NỮ THẦN DÊ TRẮNG (Phần 3)
III
Rạng sáng ngày 26 tháng 2 năm Kỷ Dậu (ngày 30 tháng 3 năm 1429 dương lịch), một chiếc thuyền lớn từ từ rời khỏi trang trại Sơn Đông theo dòng sông Lô xuôi về Đông Kinh (tên của vua Lê Thái Tổ đặt tên cho Thăng Long). Đất nước ta khi ấy đã sạch bóng quân thù, Lê Lợi đã chính thức lên ngôi vua (sử gọi là vua Lê Thái Tổ), đổi niên hiệu là Thuận Thiên. Trên thuyền người ta thấy Trần Nguyên Hãn ngồi trên một cái ghế lớn giữa thuyền, xung quanh có 42 lực sĩ cắp gươm đứng hầu. Chợt một lực sĩ bận trang phục phó tướng, có vẻ là người chỉ huy, bước ra cúi đầu nói với Trần Nguyên Hãn:
- Thưa quan Tả tướng quốc, ngài đành lòng theo chúng tôi về Đông Kinh ư?
- Hơn một năm trước ta đã từ quan rồi, ngươi đừng gọi ta như thế nữa, chức quan lớn quá ta không dám nhận. Ngươi cứ gọi ta là Trần trại chủ là được. Còn vì sao ta theo các ngươi về Đông Kinh ư? Lệnh vua khó cãi, ta không muốn phải mang tiếng là nghịch thần!
- Nhưng theo chúng tôi về triều ngài sẽ bị mang tội chết. Các quan trong triều như Trịnh Hoành Bá, Lê Quốc Khí, Đinh Bang Bản… cùng dâng sớ lên vua tố cáo là ngài cố ý tạo phản!
- Hoàng thượng là một bậc minh quân mà cũng nghe lời bọn giá áo túi cơm này ư? Khi ta cùng các tướng sĩ tử chiến cùng giặc Minh, phải đổ máu ngoài sa trường thì bọn chúng đang chui rúc ở xó xỉnh nào? Đúng là một lũ ngồi mát ăn bát vàng, chỉ biết ganh tị, kèn cựa với các bậc đại công thần!
- Bọn họ mật tâu với vua là ngài đã đóng nhiều thuyền lớn, rất tiện lợi khi đi lại trên sông biển. Ngài cũng tập hợp được rất nhiều quân lính dưới trướng cũ về trang trại của mình, ngày càng lộ rõ có ý muốn mưu đồ riêng, muốn xưng vương!
Trần Nguyên Hãn trầm ngâm hồi lâu rồi nói:
- Khi ta từ giã Hoàng thượng về quê. Hoàng thượng có hỏi ta sẽ làm gì? Ta tâu với Hoàng thượng hai việc. Một là ta sẽ làm lại nghề cũ bán dầu. Người dân quê ta thường mua quả dọc về phơi khô, giã mịn đóng thành bánh rồi ép ra dầu đem đi bán. Dầu quả dọc khi đổ vào một cái bát nhỏ, thả vào một ngọn bấc, đốt sẽ có một ngọn lửa đủ sáng với hương thơm nhè nhẹ, nổi tiếng khắp vùng Kinh Bắc. Nghĩa quân Lam Sơn nhiều người xuất thân là dân nghèo khó, không có một mảnh đất cắm dùi, sau khi thắng trận họ sẽ không có một nơi nào nương thân. Ta sẽ quy tụ họ về Sơn Đông dạy cho họ nghề ép dầu để mưu sinh. Hoàng thượng bảo là “Được!”. Nay rất nhiều người đều là quân lính cũ của Bình Định Vương, theo ta về đây lập nghiệp sao Hoàng thượng lại trách ta? Hai là tổ tiên của ta ngày xưa làm nghề chài lưới, thường đánh cá trên sông rồi dong buồm ra thẳng biển Đông và đến các đảo xa. Các hải đảo ngoài biển Đông đều là phên giậu của nước Đại Việt, giữ được đảo cũng là giữ vững được đất liền. Ta có tâu với Hoàng thượng sẽ mở xưởng thuyền đóng nhiều thuyền thật lớn để đưa ngư dân ra biển. Hoàng thượng mừng lắm bảo ta khi nào đóng được thuyền lớn, hai năm nữa phải đem thuyền đến Thăng Long cho Hoàng thượng xem. Không ngờ bây giờ thuyền lớn đã đóng xong rồi, ta chưa kịp dâng lên đã bị Hoàng thượng nghe lời gièm pha bắt tội!
- Bọn người Trịnh Hoàng Bá còn nói ngài xây nhiều dinh thự lớn hơn cung vua…
Trần Nguyên Hãn cười ha hả nói:
- Đã buôn bán lớn thì phải mở rộng trang trại và xây nhiều dinh thự, điều đó một đứa trẻ con cũng còn biết. Gần hai năm nay ta có thấy ai là người của triều đình đến đo đạc đâu mà dám bảo dinh thự của ta lớn hơn cung vua?
Một viên phó tướng khác đến đứng cạnh bên viên phó tướng chỉ huy, vòng tay cung kính vái chào Trần Nguyên Hãn và nói:
- Thưa tướng quân, ngài thật sự không nhớ anh em chúng tôi ư?
Trần Nguyên Hãn giật mình nhìn hai người hồi lâu rồi nói:
- Thật sự ta không nhớ các người là ai!
- Anh em chúng tôi là Trịnh Long và Trịnh Hổ đều là cháu ruột của Quốc Thái mẫu Trịnh Thị Ngọc Lữ. Chúng tôi là cháu vợ gọi Hoàng thượng là dượng. Nhờ có chút công lao trong cuộc chiến chống quân Minh nên chúng tôi được Hoàng thượng tin cậy ban cho ít chức tước. Trong trận thành Xương Giang, hai anh em chúng tôi có trong đội quân cảm tử từ đường hầm đột phá vào thành Xương Giang. Tướng quân chính là ân nhân đã cứu mạng hai anh em chúng tôi…
Trần Nguyên Hãn nhớ lại. Khi đội quân cảm tử của nghĩa quân Lam Sơn từ dưới đường hầm bật lên thì hàng loạt những mũi tên sắc nhọn của giặc đợi sẵn bắn tới dày đặc như mưa rào. Lập tức những tấm khiên đã được chuẩn bị từ trước được anh em nghĩa quân dựng lên che chắn cho nhau, sau đó họ đồng loạt ném những tấm khiên vào lũ giặc phục kích rồi rút đoản đao ra xông vào quân thù đánh xáp lá cà. Một nhóm nghĩa quân khác theo kế hoạch lao nhanh về hướng các tường thành và leo nhanh lên mặt thành. Nhiệm vụ của họ là giải cứu dân chúng trong thành đang bị giặc bắt đứng khắp nơi làm tấm khiên sống đỡ tên, đỡ giáo cho chúng trên bốn mặt thành. Nhóm nghĩa quân này tỏ ra rất tinh nhuệ và thiện chiến. Những tên giặc xông ra cản đường đều bị họ chém gục xuống như rạ. Bất ngờ một tên tướng giặc xuất hiện với một thanh trường kiếm sắc lạnh, chỉ một loáng ba nghĩa quân đã bị hắn đâm chết. Tức giận vì đồng đội bị hại, Trịnh Long và Trịnh Hổ cùng hợp lực vung đao, kẻ tả người hữu xông vào tấn công hắn. Không ngờ họ gặp phải một tay kiếm quá lợi hại. Chỉ bằng vài đường kiếm tên tướng giặc đã đánh rơi vũ khí của cả hai rồi lia nhanh kiếm vào cổ họng của họ. Anh em Trịnh Long chỉ còn biết nhìn nhau chờ chết. Bỗng “choang” một tiếng thật lớn, một thanh gươm đã đánh dạt mũi kiếm tử thần của tên tướng giặc sang một bên kịp thời cứu mạng sống cả hai người. Trịnh Long, Trịnh Hổ hoàn hồn cùng nhìn lại và reo lên:
- Quan Thái úy!
Đúng vậy, người cứu họ chính là quan Thái úy Trần Nguyên Hãn. Trần Nguyên Hãn ra lệnh cho Trịnh Long, Trịnh Hổ tiếp tục nhiệm vụ rồi quay sang tên tướng giặc hỏi:
- Ngươi là Kim Dận?
- Phải, chính ta đây! Ngươi cũng được nghe danh tiếng của ta nữa à?
Trần Nguyên Hãn không buồn trả lời, vung kiếm xông tới tấn công ngay. Thanh kiếm Hãn đang sử dụng chính là Chiêu Minh Kiếm, thanh kiếm báu gia truyền của Thái sư Thượng tướng Trần Quang Khải, đã từng đánh bại và tiêu diệt nhiều tên mãnh tướng Mông Cổ xâm lược trong trận chiến thắng lừng lẫy trên sông Bạch Đằng mùa Xuân năm Mậu Tí (tháng 4 năm 1288 dương lịch) ngày trước. Trước ngày mẹ Hãn mất, bà đã đào và trao thanh gươm quý cho con trai với lời dặn phải tìm cho được minh chủ để rửa hận nước thù nhà. Khi gặp động chủ Lam Sơn lần đầu tiên, Trần Nguyên Hãn đã dâng lên ngài thanh kiếm báu này. Lê Lợi mừng lắm, ngài thận trọng tuốt gươm ra khỏi vỏ, ngắm nghía và hỏi thật kỹ nguồn gốc thanh kiếm mà Hãn có được. Sau đó Lê Lợi trịnh trọng trao lại kiếm báu cho Trần Nguyên Hãn và nói:
- Ta rất cảm ơn tướng quân đã tin tưởng trao cho ta thanh gươm quý của tổ tiên đã từng có nhiều chiến công hiển hách. Gươm báu phải dành tặng anh hùng! Thanh gươm này ta xin tặng lại cho tướng quân, tướng quân hãy thay ta giết thật nhiều tướng giặc Minh để lấy lại oai linh cho nước Đại Việt!
Lê Lợi cũng cho Trần Nguyên Hãn xem thanh Thuận Thiên Kiếm mà ngài đang đeo bên mình. Thuận Thiên Kiếm không hổ danh là thanh kiếm thần mà bọn giặc Minh vẫn thường lén kể cho nhau nghe rằng Lê Lợi đã được đức Lạc Long Quân sai thần Kim Quy ban cho. Bọn chúng đồn vì có kiếm thần trong tay nên Lê Lợi vào sinh ra tử nhiều lần mà vẫn không bị tổn hại, đao thương không xâm nhập được… Chuôi Thuận Thiên Kiếm được nạm ngọc quý khảm hình rồng bay lượn. Thanh gươm Lê Lợi chưa rút hết khỏi vỏ, Trần Nguyên Hãn đã thấy căn phòng sáng rực, hồn thiên sông núi mấy ngàn năm như đồng vọng về. Hãn hoảng sợ vội quỳ xuống lạy thanh gươm. Lê Lợi mỉm cười đỡ Hãn đứng lên và nói gươm chỉ quý khi người biết dùng gươm để diệt giặc cứu nước. Trần Nguyên Hãn nhớ mãi câu nói đó của động chủ Lê Lợi với niềm vui mừng khôn siết vì đã tìm được minh chủ...
Sau vài hiệp giao đấu, Trần Nguyên Hãn biết là đang phải đối phó với một tay gươm cự phách của giặc. Không nghĩ ngợi, Hãn liền thi triển ngay Chương Dương Kiếm Pháp tấn công tên tướng giặc khát máu này. Theo lời mẹ Hãn kể lại, sau khi kháng chiến chống quân Nguyên Mông thành công, Thái sư Thượng tướng Trần Quang Khải cùng với người em là Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, cố công sưu tầm và tổng hợp lại những đường kiếm tuyệt luân mà hai người đã tìm được trong những trận chiến khốc liệt với kẻ thù hùng mạnh nhất thời bấy giờ. Các thế kiếm hay nhất, uy lực nhất được Thái sư sai người ghi chép và vẽ lại cẩn thận thành bộ sách Chương Dương Kiếm Phổ, bí mật truyền lại cho các con cháu đời sau. Trên trang đầu của bộ sách, Thái sư Thượng tướng Trần Quang Khải ghi rất rõ, kiếm phổ chỉ truyền cho anh hùng, không giao cho bọn vô đức vô năng dù đó có là con cháu đích tôn của dòng họ. Các chiêu thức của Chương Dương Kiếm Pháp đều rất lợi hại, người dùng không được tùy tiện sử dụng, chỉ dành để đối phó với bọn giặc cướp nước…
Kim Dận bỗng rú lên một tiếng thất thanh rồi lùi lại mấy bước.Vai và ngực phải của hắn bị gươm của Trần Nguyên Hãn đâm trúng xuyên thấu ra tận sau lưng, đầm đìa máu. Kim Dận toan vung gươm xông tới tấn công tiếp nhưng hắn đã hoàn toàn kiệt sức. Loạng choạng chống gươm xuống đất, hắn quỵ xuống và bất lực nhìn Trần Nguyên Hãn:
- Ta đã nhiều năm ngang dọc chinh chiến nhưng chưa gặp ai là đối thủ. Hôm nay không may gặp phải cao nhân! Xin cao nhân cho biết danh tánh…
- Ta tên Trần Nguyên Hãn!
- Ngươi họ Trần sao không đầu hàng thiên triều để được làm vua An Nam? Hà cớ gì phải đi theo Lê Lợi làm tay chân cho hắn chống lại thiên triều?
- Ngươi đừng già hàm nữa! Bao con cháu nhà Trần như Giản Định Đế Trần Ngỗi, Trùng Quang Đế Trần Quý Khoáng đều bị triều đình nhà Minh bọn ngươi giết hại! Chiêu bài cũ đã rách nát rồi, đừng đem ra chiêu dụ vô ích. Hãy đầu hàng đi, ta sẽ tha cho ngươi một mạng sống!
- Anh hùng như Kim Dận ta mà đầu hàng ư?
Trần Nguyên Hãn cười ha hả nói:
- Kim Dận, ngươi đừng làm ta buồn nôn! Anh hùng ư? Anh hùng gì mà đem dân chúng trong thành không một tấc sắc trong tay ra làm tấm khiên sống che chắn mỗi khi quân của ngươi phải đối mặt với nghĩa quân Lam Sơn ta. Ngươi chỉ là một tên tướng giặc tiểu nhân hèn hạ và đê tiện!
Kim Dận cười gằn:
- Vô độc bất trượng phu! Binh pháp thiên triều nước ta cũng có câu “Binh bất yếm trá”!... Người họ Trần kia, ngươi đừng tưởng ngươi sẽ sống lâu hơn ta. Rồi có ngày thiên triều cũng sẽ cử người sang giết ngươi để trả thù cho ta…
Nói xong Kim Dận tự quay gươm đâm vào cổ tự sát. Trần Nguyên Hãn bước tới nhìn xác kẻ thù hồi lâu rồi nói:
- Quân sư Nguyễn Trãi nước Đại Việt ta cũng có câu “Đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”. Ai đúng, ai sai tự ngươi cũng đã biết rồi khi phải nằm phơi xác tại đây! Còn ta sẽ chết ư? Ai mà không phải chết! Nhưng cái chết của ta chắc chắn sẽ ích nước, lợi nhà hơn là cái chết đầy nhục nhã của ngươi ngày hôm nay!...
Bỗng cửa Bắc thành Xương Giang có tiếng quân reo hò vang dội. Nghĩa quân Lam Sơn đã phá vỡ cổng thành đang ào ạt xông vào chiếm thành. Cờ chiến thắng lần lượt cắm đầy khắp nơi…
Trần Nguyên Hãn trầm ngâm nhìn anh em Trịnh Long, Trịnh Hổ hồi lâu rồi nói:
- Ta không ngờ gặp lại hai người trong hoàn cảnh khó xử này! Xin chúc mừng cho hai vị phó tướng được công thành danh đạt!
Anh em Trịnh Long, Trịnh Hổ đồng quỳ xuống:
- Ơn cứu mạng anh em chúng tôi không dám quên, dù sống hay chết chúng tôi vẫn nguyện đi theo tướng quân! Xin tướng quân cứ tùy nghi sai khiến!
- Ta vẫn băn khoăn Hoàng thượng không thể là người cạn tàu ráo máng đến như thế được! Hẳn là đã có một tác động nào đó…
Nữ thần Bạch Dương bỗng từ trong khoang thuyền bước ra vái chào Trần Nguyên Hãn:
- Chàng nói đúng! Cách đây gần nửa tuần trăng có một đoàn mật sứ từ phương Bắc đã đến Thăng Long gặp Hoàng thượng!
Thấy có người lạ xuất hiện trên thuyền, Trịnh Long và Trịnh Hổ toan rút gươm ra khỏi vỏ nhưng Trần Nguyên Hãn đã giơ tay cản lại:
- Nàng ấy là nữ thần Bạch Dương, người quen của ta, hai phó tướng quân đừng kinh động!
- Nữ thần?
- Phải! Chuyện dài dòng lắm, nếu có dịp ta sẽ kể lại cho hai vị cùng nghe!
Quay sang nữ thần, Hãn hỏi tiếp:
- Thưa nữ thần, bọn mật sứ phương Bắc muốn gì?
- Bọn chúng muốn Hoàng thượng phải trao ngôi vua lại cho con cháu vua Trần, điều mà trước đây Bình Định Vương Lê Lợi đã phải đồng ý với Tổng binh Vương Thông khi hai bên giảng hòa ở thành Đông Quan, trước khi quân ta cho bọn chúng rút toàn bộ quân lính về nước. Chuyện này chắc chàng còn nhớ, vì chàng cũng chính là người thứ hai sau Hoàng thượng được cùng Hoàng thượng tham gia vào Hội thề Đông Quan với bọn Vương Thông năm ấy.
Trịnh Long giận dữ nói:
- Đó là kế ly gián của giặc. Trước đây Hoàng thượng đã phải nhờ Trần Cảo đứng ra làm An Nam Quốc Vương cho yên việc nước. Sau Trần Cảo biết mình không xứng đáng làm vua nên đã uống thuốc độc tự tử, nhường ngôi lại cho Hoàng thượng. Nay bọn vua quan nhà Minh nhắc lại chuyện này là muốn nước ta phải luôn loạn lạc không được bình yên. Con cháu hoàng tộc nhà Trần cũ hiện giờ chỉ còn có mỗi mình tướng quân, bọn chúng đang muốn dồn tướng quân vào con đường chết! Đúng là bọn vô ân bạc nghĩa! Dân nước Đại Việt ta đã mở lòng hiếu sinh, tha chết cho đám tàn binh bại trận của chúng được về nước sum họp với gia đình, với người thân; không ngờ bọn vua quan nhà Minh lại quá nhẫn tâm lấy oán báo ân!
Trần Nguyên Hãn thở dài nói:
- Ta cũng đã sớm đoán được điều này nên đã từ quan. Không ngờ sự việc lại đến quá nhanh như vậy. Không lẽ lời hăm dọa ta của tên Kim Dận trước khi chết đã thành hiện thực? Ta phải chết theo hắn ư? Bọn người phương Bắc lợi hại thật! Trời thật sự đã hại ta!
Nữ thần Bạch Dương nhìn Trần Nguyên Hãn nói:
- Không có trời nào lại nỡ hại một người tài đức như chàng cả, chỉ có những kẻ thù của chàng mới muốn hại chàng mà thôi!
Chợt có tiếng la hét lố nhố, một lực sĩ từ dưới hầm thuyền chạy lên vẻ mặt hoảng hốt đến trước mặt của Trịnh Long bẩm báo:
- Thưa, đáy thuyền đã bị ai đó đục vỡ. Nước tràn vào rất nhiều, không bao lâu thuyền có thể sẽ bị chìm! Xin phó tướng quân định liệu!
Tên lực sĩ nói chưa dứt lời, đã thấy nhiều câu liêm buộc dây dài từ dưới nước được phóng lên móc vào mạn thuyền. Hàng chục người vạm vỡ, tay cầm đao nhanh chóng bám dây leo lên thuyền, vây 42 lực sĩ của triều đình vào giữa. Một người ném nhanh cho Trần Nguyên Hãn thanh gươm rồi nói:
- Bọn ta là gia nhân của tướng quân Trần Nguyên Hãn đến đây để cứu tướng quân. Bọn lính triều đình các ngươi nếu muốn sống hãy buông gươm quy hàng, đừng chống cự sẽ chết không toàn thây!
Trần Nguyên Hãn vội bước ra nói lớn:
- Các người không được manh động! Nếu chúng ta chống lại triều đình, bá tánh đất Sơn Đông sẽ gặp rất nhiều tai họa. Các người hãy nghe lời ta mau trở về trang trại. Đào quản gia đâu? Lão hãy mau đưa mọi người rời khỏi nơi đây ngay!
Đào quản gia bước ra nghẹn ngào nói:
- Trần tướng quân, ngài về Đông Kinh là sẽ bị mang án tử đó… Lão đã già rồi xin được đi theo hầu hạ ngài cho đến phút cuối cùng…. Xin tướng quân an tâm, phu nhân và công tử đã được chúng tôi đưa về nơi an toàn rồi!
- Ta cảm ơn lão và mọi người. Nhưng trang trại Sơn Đông hiện giờ vẫn rất cần một người như lão ở lại để lo liệu. Mọi người hãy nhanh chóng quay về, đừng đổ thêm dầu vào lửa! Không được cãi lệnh!
Đào quản gia nước mắt rơi lã chã cùng đám gia nhân vái chào Trần Nguyên Hãn, rồi từng người một nhảy xuống nước bơi vào bờ. Quay sang đám lực sĩ, Trần Nguyên Hãn nói:
- Ta không chống lại triều đình nhưng ta cũng không theo các ngươi về Đông Kinh!
Biết gặp chuyện chẳng lành, đám lực sĩ cùng lùi lại thủ thế và hướng mũi gươm về phía Trần Nguyên Hãn. Trịnh Long và Trịnh Hổ vội đến đứng bên Trần Nguyên Hãn cùng quát lớn:
- Các ngươi muốn chết à? Các ngươi không biết Trần tướng quân là tay gươm kiệt xuất nhất của nước Đại Việt chúng ta hay sao? Anh em ta đã quyết theo tướng quân, các ngươi hãy mau mau buông gươm quy thuận!
Đám lực sĩ nhìn nhau bối rối chờ đợi, cuối cùng một người bước ra nói:
- Võ công và chiến công của Trần tướng quân anh em chúng tôi đều được biết và rất ngưỡng mộ. Nhưng nếu phản lại triều đình, gia đình chúng tôi sẽ bị hại. Xin các vị tướng quân hiểu cho chúng tôi!
Trần Nguyên Hãn tuốt gươm ra khỏi vỏ, cấm phập thanh gươm xuống sàn thuyền, rồi dõng dạc nói:
- Đây chỉ là một thanh gươm tầm thường, không phải là thanh Chiêu Minh Kiếm mà ta vẫn thường dùng. Nhưng đao kiếm là vật vô tình rất dễ gây sát thương. Ta chỉ dùng vỏ gươm để giao đấu với các ngươi, các ngươi hãy bảo trọng!
Nói xong, Trần Nguyên Hãn dùng vỏ gươm xông vào tấn công đám lực sĩ. Tuy chỉ là một cái vỏ gươm nhưng trong tay Trần Nguyên Hãn nó vẫn có một uy lực kinh hồn. Đám lực sĩ vô cùng kinh ngạc và thán phục vì lần đầu tiên họ được biết thế nào là sự lợi hại của Chương Dương Kiếm Pháp. Vỏ gươm của Hãn cứ như rồng bay phượng múa, khi ẩn khi hiện. Lúc thì Hãn ra chiêu chậm, tuy chậm nhưng ẩn chứa một sức mạnh dồn dập, cuồn cuộn như sóng nước tràn bờ; lúc thì ra chiêu thật nhanh như sấm giăng chớp giật, biến hóa khôn lường khiến đối phương không kịp phán đoán để có thể chống đỡ. Chưa đầy một khắc, bốn mươi thanh gươm của đám lực sĩ đã lần lượt bị Hãn đánh bay rơi hết xuống sông. Đám lực sỹ cùng quỳ xuống hô lớn:
- Trần tướng quân võ công phục chúng, đức phục nhân! Xin thề có trời đất làm chứng: Chúng tôi nguyện chết vì tướng quân!
Nữ thần Bạch Dương nhìn Trần Nguyên Hãn hỏi:
- Nước đã vào đầy thuyền, thuyền sắp chìm! Chàng dự định thế nào?
Trần Nguyên Hãn thở dài nói:
- Nếu ta tham sống sợ chết bỏ trốn, triều đình sẽ tiếp tục truy lùng khiến dân chúng nhiều người bị liên lụy. Lại thêm nước nhà cũng không yên vì triều đình nhà Minh chắc chắn sẽ không bỏ qua, luôn tìm mọi cách gây khó dễ. Biết đâu bọn chúng lại dựng chiêu bài cũ “Phò Trần” để có cớ đem quân sang nước ta lần nữa. Bọn chúng là nước lớn vẫn chưa nuốt trôi được cái nhục thua trận hai năm trước nên sẽ không từ bỏ một thủ đoạn nào. Dân nước Đại Việt đã khổ vì chiến tranh quá nhiều rồi. Nếu ta bỏ trốn, đó chỉ là hạ sách.
Nếu ta về Đông Kinh, với tội phản nghịch mà bọn gian thần gièm pha, ta sợ khó bảo tồn được mạng sống…
Một lực sĩ vội nói:
- Bọn mật sứ phương Bắc sẽ buộc Hoàng thượng trao cho Trần tướng quân ngôi vua!
Trần Nguyên Hãn cười lớn:
- Những lời đường mật ngươi cũng tin à? Đó chỉ là âm mưu thâm độc muốn gây chia rẽ nội bộ nước ta của triều đình nhà Minh. Khí số nhà Trần đã tận, thiên hạ bây giờ là của nhà Lê. Thật sự bọn người phương Bắc muốn chính tay Hoàng thượng giết ta. Bọn chúng muốn anh hùng giết anh hùng! Ta chết nhưng Hoàng thượng sẽ bị mang tiếng giết công thần, uy tín của triều đình sẽ bị giảm sút. Những thế lực thù địch trong nước, những bọn từ lâu có mưu đồ cát cứ ở các châu Thượng Lang, châu Thạch Lâm, châu Phục Lễ lại có cơ hội rục rịch nổi dậy chống triều đình. Vì vậy nếu về Đông Kinh để chịu chết, ta nghĩ đó cũng không phải là kế sách vẹn toàn.
Ngừng một chút, Trần Nguyên Hãn chậm rãi nói tiếp:
- Ta đã quyết định rồi: Cái chết của ta sẽ do tự ta quyết định. Để Hoàng thượng không phải khó xử, ta sẽ chết tại đây! Nhưng ta có một yêu cầu, hai vị phó tướng Trịnh Long và Trịnh Hổ phải nhanh chóng rời thuyền ngay để còn kịp về Đông Kinh.
Trịnh Long và Trịnh Hổ vội quỳ xuống:
- Anh em chúng tôi xin được chết cùng tướng quân…
- Nếu tất cả chúng ta cùng chết hết, ai sẽ báo tin cho triều đình cái chết của Trần Nguyên Hãn ta? Trong tất cả những người ở đây, chỉ có hai vị phó tướng là những người được Hoàng thượng tin cậy, cả hai cũng là cháu vợ của Hoàng thượng. Chỉ có lời nói của hai vị phó tướng mới khiến Hoàng thượng yên lòng, mới khiến triều đình không nghi kỵ. Xin hai vị phó tướng vì Trần Nguyên Hãn ta, vì an nguy của trăm họ dân nước Đại Việt mà rời thuyền ngay…
Trịnh Long và Trịnh Hổ cùng vái chào Trần Nguyên Hãn rồi nhảy xuống sông. Bơi hướng vào bờ được một quãng khá xa, cả hai cùng quay lại. Họ nhìn thấy nước đã vào tràn đầy thuyền, thuyền nghiêng đang bị chìm dần. Trên thuyền Trần Nguyên Hãn vẫn đứng oai nghiêm nhìn về hướng trang trại Sơn Đông, xung quanh là 40 lực sĩ khoanh tay đứng hầu. Bỗng nữ thần Bạch Dương quỳ phủ phục xuống trước mặt Trần Nguyên Hãn và nói lớn:
- Tiểu thần là Bạch Dương, vâng lệnh của Phật hoàng Trần Nhân Tông xin được đưa Trần Nguyên Hãn tướng quân về núi Yên Tử để diện kiến Phật hoàng…
(còn tiếp)
2016
Thanh Trắc Nguyễn Văn
Tượng đài Trần Nguyên Hãn |
NỮ THẦN DÊ TRẮNG (Phần 1)
NỮ THẦN DÊ TRẮNG (Phần 2)
NỮ THẦN DÊ TRẮNG (Phần 3)
NỮ THẦN DÊ TRẮNG (Phần 4 - Hết)
* Truyện đã đăng trên Tạp chí Văn Nghệ Hàm Luông liên tiếp các số 60 (tháng 7 năm 2017), số 61 - 62 (tháng 8 và 9 năm 2017), số 63 (tháng 10 năm 2017)
Ghi chú: ảnh minh họa sưu tầm từ internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét