Thơ ca - Văn học - Nghệ thuật - Kiến thức - Hài hước - Ngôi sao - Người mẫu - Ảnh đẹp - Video Sáng tác - Sưu tầm
Thứ Năm, 14 tháng 10, 2010
Phân tích nhân vật An Dương Vương (6)
PHÂN TÍCH NHÂN VẬT AN DƯƠNG VƯƠNG TRONG "AN DƯƠNG VƯƠNG VÀ MỊ CHÂU TRỌNG THỦY" (6)
Lời thơ của nhà thơ Tố Hữu cất lên:
“ Tôi kể người nghe chuyện Mị Châu
Trái tim lầm chỗ để trên đầu
Nỏ thần vô ý trao tay giặc
Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu”
Gợi nhắc ta nhớ tới câu chuyện truyền thuyết “ An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thủy”, lấy cốt truyện dựa theo sự kiện lịch sử, truyện tạo ấn tượng mạnh mẽ với bạn đọc về nhân vật An Dương Vương vừa là anh hùng vừa là kẻ có tội.
Qua ngòi bút khắc họa của tác giả dân gian, An Dương Vương hiện lên là người hết lòng về đất nước. Ngài có công dựng nước và giữ nước trong những ngày đầu gian nan nhất của nhà nước Âu Lạc. Cách giới thiệu rõ ràng lai lịch của nhà vua làm tăng tính thuyết phục của yếu tố đời thực. Nỗi bận tâm, bao trăn trở của nhà vua khi “ xây thành tới đâu lở tới đấy”. Sự thành tâm thể hiện qua hành động “ lập đàn, cầu đảo bách thần”. Nhờ có sự giúp đỡ của Rùa vàng, nhà vua xây được thành lũy kiên cố. Một vị vua anh minh như vậy nhận được sự đồng tình, ủng hộ của thần dân. Không chỉ âu lo về việc dựng nước, An Dương Vương còn nặng lòng việc giữ nước, sự bình yên cuộc sống muôn dân. Rùa vàng vì cảm động tấm lòng ấy mà trao cho vuốt làm nỏ thần bảo vệ xã tắc. Mọi vẻ đẹp của nhà vua được tác giả dân gian đậm tô thể hiện niềm kình ngưỡng trước tài đức của Người.
Triều đại nào cũng có lúc thịnh, lúc suy, ai cũng sẽ phạm phải những sai lầm. Nhà vua cũng chủ quan, cả tin lời kẻ thù mà gả con gái cho con trai Triệu Đà. Liệu có phải nhà vua muốn chấm dứt chiến tranh, mong cuộc hôn nhân này hòa giải những xích mích của hai nước? Nên hai chữ “ vô tình” vang lên chứa đựng cả sự tiếc nuối, sự khoan dung của nhân dân với việc làm sai lầm đó. Quả thực kẻ thù quá mưu mô, xảo quyệt, luôn dã tâm cướp nước ta nên ta khó lòng lường trước mọi mánh khóe nham hiểm, tàn độc của chúng.
Nhà vua còn là người cha hết mực thương yêu con bởi nữ nhi không được tham gia việc quốc gia đại sự nhưng nhà vua vẫn nói cho con biết. Lần thứ hai Triệu Đà kéo quân sang đánh, An Dương Vương coi thường địch, ỷ vào nỏ thần không phòng bị, tới lúc biết nỏ bị đánh tráo thì mất thành và bỏ chạy. Nhà vua phải đối mặt hậu quả từ những sai sót của mình đối với giang sơn.
Nhưng điều nhà vua không nghĩ tới rằng: Mị Châu chính là giặc như lời kết tội của Rùa Vàng. Ở cương vị người cha, có lẽ Người không nỡ ra tay giết người con gái thương yêu, đáng thương nhưng trên cương vị nhà vua của một đất nước, tội của Mị Châu là phản quốc. Khi cán cân công lí là Rùa Vàng buộc tội, nhà vua cần thực thi quyền hành tối cao với kẻ có trọng tội. Lòng yêu nước và trách nhiệm cao cả được đặt lên trên tình cảm riêng tư, “ vua bèn tuốt kiếm chém Mị Châu”. Cảnh tượng ấy là sự trừng phạt đau lòng nhất với Người. Nhân dân không khoan nhượng, dung thứ cho kẻ bán nước nhưng vì những đóng góp của An Dương Vương mà xây dựng chi tiết kì ảo “ dẫn vua đi xuống biển” để xoa dịu vết đau của lịch sử.
Nhân vật An Dương Vương được xây dựng ở hai góc nhìn vừa là người anh hùng có công lớn với đất nước vừa là người có tội với giang sơn. Nhưng xuyên suốt “ Truyện An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thủy” quan điểm nhân dân vô cùng vững vàng, sáng suốt khi sử dụng các chi tiết kì ảo mà vẫn giữ được tính chân thực.
(sưu tầm)
--------------------------------------------------
Phân tích nhân vật An Dương Vương (2) (3) (4a) (4b) (5) (6) (7) (8) (9) (10a) (10b) (10c)
Ghi chú: ảnh minh họa sưu tầm từ internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét