Chủ Nhật, 13 tháng 12, 2015

Ngẫm và nghĩ 0121

Cảnh đẹp trên sông


LẠI CHUYỆN TÍN NGƯỠNG VÀ MÊ TÍN

Tín ngưỡng và mê tín có một khoảng cách vô cùng mong manh.

Khi người ta tin vào một thứ gì đó nằm ngoài những qui luật tự nhiên, có thể chi phối hay sắp đặt sự vận hành của thế giới, tức là dù ít hay nhiều người ta đã mê tín. Như vậy, trên thực tế, nếu xét một cách không đến nỗi khắt khe đi nữa, thì khi một ai đó tin vào một "đấng toàn năng", họ chỉ không mê tín khi đặt đấng toàn năng đó nằm ngoài các qui luật vận hành của thế giới. "Đấng" đó không thể cho ai cái gì, không thể trừng phạt ai và cũng chẳng thể dạy dỗ ai điều gì hết. Nói cách khác, (những) vị đó chỉ là những khái niệm tinh thần thuần túy. Tôi cũng từng trao đổi về ý này trước đây, khi nói rằng những người làm khoa học như tôi không hề khẳng định việc đấng sáng tạo có tồn tại hay không, chúng tôi chỉ nói rằng nếu có tồn tại thì "ông ta" cũng giống như một tay lập trình game, và chúng ta cứ việc tuân theo những qui tắc của trò chơi mà hàng ngày chúng ta gọi là những định luật vật lý, không cần thờ cúng nhà lập trình làm gì cả.

Tuy vậy, sự phát triển của xã hội không thể không đi kèm theo sự phát triển của văn hóa, mà một bộ phận không thể phủ nhận là văn hóa tinh thần. Mọi người đều ít nhất một lần trong đời muốn làm điều gì đó không tưởng, thậm chí trở thành ai đó đặc biệt hơn người khác (hay ít ra là hơn chính mình của hiện tại). Mong muốn đó kích thích trí tưởng tượng. Tất nhiên, nhờ trí tưởng tượng dạng đó mà chúng ta mới có bao nhiêu tác phẩm giả tưởng tuyệt vời để thưởng thức - và trẻ con thời của tôi thì chẳng thằng nhóc nào không từng mơ ước mình là Son Goku hay Batman cả. Còn khi trí tưởng tượng đi xa hơn nữa thì họ sáng tạo ra những đáng toàn năng với những giáo huấn phức tạp hơn và biến toàn bộ hệ thống đó thành một tôn giáo.


Hoa đẹp



Hoa đẹp


Trên thực tế, chẳng ai (kể cả những người có niềm tin tôn giáo mãnh liệt nhất) có thể phủ nhận được cái đáng kể nhất mà tôn giáo mang đến cho tinh thần của họ là sự an ủi về... cái chết.

Ai cũng phải chết. Và vì thế, về cơ bản, dù nhiều hay ít, dù dưới dạng thức nào, ai cũng sợ chết. Dù cố gắng tới đâu, con người không thể thoát khỏi qui luật đó. Và vì không thể thoát được về mặt thực chất, người ta tìm cách giải thoát bằng tinh thần. Mọi tôn giáo đều nhắc tới cái chết. Và dưới hình thức nào đi nữa, thì sự sống sau khi chết luôn tồn tại ở mọi tôn giáo. Rõ ràng, cái sự sống đó thú vị tới đâu thì chưa bàn, nhưng tối thiểu thì nó có vẻ đỡ đáng sợ hơn cái chết. Tin vào hoặc tìm kiếm niềm tin vào sự sống sau khi chết, trên thực tế, chính là một biểu hiện của sợ chết.

Sự thật là, nếu không có mô tả và những lời hứa hẹn về sự sống sau khi chết, thì bất cứ tôn giáo nào cũng chẳng dụ được ai. Tất nhiên, sau khi đã theo đuổi và đọc thêm nhiều giáo lý nữa, thì những người đó sẽ cãi rằng họ chọn theo đạo này vì vẻ đẹp nhân văn này, đạo kia vì nhân sinh quan nọ,...

(Tất nhiên, còn một sự thật khác là chẳng có ai từng chết rồi trở về đề chứng minh rằng có sự sống sau khi chết.)

Ta cứ bàn tới đó đã. Tạm chưa bàn sâu thêm. Theo tôi - một người vô thần - thì những niềm tin đó về cơ bản có thể... chấp nhận được. Điều đó có nghĩa là nếu ai đó tin rằng sau khi chết họ sẽ lên thiên đường, hay sẽ có 72 trinh nữ đợi bên kia thế giới nếu tử vì đạo gì gì đó, thì tôi cũng thấy thoải mái thôi (miễn sao đừng có tử vì đạo bằng cách ôm bom nổ đầu phố nhà tôi). Hãy cứ coi như đó là một niềm tin tinh thần. Ngay cả tôi đôi khi cũng tự thuyết phục thành công rằng mình bất tử, để tạo động lực tinh thần mà làm việc.

Vậy nên, tôi thường không coi những người theo một tôn giáo nào đó một cách "bình thường" là mê tín.

VẬY MÊ TÍN THỰC SỰ LÀ GÌ?

Mê tín trong xã hội hiện đại là những niềm tin vô điều kiện tới mức mù quáng. Đó là khi người ta tin rằng (những) đấng toàn năng có thể can thiệp vào cuộc sống của con người, có thể thay đổi thiên nhiên. Đó là khi người ta "giả vờ làm việc tốt" để mong có "kiếp sau" tốt đẹp. Và hiển nhiên, đó còn là khi người ta tin rằng vứt bỏ, phủ nhận chính thành quả tiến bộ của văn minh loài người hàng nghìn năm qua thì là chân lý và sáng suốt.

Có vị bảo tôi rằng khoa học luôn bế tắc nên phải tìm tới cửa Phật để nhìn thấy những chân lý xa hơn.
Tôi hỏi những chân lý đó là gì, có bằng chứng không? Họ nói tôi phải tin chứ sao lại hỏi bằng chứng. Tôi nói rằng vậy tôi xin kiếu. Khoa học thì không cần ai tin cả, khoa học đưa cho bạn bằng chứng về mọi thứ.

Tôi lại hỏi rằng khi ngã gãy xương, khi ốm đau các nhà sư có đi viện hoặc tối thiểu là đi mua thuốc không, hay chỉ cần tụng kinh là mọi bệnh tật qua hết? Không vị nào cho tôi câu trả lời thỏa đáng.

Có lần một vị khác nói với tôi rằng tôi có cuộc sống như hôm nay là do Chúa ban cho nên tôi cần tới nhà thờ để tri ân Chúa.
Tôi hỏi rằng thế Chúa (nếu có) có công bằng với những đứa con của mình không, vị ấy bảo chắc chắn là có. Tôi trả lời rằng nếu vậy tôi chẳng cần tới nhà thờ làm gì. Nếu mỗi người đều được cho một cuộc sống, tôi sẽ sống cuộc sống của mình chứ cần gì xin xỏ thêm.

Thay cho lời kết (chứ không phải lời kết)

MÊ TÍN TRONG TÔN GIÁO CŨNG GIỐNG NHƯ SỰ NGU DỐT. AI CŨNG BIẾT NÓ TỒN TẠI, NHƯNG TRONG CHÍNH BẢN THÂN MÌNH CÓ ĐANG CÓ NÓ KHÔNG THÌ NGƯỜI TA THƯỜNG KHÔNG TỰ NHẬN THẤY.

Ngày 20/01/2020

Đặng Vũ Tuấn Sơn


Hoa đẹp


--------------------------------------------------
Ghi chú: ảnh minh họa sưu tầm từ internet

Không có nhận xét nào :