Thơ ca - Văn học - Nghệ thuật - Kiến thức - Hài hước - Ngôi sao - Người mẫu - Ảnh đẹp - Video Sáng tác - Sưu tầm
Chủ Nhật, 14 tháng 3, 2021
Phân tích tâm trạng nhân vật trong "Hạnh phúc của một tang gia" (Số Đỏ) (5b)
PHÂN TÍCH TÂM TRẠNG NHÂN VẬT TRONG "HẠNH PHÚC MỘT TANG GIA" (SỐ ĐỎ) (5b)
Đọc phần đầu của đoạn trích, cứ tưởng tâm địa của bọn con cháu cụ cố tổ ghê tởm đến thế là cùng. Nhưng chưa hết, chính lũ con cháu bất hiếu, vô đạo kia lại muốn khẳng định chúng là người hiếu thảo nhất trên đời. Đám ma mà chúng đang tổ chức phải trở thành một kiểu mẫu trong thiên hạ. Những kẻ mong chờ cho cha ông mau chết đã tìm thấy hạnh phúc vì đó là dịp để họ bày tỏ lòng hiếu thảo bằng cách tổ chức một đám ma thật to, thật vang, cái mong muốn "bẩn thỉu" ấy tồn tại trong mỗi đứa cháu, bất nhân, bất nghĩa là cả bao phức tạp, xô bồ của cuộc sống xã hội thối nát, "chó đều".
Câu chuyện của một gia đình trở thành cái tiêu biểu cho cả một xã hội. Từ cái hạnh phúc, sung sướng của một "lũ người gớm ghiếc" là một "thế thái nhân tình" được xây dựng trên nền tảng là sự tàn nhẫn và sự dối trá. Con người với con người đối với nhau mà như băng đá tê cứng, đông lạnh, không còn một chút hơi ấm của yêu thương. Cụ cố tổ mất đi lại không hề mảy may làm cho bất kì một con người nào đau khổ, bọn chúng tìm đến đám ma là để lấy và thực hiện sớm di chúc. Chỉ còn lặng lẽ sau trang sách là nỗi đau cười ra nước mắt và căm phẫn của nhà văn và độc giả. Những đứa cháu, con của cụ tự cho mình là chí hiếu, chúng không nhận thấy trong suy nghĩ, hành động của chứng là sự tàn nhẫn và dối trá đến cao độ. Nhịp cầu mà họ tạo nên để với đến hai chữ "chí hiếu" là từ tàn nhẫn và dối trá mà ra.
Cố lấy cái vẻ bề ngoài che đậy cái bên trong xấu xa, thối nát là một sự dối trá đến tàn nhẫn. Thế giới họ đang sống, đang tồn tại đâu có phải là một thế giới ân tình. Cái thế giới của tình người chỉ có khi con người biết tin yêu và tôn trọng lẫn nhau. Còn ở đây con người như là vật hiến dâng cho cái vòng quay bất nhân, bất hiếu.
Nỗi hạnh phúc, sung sướng của bản thân họ là khác nhau nhưng đều quy tụ chung dưới hai điều tàn nhẫn và dối trá. Những người đi đưa đám thật đông đảo, sự xấu xa, đồi bại của xã hội có mặt ở khắp nơi. Bằng điệp khúc: "đám cứ đi", tác giả đã đặc tả một đám ma thật to thiên hạ tha hồ chiêm ngưỡng. Nhưng trong cái đám ấy, chẳng có ai thật lòng đi đưa đám. Tất cả trong gia đình hay ngoài gia đình, già hay trẻ, đàn ông hay đàn bà, tuy cố giữ bộ mặt buồn rầu nhưng thực lòng thì đang vui vẻ, hạnh phúc vì một điều gì đó. "Đám cứ đi" nghĩa là sự vô liêm sỉ, sự giả dối cứ ngang nhiên diễn ra không hề khép lại và chẳng biết sẽ kéo dài đến đâu, lúc nào thì kết thúc. Cái thế giới tình người mà tác phẩm, đoạn trích có nói, có thể hiện chỉ là sự tàn nhẫn và dối trá. Sự tàn nhẫn, dối trá ấy đâu chỉ diễn ra trong xã hội "người dưng", mà nó tồn tại sâu sắc, đậm nét hơn cả trong bản thân những con người cùng một gia đình, họ hàng, thân quen. Cái đám ma giàu sang, phú quý, ồn ào của cụ tổ đâu có thể che lấp được bản chất tàn nhẫn, dối trá của cụ Hồng, ông bà Văn Minh, Xuân Tóc Đỏ và cả sư cụ Tăng Phú...
Sự lố lăng của đám tang với hình ảnh của hai tên đại bịp xuất hiện - Xuân Tóc Đỏ và sư cụ Tăng Phú lại làm cho cái tàn nhẫn và dối trá được bộc lộ rõ hơn, sâu sắc hơn. Tại sao bà cụ cố Hồng lại hí hửng vì sự có mặt của hai nhân vật này? Vì sáu chiếc xe có lọng cắm trên chở sư chùa Bà Banh? Vì hai vòng hoa đồ sộ? Điều đó ai mà biết được! Chỉ biết sự có mặt của những thứ trên làm cho đám tang vốn đã lố lăng càng thêm lố lăng. Chỉ biết sư cụ Tăng Phú đã chớp lấy "thời cơ tang gia để kiếm lợi trong cuộc đấu tranh chính trị nhằm củng cố thanh thế của Hội Phật giáo". Còn Xuân Tóc Đỏ lại là ân nhân của gia đình cụ cố Hồng và là "người chồng ăn hỏi" của cô Tuyết.
Hạnh phúc gia đình, dưới con mắt sắc sảo của Vũ Trọng Phụng, những con người xấu xa ấy không phải là một "nhóm người", chúng thật đông đảo và có mặt ở khắp nơi. Bởi vậy, có người coi đám tang của cụ cố tổ là hành trình xuống mộ của toàn xã hội thực dân phong kiến. Bởi sự dối trá, tàn nhẫn của nó đã đến hồi bộc lộ trắng trợn, vui vẻ ầm ĩ thế kia thì ai để cho nó tồn tại, làm trò hề mãi được.
(sưu tầm)
--------------------------------------------------
Phân tích tâm trạng nhân vật trong "Hạnh phúc của một tang gia" (2) (3) (4a) (4b) (5a) (5b) (6) (7a) (7b) (8a) (8b) (9) (10a) (10b)
Ghi chú: Chùm ảnh Tường Vi minh họa sưu tầm từ internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét