Thứ Tư, 17 tháng 4, 2013

Du lịch Côn Đảo (phần 1)

Du lịch Côn Đảo

DU LỊCH CÔN ĐẢO (PHẦN 1) - ĐẾN CÔN ĐẢO

Chúng tôi cất cánh từ phi trường Tân Sân Nhất rất sớm, trước sáu giờ sáng. Trên máy bay, tôi và nhiều bạn đồng hành đã vô cùng thú vị, khi lần đầu tiên được ngắm nhìn cảnh bình minh trên mây với những ánh nắng ban mai màu hồng rực qua cửa sổ máy bay.

Máy bay hạ cánh xuống sân bay Cỏ Ống của Côn Đảo cũng rất sớm, trước bảy giờ sáng. Theo tài liệu, đường băng hạ cánh của sân bay Cỏ Ống không dài, chỉ vào khoảng 1800 mét. Đặc điểm của loại đường băng này, khiến cho máy bay đến Côn Đảo cũng như Phú Quốc, chỉ tiếp nhận được loại máy bay cánh quạt ATR (máy bay tầm ngắn loại nhỏ hai động cơ tuốc bin cánh quạt, chỉ chở được dưới một trăm hành khách). Hiện giờ ở Côn Đảo hiện chỉ có hai hãng máy bay đang hoạt động là Air Mekong và Vietnam Airlines, gồm các tuyến bay nối liền Côn Đảo với các thành phố lớn trong nước như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ.


Hòn Tài



Đền bà Phi Yến (An Sơn Miếu)
Vì sao gọi là sân bay Cỏ Ống? Theo cô hướng dẫn viên người địa phương, tuy không xinh đẹp lắm nhưng lại rất dễ thương, tên là Hồng Nhi thì đó là tên của một loại cỏ đặc biệt của địa phương, cũng là tên của một ngôi làng được xây dựng thành sân bay. Từ năm 2005 đến nay, sân bay Cỏ Ống đã được chính thức đổi tên thành sân bay Côn Đảo. Lượng hành khách đến sân bay mỗi năm, chủ yếu là hành khách du lịch, chỉ vào khoảng 300.000 lượt hành khách. Đó là một con số khá khiêm tốn, hy vọng vào những năm tới lượng du khách đến Côn Đảo sẽ tiếp tục tăng lên.

Chúng tôi lên xe để đến thị trấn Côn Sơn. Từ sân bay Côn Đảo đến trung tâm thị trấn Côn Sơn là 12km, đến bãi biển Đầm Trầu là 2,5km và đến miếu Cậu (hoàng tử Cải, con trai của vua Gia Long và bà Hoàng Phi Yến) là 2km. Dọc hai bên đường đi có rất nhiều hoa anh đào màu hồng nhạt nở rất đẹp, cùng với các cảnh biển đảo và rừng nguyên sinh lần lượt hiện lên trước mắt du khách, khiến Côn Đảo có vẻ đẹp thật lãng mạng và cũng thật hoang sơ bên những vách đá núi dựng đứng cùng biển xanh trong mát.

Quần đảo Côn Đảo theo tài liệu có tất cả 15 đảo và hòn. Đảo Côn Sơn lớn nhất (51,52 cây số vuông), kế đến là Hòn Bà (5,45 cây số vuông), Hòn Bảy Cạnh (5,5 cây số vuông). Những hòn nhỏ hơn là Hòn Cau, Hòn Bông Lan, Hòn Vung, Hòn Trọc, Hòn Trứng, Hòn Tài Lớn, Hòn Tài Nhỏ, Hòn Trác Lớn, Hòn Trác Nhỏ, Hòn Tre Lớn, Hòn Tre Nhỏ, Hòn Anh, Hòn Em.


Bãi Nhát Côn Đảo

Du lịch Côn Đảo

Theo sử học vào khoảng năm 1702 đời chúa Nguyễn Phúc Chu, quân Anh của công ty Đông Ấn đã đổ quân lên Côn Đảo nhằm dòm ngó vùng biển và miền nam bộ nước ta. Đến năm 1705, quân Anh có cuộc nổi dậy của binh lính đánh thuê người Anh, khiến chúng phải rút quân ra khỏi lãnh thổ Đại Việt. Cũng theo truyền thuyết do một lần bị Tây Sơn truy sát, chúa Nguyễn Ánh đã trốn ra Côn Đảo. Nguyễn Ánh đã sống trên một ngọn núi cao mấy tháng trời. Ngọn núi ấy bây giờ được gọi là ngọn núi Chúa. Đền thờ bà thứ phi của Nguyễn Ánh là bà Hoàng Phi Yến ở làng An Hải. Miếu Cậu (thờ con chúa Nguyễn Ánh và bà thứ phi Hoàng Phi Yến) thuộc làng Cỏ Ống.

Thời nhà Nguyễn độc lập, theo Đại Nam nhất thống chí, thời Gia Long, Côn Đảo thuộc quyền quản hạt của đạo Cần Giờ trấn Phiên An tổng trấn Gia Định (Gia Định thành). Đến năm Minh Mạng 20 (1839) được chuyển sang thuộc tỉnh Vĩnh Long của Nam Kỳ Lục Tỉnh.


Bãi Ông Đụng Côn Đảo

Bãi Nhát Côn Đảo

Khi thực dân Pháp bắt đầu xâm lược nước ta, chúng vội vã chiếm ngay Côn Đảo, vì biết vị trí chiến lược vô cùng quan trọng của quần đảo này. Lúc10 giờ sáng ngày 28 tháng 11 năm 1861, tên Bonard (thủy sư đô đốc Pháp) hạ lệnh cho thông báo hạm Norzagaray đến xâm chiếm Côn Lôn (tên cũ của Côn Đảo). Ngày 1 tháng 2 năm 1862, cũng chính tên thủy sư đô đốc Bonard đã ký quyết định thành lập nhà tù Côn Đảo, và cũng từ đó biến Côn Lôn thành nơi giam giữ những người tù chính trị Việt Nam với hệ thống chuồng cọp nổi tiếng. Vì vậy dưới thời Pháp thuộc đã có câu ca rằng:

"Côn Lôn đi dễ khó về
Già đi bỏ xác, trai về nắm xương".


hoặc ai oán hơn:

“Côn Lôn đi dễ khó về.
Sống nương núi Chúa, thác về Hàng Keo” 


Trước năm 1940, người tù Côn Đảo chết được chôn ở Nghĩa trang Hàng Keo. Sau năm 1940, do Nghĩa trang Hàng Keo không còn chỗ, xác của tù nhân được chuyển đến chôn ở Nghĩa trang Hàng Dương. Trước kia câu nói "đi Hàng Keo" là lời nói của người tù khi tiễn bạn về nơi an nghỉ cuối cùng. Thật đau đớn và cũng thật là bi tráng! Nghĩa trang Hàng Keo ngày nay không còn cây keo nữa, mà thay vào đó là những hàng dương xanh biếc bao trùm hầu hết diện tích nghĩa trang này. Những ngôi mộ nào còn may mắn tìm thấy được hài cốt, người ta đã quy tập về nghĩa trang Hàng Dương. Khu vực Nghĩa trang Hàng Keo xưa, nay có một tấm bia ghi lại dấu tích của một thời đau thương.

Hòn Chim Côn Đảo

Bãi An Hải Côn Đảo
Ngày 1 tháng 5 năm 1975, quân Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tiếp quản Côn Đảo. Qua nhiều thăng trầm, từ tháng 11 năm 1991, Côn Đảo đã trở thành huyện Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Côn Đảo hiện giờ có số dân chỉ khoảng gần bảy ngàn người, sống tập hợp thành mười khu dân cư. Thị trấn Côn Sơn là nơi tập trung số dân cư nhiều nhất Côn Đảo. Nhưng thật rùng rợn khi chúng tôi được biết số tù nhân bị sát hại ở Côn Đảo lên đến con số hơn ba mươi ngàn người: nghĩa trang Hàng Keo chôn khoảng mười ngàn người, nghĩa trang Hàng Dương (có phần mộ Anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu) chôn khoảng hai mươi ngàn người! Phần mộ người chết còn nhiều hơn cả người sống! Những con số trên đã thể hiện phần nào tinh thần bất khuất của những người con ưu tú nhất Việt Nam trên miền đất đã có một thời được mệnh danh là “địa ngục trần gian”. Những người tù tay không chỉ có gông cùm, chỉ có một manh giẻ rách làm quần áo trên tấm thân gầy mòn vì bệnh tật do bị tra tấn, do bị hành hạ; đã từng đêm cũng như mỗi ngày sẵn sàng phải đối mặt với những kẻ thù luôn có trong tay những thứ vũ khí thật dã man, cùng những thứ cực hình cực kỳ man rợ để đàn áp.


2013

Thanh Trắc Nguyễn Văn

Thanh Trắc Nguyễn Văn tại sân bay Côn Đảo
Thanh Trắc Nguyễn Văn ở sân bay Côn Đảo

----------------------------------------------------------------------------------------------------------
* Bài viết (gồm 5 phần) có sử dụng rất nhiều tư liệu từ nhiều nguồn, trong đó có rất nhiều tư liệu lấy từ Nhà Bảo Tàng di tích lịch sử Côn Đảo, Ban Quản lý di tích lịch sử cách mạng nhà tù Côn Đảo.

Phần 1 du lịch Côn Đảo Phần 2 Phần 3 Phần 4 Phần 5

Ghi chú: Ảnh minh họa sưu tầm từ internet

Không có nhận xét nào :