Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2020

Trao đổi với bạn thơ Sinh Phạm về thơ tự do



TRAO ĐỔI VỚI BẠN THƠ SINH PHẠM VỀ THƠ TỰ DO

Sinh Phạm: Thơ bạn Thanh Trắc Nguyễn Văn, dài tổng hợp được nhiều thứ... nhưng nếu nó vần hơn sẽ cuốn hút được nhiều bạn đọc hơn.


Thanh Trắc Nguyễn Văn: Anh Sinh Phạm là người viết thơ đường luật, tôi biết. Xin tự giới thiệu với anh ạ, tôi ngày xưa cũng đã từng sáng tác và cũng đã từng có nhiều bài thơ đường đăng trên các báo và các tạp chí có thơ đường, thậm chí còn đạt giải nhì thơ đường của một CLB thơ năm 1995.

Còn đây là thơ tự do chứ không phải thơ đường luật. Thơ đường luật lấy niêm, vần, thanh, đối, cảm xúc để viết. Thơ tự do lấy hình ảnh, nhịp điệu, ý tứ mới lạ để sáng tạo, để thăng hoa cảm xúc và gởi gắm thông điệp. Hai loại thơ thuộc hai thể loại khác nhau cũng giống như nhạc cải lương và nhạc mới.







GIAO HƯỞNG MÙA XUÂN

Mùa Xuân
Là mùa đất nước hoài thai
Cha Lạc Long Quân
Mẹ Âu Cơ sinh ra trăm trứng
Lang Liêu cúng bánh chưng, bánh dày để đất trời đời đời bền vững
Quả dưa hấu đỏ ngọt ngào
Mai An Tiêm thả
Nối lại gần những biển đảo xa…

Mùa Xuân
Là mùa Thánh Gióng kịp lớn lên
Cúi lạy Mẹ
Cúi lạy buôn làng
Cưỡi ngựa sắt dẫn toàn dân ra trận
Giặc dữ thành tro dưới ngọn lửa bừng bừng uất hận
Chiến thắng lại vỡ òa
Mỗi giọt máu màu hoa hồng 

Là một chiến công.

Mùa Xuân
Là mùa vua Lý Thái Tổ dời đô
Từng đàn chim Lạc lượn trên cao theo về miền đất mới
Vượt ghềnh thác
Vượt phong ba
Đoàn thuyền Đại Việt kiêu hùng cờ bay phất phới
Rồng vàng bay chào
Thăng Long hoa nở
Tổ quốc Vạn Mùa Xuân.

Mùa Xuân
Là mùa em hát Lý Chim Quyên
Cha mẹ đôi bên chọn ngày dâng lễ
Trái cau, lá trầu
Nên dâu, thành rể
Em tay cấy
Anh tay trồng
Vợ theo chồng
Đồng lòng hẹn tát Biển Đông.

Mùa Xuân
Là mùa cát sỏi cũng trổ hoa
Giọt mồ hôi thấm đá
Con kênh xưa đào nay đã thành sông lớn
Ghe tàu tấp nập
Quê hương mình sẽ còn đẹp hơn thế!...
Những tâm hồn Việt dù đi khắp năm châu bốn bể
Phút giao thừa bên nhau
Nôn nao
Lặng lẽ
Kìa cánh hoa nào giọt sương vừa lung linh gọi khẽ:
- Việt Nam ơi, Mùa Xuân…

2019
(Báo Xuân Bà Rịa - Vũng Tàu 2020)

Thanh Trắc Nguyễn Văn




Còn anh Sinh Phạm bảo thơ tôi không có vần là không chính xác. Thơ tự do không cần vần nhưng thơ tự do Thanh Trắc Nguyễn Văn vẫn có vần. Trong bài thơ này tôi vẫn gieo vần để tạo hiệu ứng cho câu thơ được mềm hơn, nhưng tôi cố ý che giấu để vần bị ẩn. Thơ tự do tôi vẫn gieo vần, đó cũng là thói quen tôi học được từ tinh hoa của thơ đường.

Anh Sinh Phạm xem lại nhé:


Khổ thơ 1: câu cuối 4 và 5
"Mẹ Âu Cơ sinh ra trăm trứng
Lang Liêu cúng bánh chưng, bánh dày để đất trời đời đời bền vững"


Khổ thơ 2: câu cuối 5, 6, 8 và 9
"Cưỡi ngựa sắt dẫn toàn dân ra trận
Giặc dữ thành tro dưới ngọn lửa bừng bừng uất hận"


"Mỗi giọt máu màu hoa hồng
Là một chiến công"


Khổ thơ 3: câu cuối 3 và 6
"Từng đàn chim Lạc lượn trên cao theo về miền đất mới
Vượt ghềnh thác
Vượt phong ba
Đoàn thuyền Đại Việt kiêu hùng cờ bay phất phới"




Khổ thơ 4: câu cuối 3, 5, 7, 8 và 9
"Cha mẹ đôi bên chọn ngày dâng lễ
Trái cau, lá trầu
Nên dâu, thành rể
Em tay cấy
Anh tay trồng
Vợ theo chồng
Đồng lòng hẹn tát Biển Đông"


Khổ thơ 5: câu cuối 6, 7, 8, 9, 10 và 11
"Quê hương mình sẽ còn đẹp hơn thế!...
Những tâm hồn Việt dù đi khắp năm châu bốn bể

Phút giao thừa bên nhau
Nôn nao
Lặng lẽ

Kìa cánh hoa nào giọt sương vừa lung linh gọi khẽ:"



Riêng trong khổ thơ 1 và 4 có nhiều câu thơ có vần ở giữa câu (yêu vận) và điệp vận để tạo hiệu ứng:

"Lang Liêu cúng bánh chưng, bánh dày để đất trời đời đời bền vững"

"Trái cau, lá trầu
Nên dâu, thành rễ"

"Anh tay trồng
Vợ theo chồng
Đồng lòng hẹn tát Biển Đông"

Thậm chí có cả tiểu đối trong câu thơ:
"Nên dâu, thành rễ"

Vài dòng trao đổi để anh Sinh Phạm hiểu được hơn về bút pháp thơ tự do của Thanh Trắc Nguyễn Văn. Chúc anh Sinh Phạm có thêm nhiều bài sáng tác hay về thơ đường luật.




Xuan Hoang: Theo tôi anh Sinh Pham nếu chưa am hiểu được về luật thơ tự do thì đừng nên vội đi góp ý thơ của người khác. Tôi đã thử đọc thơ đường của anh Sinh Pham làm. Nhìn chung thơ anh không hay, thơ anh Sinh Pham không hay là do cứ lo gọt giũa từng câu chữ một nên thơ của anh không có ý và tứ, đôi lúc có nhiều câu thơ tối nghĩa vì bị ép vận và ép đối. Người xưa bảo thơ phải phóng khoáng mới hay, còn thơ của anh Sinh Pham cứ bị tù túng trong khuôn khổ nên thơ không hay được...

2020

Thanh Trắc Nguyễn Văn (ghi chép)



--------------------------------------------------
Ghi chú: ảnh cô giáo Hương Trà minh họa sưu tầm từ internet

Không có nhận xét nào :