Thứ Ba, 12 tháng 10, 2010
Phân tích nhân vật An Dương Vương (4b)
PHÂN TÍCH NHÂN VẬT AN DƯƠNG VƯƠNG TRONG "AN DƯƠNG VƯƠNG VÀ MỊ CHÂU TRỌNG THỦY" (4b)
Ông cũng là vị vua có tinh thần cảnh giác cao độ, có ý chí chiến đấu mạnh mẽ cùng tài chỉ huy thao lược, luôn chuẩn bị sẵn sàng cho việc chiến đấu chống kẻ thù. Chính vì vậy, nhiều lần Triệu Đà ở phương Bắc mang quân đánh chiếm Âu Lạc đều bị An Dương Vương đánh bại. Đó chính là kết quả từ việc xây dựng Loa thành kiên cố cùng với việc có tinh thần cảnh giác cao độ và vũ khí sẵn sàng. Tóm lại ta thấy rằng, An Dương Vương là một vị vua anh minh, có tài thao lược, có tinh thần trách nhiệm cao với đất nước, đồng thời luôn có lòng cảnh giác cao độ với kẻ thù. Chính vì những phẩm chất đó, ông đã được sự ủng hộ của nhân dân và cả thần linh trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước của mình.
Thế nhưng, sau chiến thắng trước kẻ thù mạnh, có được thành trì Loa thành vững chãi cùng vũ khí lợi hại, ông đã mắc phải những sai lầm quan trọng khiến cho mình rơi vào cảnh nước mất nhà tan. Đó là sự tự phụ và mất cảnh giác với kẻ thù. Như chúng ta thấy rằng, sau chiến thắng với Triệu Đà, An Dương Vương đã ngày càng trở nên tự phụ. Ông coi mình có "nỏ thần", một lần bắn ra trăm mũi tên, khiến cho quân giặc khiếp hãi thì chúng sẽ không tấn công Âu Lạc nữa. Chính sự tự phụ ấy đã khiến ông phải trả một cái giá đắt: Đất nước rơi vào tay kẻ thù, gia đình phải ly tán đau đớn. Ông luôn cho rằng có nỏ thần thì quân địch sẽ không dám tiến đánh Âu Lạc mà không hề nghi ngờ, cảnh giác được âm mưu thâm hiểm của kẻ thù. Đến khi quân địch tới chân Loa thành, ông vẫn tự phụ cho rằng: " Đà không sợ nỏ thần hay sao?" mà không hề biết rằng nỏ thần đã bị con rể đánh tráo.
Cũng chính vì lòng tự phụ, tự mãn ấy của bản thân mình, An Dương Vương đã lơi lỏng cảnh giác. Ông đã chấp nhận dễ dàng lời cầu hòa của Triệu Đà mà không hề nghi ngờ âm mưu mà hắn dựng lên phía sau đó. Hơn thế, ông còn chấp nhận gả con gái của mình cho con trai của kẻ thù và còn để hắn ở rể tại Loa thành. Có lẽ sự tự tin thái quá trước kẻ thù, sự mất cảnh giác, những sai lầm liên tiếp ấy chính là những nguyên nhân gây ra sự đại bại của Âu Lạc. An Dương Vương đã mất cảnh giác, lơi lỏng tới mức uống say để kẻ thù có cơ hội đánh tráo cả báu vật quốc gia. Ông đã quá tin tưởng con rể vốn là con trai của kẻ thù mà gây ra thảm kịch cho cả Âu Lạc.
Đến khi nhận ra tình thế không thể cứu vãn, bị giặc đuổi giết, An Dương Vương cũng chỉ biết đường trốn tránh mà không dám suy xét, đương đầu với kẻ thù. Sự tự mãn, tự phụ đã khiến ông mất đi tất cả! Nó khiến ông không nhận ra được mưu kế cũng như không đánh giá đúng thực lực của kẻ thù để rồi phải nhận lấy thất bại nặng nề. Cũng chính sai lầm to lớn ấy của ông khiến ông phải chính tay mình giết chết con gái ruột - người thân ruột thịt của mình. Đây là một hình phạt đau đớn nhất mà ông phải nhận khi đã buông lỏng cảnh giác với kẻ thù, gây nên những cảnh lầm than cho vương quốc. Dù sau này, ông được thần Kim Quy cứu rồi cầm sừng tê tê rẽ nước xuống biển rồi biến mất. Nhưng sự bất tử đó của ông lại đánh dấu sự kết thúc của đất nước Âu Lạc.
Tóm lại ta có thể thấy ở đây, An Dương Vương hiện lên là một vị vua thông thạo việc trị nước, có lòng thương dân, có tài có đức, là một vị vua anh minh sáng suốt. Thế nhưng chỉ vì một phút lơi lỏng cảnh giác với kẻ thù đã khiến ông mất đi tất cả, kết thúc một triều đại do ông dựng xây lên. Đó là bài học to lớn mà ông cha ta muốn truyền lại cho con cháu thời sau: Phải luôn cảnh giác trước kẻ thù xâm lược.
Kết thúc câu chuyện là cái chết của con gái An Dương Vương - Mị Châu. Đó là một kết thúc buồn nhưng đó là hình phạt thích đáng dành cho An Dương Vương khi chính ông đã tự tay đánh mất đất nước của mình. Bằng hình ảnh đi vào bất tử của ông, nhân dân muốn bày tỏ lòng thương tiếc với vị vua tài giỏi, đã có công dựng xây và bảo vệ đất nước, non sông.
(sưu tầm)
--------------------------------------------------
Phân tích nhân vật An Dương Vương (2) (3) (4a) (4b) (5) (6) (7) (8) (9) (10a) (10b) (10c)
Ghi chú: ảnh minh họa sưu tầm từ internet
Nhãn:
Ngu Van
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét