Thơ ca - Văn học - Nghệ thuật - Kiến thức - Hài hước - Ngôi sao - Người mẫu - Ảnh đẹp - Video Sáng tác - Sưu tầm
Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2019
Trang Góc Nhỏ Văn Thơ - Hải cẩu
HẢI CẨU
Tên động vật "hải cẩu" 海狗 ta mượn tiếng Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện nay Trung Quốc phân biệt 2 dạng sau:
- hải cẩu 海狗: hải cẩu lông, thuộc họ Arctocephalinae
- hải báo 海豹: hải cẩu không vành tai, thuộc họ Phocidae, được xem là hải cẩu thật sự, trong đó loài Hydrurga leptonyx được người Việt gọi là "hải cẩu báo" theo cách người Trung Quốc gọi là "báo hải báo" 豹海豹.
"Hải cẩu" 海狗 nghĩa là chó biển, "hải báo" 海豹 nghĩa là beo biển
"Beo" là cách đọc Hán-Việt cổ xưa của "báo" 豹. Để giải thích điều này, chúng ta phải học chữ Nho như một nhà Nho… trong quá khứ. Còn những nhà Nho ở các thời sau, dưới sự biến đổi của ngữ âm tiếng Việt, sự phân hoá đa dạng phương ngữ, những thay đổi trong các tự điển phiên thiết… sẽ có những cách xử lí chữ Nho khác đi ít nhiều.
Trước hết, ta nhắc lại 2 khuôn khổ thanh điệu tiếng Việt hiện đại ứng với 8 thanh của tiếng Hán trung cổ. Các thanh bậc phù/âm (phù 浮: nổi) gồm “ngang - hỏi - sắc” và các thanh bậc trầm/dương (trầm 沈/沉: chìm) gồm “huyền - ngã - nặng”. Để có hình dung rõ hơn về mối quan hệ ngữ âm giữa 2 khuôn khổ này, chúng ta có thể lắng nghe cách các phương ngữ ở Bắc Trung bộ phát âm, mang âm hưởng của tiếng Việt trung đại.
Các phương ngữ Bắc Trung bộ này, với vai trò là tấm gương phản chiếu tiếng Việt trung đại và cổ đại, cũng là chiếc chìa khoá cho ta thấy xu hướng “dịch chuyển” thanh điệu giữa âm Việt hoá (đôi khi là âm Hán-Việt cũ) so với âm Hán-Việt hiện đại: “hỏi <> sắc <> ngang”, “ngã <> nặng <> huyền”. Ví dụ:
- Âm Hán-Việt thanh hỏi: “khả” 可 - “khẩn” 懇 - “khiển” 遣 - “cảm” 感 - “thảo” 草 - “phẩm” 品 - “thẩm” - 嬸 - “trảm” 斬 - “trản” 盞 - “để” 底 - “quyển” 卷... tương ứng âm Việt hoá thanh sắc là “khá” - “khấn” - “khiến” - “cám” - “tháu” - “phím” - “thím” - “chém” - “chén” - “đáy” - “cuốn”... Đối với các âm Việt hoá “tiền Hán-Việt”, ta sẽ thấy chiều hướng ngược lại: “giá” 嫁 - “giá” 價 - “kế” 計 - “giới” 芥 - “tuế” 歲 - “thố” 兔 - “quái/khoái” 膾 - “chá” 炙... ứng với âm Việt hoá thanh hỏi “gả” - “cả” - “kể” - “cải” - “tuổi” - “thỏ” - “gỏi” - “chả”...
- Âm Hán-Việt thanh sắc: “đối” 對 - “tứ” 四 - “thấu” 透 - “tấu” 奏 - “thuế” 稅 - “tín” 信 - “quán” 貫 - “quán” 慣 - “ấn” 印 - “thế” 替 - “kiếm” 劍 - “kính” 鏡... tương ứng âm Việt hoá thanh ngang là “đôi” - “tư” - “thâu” - “tâu” - “thuê” - “tin” - “quan” - “quen” - “in” - “thay” - “gươm” - “gương”...
- Âm Hán-Việt thanh ngã: “lãnh” 冷 - “mãnh” 猛 - “lễ” 禮 - “dũng” 蛹 - “đãi” 待 - “mỗi” 每 - “võng” 望 - “vãn” 晚 - “nhẫn” 忍... tương ứng âm Việt hoá thanh nặng là “lạnh” - “mạnh” - “lạy” - “dộng/nhộng” - “đợi” - “mọi” - “mạng” - “muộn” - “nhịn”...
- Âm Hán-Việt thanh nặng: “nhị” 二 - “quỵ” 跪 - “nệ” 泥 - “diệu” 鷂 - “đại” 代 - “dụng” 用 - “liệu” 料 - “vận” 韻 - “vận” 運 - “ngạnh” 梗 - “nghệ” 藝... tương ứng âm Việt hoá thanh huyền là “nhì” - “quỳ” - “nề” - “diều” - “đời” - “dùng” - “liều” - “vần” - “vần” - “ngành” - “nghề”...
Chúng ta đã trải qua các bài viết về những trường hợp Việt hoá sau:
- "the" - "sa" 紗
- "xe" - "xa" 車
- "mè" - "ma" 麻
- "hè" - "hạ" 夏
- "khéo" - "xảo" 巧 (đáng ra âm "khảo")
- "keo" - "giao" 膠
- "keo" - "giáo/giảo" 珓 / 筊 (kí âm bằng chữ "giao" 交)
- "kéo" - "giảo" 鉸
- "chém" - "trảm" 斬
- "chén" - "trản" 盞
- "ép" - "áp" 壓
- "quen" - "quán" 慣
- "xét" - "sát" 察
- "kẻ" - "giá" 架
- "nghè" - "nha" 衙
- "che" - "cha/già" 遮
- "xé" - "xả" 扯
- "Mẹo" - "Mão" 卯.
Ở các bài này, Admin đã giải thích chi tiết lí do đằng sau cho phép có sự khác biệt giữa âm Hán-Việt thời xưa chứa nguyên âm "e" /ɛ/ trong khi âm Hán-Việt thời sau chứa nguyên âm "a" /a/. Điều đó đồng nghĩa với việc, chỉ có 1 số chữ Hán nhất định mới có mối tương quan "e" - "a" như thế, chứ không thể đem ra áp dụng phổ quát cho các trường hợp khác.
Về nguyên do có sự biến chuyển giữa vần "-ao" của âm Hán-Việt và vần "-eo" của âm Việt hoá, ta cần kết nối với bài "gi đã là gì?" của chuyên mục "Giải mã chữ quốc ngữ". Ở bài đó, ta đã làm rõ việc người phương Tây dùng tổ hợp "gi" để ghi lại một phụ âm "vòm hoá", chẳng hạn "giao" của tiếng Việt trung đại sẽ phát âm như /kʲa:w/, hình dung âm *kyao*. Thời điểm này, khi phiên thiết Hán-Việt, không đơn thuần chỉ là âm /a:w/ được cắt ra làm vần như ngày nay, mà thay vào đó cả tổ hợp "-yao" /-ja:w/ sẽ được trích xuất ra, và âm đó nghe rất giống vần "-eo" /ɛw/.
“Báo” 豹 nghĩa là con báo, con beo. Phiên thiết của “báo” 豹 là 北敎切 - bắc giáo thiết:
- ngày xưa: 北敎切 = [b]ắc + k[yáo] = *byáo* (sắc + sắc = sắc), chỉnh âm thành *béo*, Việt hoá thành “beo” như xu hướng thanh điệu kể trên
- ngày sau: 北敎切 = [b]ắc + z[áo] = báo.
Rất may mắn, người Việt không phải là cộng đồng phi Hán duy nhất học chữ Hán, chúng ta cùng ngó qua một vài ngôn ngữ trong vùng văn hoá Hán tự đã phiên thiết chữ “báo” 豹 thành âm gì nhé:
- Tiếng Triều Tiên/Hàn Quốc: “pyo” 표
- Tiếng Nhật Bản: “hyō” ひょう. Ghi chú cho các bạn chưa biết tiếng Nhật, “h” trong tiếng Nhật (không đồng nhất với “h” của tiếng Việt) có liên quan với “b” và “p” nha, không phải như logic của tiếng Việt đâu. Chẳng hạn “hito” ひと là người, tiếng Nhật nói mọi người là “hito-bito” ひとびと chứ không phải “hito-hito”. “Hi” ひ thêm ゛ ra “bi” び còn thêm ゜ ra “pi” ぴ.
- Tiếng Nhật Bản cổ: “heu” へう
- Tiếng Choang (Quảng Tây, Trung Quốc): “beuq” (phát âm: pê-ú), họ phiên thiết ra âm gần giống *béo* tiếng Việt mà khi nãy ta phân tích.
Các ngôn ngữ kể trên cho thấy trong phiên thiết có chứa âm “vòm hoá” (palatalization), phản ánh qua âm lướt “y” /j/ trong tiếng Triều Tiên/Hàn Quốc và tiếng Nhật hoặc biến âm dịch chuyển về phía /i/ trong chuỗi các nguyên âm “dòng trước” /a - æ - ɛ - e - i/ như tiếng Nhật cổ, tiếng Việt và tiếng Choang. Hiện tượng vòm hoá này đã bị đa số phương ngôn của người Hán loại bỏ.
- Ung Chu -
(Góc Nhỏ Văn Thơ)
-----------------------------------------------------------------------------------------
Ghi chú: ảnh Hangkao và ảnh minh họa sưu tầm từ internet.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét