn Đảo Phần 2 Phần 3 Phần 4 Phần 5

Ghi chú: Ảnh Á khôi 1 Duyên dáng Áo dài 2016 Trần Thị Giao Linh (là nữ chiến sĩ trực thược Quân khu 7, có ông nội đã từng vượt ngục Côn Đảo) và ảnh minh họa sưu tầm từ internet 

12 nhận xét:

  1. @Cảm ơn bạn Yêu Thi Ca

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn bạn phi ly đã ghé thăm Blog Thơ Văn

    Trả lờiXóa
  3. @Ngoan An: đúng vậy

    Trả lờiXóa
  4. @Phạm Thị Thu Hoài: nhiệm vụ bọn cai ngục Côn Đảo là giết nạn nhân một cách từ từ về ý chí cũng như tinh thần

    Trả lờiXóa
  5. có đủ danh sách các chúa đảo khát máu kìa

    Trả lờiXóa
  6. nỗi đau của các tù nhân còn oán vọng đến giờ, xin cúi mình trước linh hồn các liệt sỹ

    Trả lờiXóa
  7. bài viết rất công phu chỉ biết nói vậy thôi!

    Trả lờiXóa