Thứ Năm, 24 tháng 1, 2013

Bình bài thơ Người lái đò của Thanh Trắc Nguyễn Văn



CÁI CHẾT CỦA NGƯỜI LÁI ĐÒ LÀ ĐIỀU TẤT YẾU...

Về hưu, đáng lẽ sẽ là những tháng ngày thanh thản nhất của người thầy giáo già trong bài thơ. Nhưng không, ông về hưu mà lòng vẫn nặng trĩu vì những bất cập về chỉ tiêu, những tiêu cực cũ và mới về thi cử, những cái phi lý trái khoáy khi đánh giá về đạo đức và học tập của học trò, vẫn còn tồn tại trong ngành giáo dục. Một bi kịch, một nỗi đau đáu mà hầu hết những nhà giáo có tâm huyết với nghề vẫn phải thường mang theo trong những tháng năm dài đứng trên bục giảng.







Tác giả Thanh Trắc Nguyễn Văn đã tỏ ra rất khéo léo khi dẫn dắt người đọc vào “nút thắt” của bài thơ bằng những câu thơ ở cuối khổ một:

“Dòng sông chữ bây giờ không còn hiền hòa
Cứ chập chờn sóng dữ”

báo hiệu sẽ có những đợt sóng ngầm dữ dội đang sắp đến.

Truyền lửa cho học trò để học trò có lửa mà học tập là mơ ước của tất cả những người giáo viên chân chính. Nhưng lấy lửa ở đâu mới là điều quan trọng. Trong bài thơ các quan chức giáo dục cũng tỏ ra rất quan tâm đến điều này:

“Các quan chức giáo dục đứng trên gò cao
Thét gào
Hô hào
Hò hét
Hãy truyền lửa cho học sinh
Truyền trong từng tiết học!
Hãy truyền lửa cho học sinh
Truyền trong từng bài giảng!”

Nhưng tiếc thay họ lại quá quan liêu khi chỉ biết đứng “trên gò cao”, chỉ biết “thét gào, hò hét” ra lệnh suông mà thôi! Họ bảo các nhà giáo hãy truyền lửa cho học trò, nhưng bản thân họ cũng đâu có lửa để đưa cho các nhà giáo! Bi hài chính là ở chỗ đó! Thử hỏi các nhà giáo lấy lửa ở đâu ra, khi người giáo viên đồng lương còn quá thấp, ngoài việc dạy học còn phải lo toan trăm điều, trăm việc cho công cuộc mưu sinh? Lấy lửa ở đâu ra khi chương trình giảng dạy còn quá nặng nề, toàn là áp đặt và “nhồi sọ” học sinh? Đúng là lực bất tòng tâm!



Chưa hết những cơn “bão đen” như: những sát thủ tuổi teen, những băng cướp giật áo trắng, những clip sex học trò, những bạo lực học đường… luôn luôn diễn ra trên mọi thông tin hàng ngày của các loại báo viết, báo mạng, đài truyền thanh và đài truyền hình. Giáo dục đang xuống cấp trầm trọng, học đường đang bị cái xấu tấn công toàn diện, tấn công mọi lúc mọi nơi. Những câu thơ của tác giả Thanh Trắc Nguyễn Văn đã làm cho chúng ta phải cảm động đến rơi nước mắt, đã làm cho chúng ta phải đồng cảm vì sự lo lắng ưu tư đáng lẽ ra không phải có ở một Người Lái Đò tuổi đã về hưu:

“Thầy từng đêm vò đầu thức trắng
Lửa ở đâu?
Lửa ở đâu?”

Bài thơ cứ như một cuốn phim phóng sự, cứ đưa lên màn hình hết thước phim thời sự này lại đến thước phim thời sự khác. Ở khổ thơ thứ tư, tác giả Thanh Trắc Nguyễn Văn lại tỏ ra rất thành công khi đưa ra một câu chuyện hoàn toàn có thật đã từng xảy ra ở trường Đồi Ngô tỉnh Bắc Giang. Câu chuyện đau lòng là chỉ vì “căn bệnh thành tích” muốn đạt được tốt nghiệp 100% mà nhiều cán bộ coi thi đã cung cấp “phao” cho thí sinh! Thật không thể hiểu nổi và cũng thật không thể nào tin nổi: Những người giữ đền lại là những kẻ đốt đền! Các câu thơ lúc thì lạnh lùng như vết dao cứa, lúc thì lại nhẹ nhàng giễu cợt khiến người đọc vừa đau đớn xót xa, vừa buồn cười cho những cái trò dối trá đầy bi hài:

“Các bài giảng đạo đức bỗng rụt đầu xấu hổ
Các con số đậu 100% cứ lăn lộn mãi vì cười
Học trò nhìn nhau ngơ ngác
Lửa ở đâu?
Lửa ở đâu?”




Đoạn cuối bài thơ cũng là đỉnh cao nhất của bài thơ, cũng là lúc gỡ nút cho bài thơ. Người Lái Đò về hưu tuy sức tàn lực kiệt, tuy “con đò ngang đã rệu rã” vì thời gian, nhưng vẫn quyết tâm ra đi vượt biển tìm lửa! Ông không tìm lửa riêng cho bản thân mình mà là đi tìm lửa cho những lứa học sinh tương lai, những lứa học sinh mà sau này không phải là học trò ông trực tiếp giảng dạy. Người Lái Đò cao thượng, trong sáng bỗng trở thành vị thần Prométhée đi tìm lửa ở thế kỷ 21, là một hiệp sĩ Don Quixote trong thời đại giáo dục hiện nay. Và thật bi hùng, Người Lái Đò đã quyết chí lên đường và trở thành huyền thoại:

"Học trò về thăm bến sông xưa
Con đò ngang vắng bóng...
Có em nói thầy đã đi tìm lửa phương xa
Có em đoán thuyền thầy đang ra khơi vượt biển lớn
Có em vớt được những mảnh vỡ của thuyền
Khóc...






Cái chết của Người Lái Đò là điều tất yếu, là điều vô cùng hợp lý vì “một con đò ngang rệu rã” không thể nào vượt qua biển lớn được. Nhưng cũng chính nhờ sự hy sinh đó của ông lại thắp sáng lên một “ngọn lửa lương tri” khác khiến cho những ai còn quan tâm đến ngành giáo dục phải cúi đầu suy nghĩ!

“Huyền thoại người lái đò” là một bài thơ hay hiện thực nói chung và cũng là một bài thơ hay nói về nghề giáo nói riêng. Bài thơ là một hồi chuông báo động gióng lên cho mọi người hiểu và đồng cảm về những khó khăn còn tồn tại trong ngành giáo dục. Hình tượng bi tráng của Người Lái Đò trong bài thơ đã làm người đọc phải trăn trở, phải xúc động, giúp cho mọi người hiểu tường tận thêm những “tâm sự khó nói” của những người đang đứng trên bục giảng hiện nay.

Thành công của bài thơ có lẽ cũng còn phải kể đến một yếu tố quan trọng khác: tác giả Thanh Trắc Nguyễn Văn cũng là một nhà giáo thật ở ngoài đời! 


(Trang web văn học Đất Đứng ngày 23.12.2012)
 
Huỳnh Ngọc



------------------------------------------------------------------------



HUYỀN THOẠI NGƯỜI LÁI ĐÒ

Sáu mươi năm tuổi đời
Thầy về hưu với những giấc mơ bạc trắng
Con đò ngang rệu rã
Cùng bao lớp học trò đã lũ lượt qua sông
Có những ánh mắt thân thương
Cũng có những giọng cười bất nghĩa
Dòng sông chữ bây giờ không còn hiền hòa
Cứ chập chờn sóng dữ.


Các quan chức giáo dục đứng trên gò cao
Thét gào
Hô hào
Hò hét
Hãy truyền lửa cho học sinh
Truyền trong từng tiết học!
Hãy truyền lửa cho học sinh
Truyền trong từng bài giảng!
Nhưng lửa ở đâu?
Lửa ở đâu?

Lấp ló quanh trường
Hết bão đen rồi lại nước mắt
Lũ sát thủ tuổi teen
Những băng cướp áo trắng
Clip sex học trò
Bạo lực học đường...
Ngày ngày vây quanh
Ngày ngày gầm gừ
Ngày ngày rình rập
Thầy từng đêm vò đầu thức trắng
Lửa ở đâu?
Lửa ở đâu?

Người Lớn nói “có”:
- Dù có tiêu cực
Dù có ném “phao”

Dù có nâng điểm
Nhưng kết quả thi vẫn thành công tốt đẹp!
(nói "có" có nghĩa là "không"?)
Người Lớn nói “không”:
- Hãy nói không với bệnh thành tích
Hãy nói không với gian lận thi cử
Nhưng thi tốt nghiệp vẫn không được rớt nhiều!
(nói "không" cũng là "có"?)
Các bài giảng đạo đức bỗng rụt đầu xấu hổ
Các con số đậu 100% cứ lăn lộn mãi vì cười
Học trò nhìn nhau ngơ ngác
Lửa ở đâu?
Lửa ở đâu?

Học trò về thăm bến sông xưa
Con đò ngang vắng bóng...
Có em nói thầy đã đi tìm lửa phương xa
Có em đoán thuyền thầy đang ra khơi vượt biển lớn
Có em vớt được những mảnh vỡ của thuyền
Khóc...


2012
(Trang web văn học Hội Nhà Văn tp.HCM ngày 20.11.2012)
 

Thanh Trắc Nguyễn Văn



------------------------------------------------------------------------
Ghi chú: Ảnh thầy giáo Anh Lê (ảnh 4 - ngồi đọc sách uống nước), ảnh Thầy giáo Phạm Bảo Hòa (ảnh 5,6 và 7 - đeo ba lô, vẽ tranh, cổ đeo thẻ đỏ), ảnh thầy giáo Nguyễn Đông Thiên (ảnh 7 và 8 - áo trắng, cà vạt đen) và ảnh minh họa sưu tầm từ internet

11 nhận xét :

Nặc danh nói...

Thương thay Ông Lão lái đò
Đưa trò đưa trẻ vượt sông sang bờ
Người chèo lái mà tâm tư bị trói buộc
Bởi những chỉ tiêu những mệnh lệnh tối tăm
Lòng đau xót Người Lái đò chua xót
Các cấp trên mình không biết cách qua sông
Lời lớn lối và hàm hồ vô trí
Nghe lòng đau dù vẫn muốn đưa đò
Là số phận của riêng mình hay đất nước
Xin Ông đừng đau Ông vẹn tấm lòng .

Huynh Long nói...

Lực bất tòng tâm.

Thị Hòa Trần nói...

Nỗi buồn của người lái đò bao lứa hs . Có tâm nhưng bất lực !

Trần Thanh Tâm nói...

Bài bình thơ và bài thơ HUYỀN THOẠI NGƯỜI LÁI ĐÒ hay vô cùng bạn ơi.

Thai Thi Bich Ngoc nói...

Bài thơ rất hay ảnh rất đẹp like like
Chúc anh buổi chiều an vui hạnh phúc nhé

Trai Nguyen Dang nói...

bài thơ hay và nhức nhối! Chúc mừng Thanh Trắc Nguyễn Văn và người bình thơ đã thành công.

Hồng Cẩm nói...

Hay tuyệt vời có ý nghĩa, Chúc mừng tác giả thật nhiều niềm vui hạnh phúc nhé

Kim Phạm nói...

Thơ hay và lời bình rất sâu .
Thật thấm thía

Nam Phuong nói...

Bài thơ mang tính chất nhân văn
Tuyệt hay

Phạm Văn Đức nói...

Vũ trụ càn khôn bao hồn xác
Ra khỏi càn khôn khó lắm mà
Tìm về tri kỉ lưu tâm huyết
Kết bạn thâm tình mãi luyến lưu

Luan NguyenCong nói...

Chỉ thấm với kẻ có lương tri.
Có nghìa j đâu với loài tạp thực!