Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2016
Trang Góc Nhỏ Văn Thơ - Hàn ôn
HÀN ÔN
Những ngày đầu năm, bạn đã tranh thủ hàn huyên với người bạn nào chưa?
Hay có khi, lòng ta chất chứa nhiều tâm tình, nhưng "...lấy ai mà kể nỗi hàn ôn?" (Bà Huyện Thanh Quan)
"Hàn ôn" hay "Hàn huyên" trong tiếng Việt đều có cùng nghĩa "Thăm hỏi, trò chuyện tâm tình khi gặp lại nhau sau một thời gian xa cách" (Từ điển tiếng Việt viện ngôn ngữ học).
"Hàn" (寒) có nghĩa là lạnh, còn "ôn" và "huyên" đều có nghĩa ấm áp. Chữ "Huyên" (暄) viết bằng bộ Nhật 日 là ấm áp của ánh nắng mặt trời chiếu vào. Trong khi đó, hâm nóng vật lạnh mà làm cho nong nóng gọi là "Ôn" (溫) bộ Thủy 水.
Do đó, Hàn Huyên được ví như lúc mặt trời ấm áp, chủ khách gặp nhau sau mùa đông giá lạnh mà thăm hỏi nhau. Còn Hàn Ôn giống như việc thủ thỉ tâm tình, nói chuyệm phiếm về khí hậu lạnh ấm thế nào. Tất nhiên cũng có nhiều cách lý giải khác, nhưng tựu trung đều xoay quanh "lạnh" - "ấm".
Trong bài "Động Hoàng Hôn", Quách Tấn đã kết hợp hàn ôn và chén trà để vẽ nên bức tranh thực sống động:
"Hương trà chưa cạn chén hàn ôn
Thuyền đã buông theo tiếng sóng dồn"
Nhị Độ Mai viết: "Tiệc rồi giãi chuyện hàn ôn, Gấm chen vẻ quý, rượu ngon giọng tình"
Trong tiếng Hán còn có chữ "Huyên lương" (Chữ 涼 nghĩa là mát mẽ) cũng có chung nghĩa này, nhưng không dùng trong tiếng Việt.
Vậy bạn đã biết "Hàn huyên" / "Hàn ôn" là gì, cớ sao không nhân mùa giá rét của dịp cuối đông đầu xuân, bắt điện thoại lên, gửi vội một tin nhắn, tìm lại một gương mặt thân quen, hẹn ra chốn cũ mà "ôn" lại chuyện xưa? Thật hạnh phúc thay, khi ta vẫn còn ai đó ngồi cùng, dù khi lạnh lẽo hay nắng ấm, để tâm tình thủ thỉ.
À, sẵn tiện, chữ "ôn" trong "ôn lại chuyện xưa" cũng xuất phát từ "ôn - ấm áp đấy". Chẳng phải chúng ta đang "hâm nóng" lại một đoạn ký ức đã nguội hay sao?
(Góc Nhỏ Văn Thơ)
--------------------------------------------------
Ghi chú: ảnh Đạt Photographer (ảnh 2, 3 và 4) và ảnh minh họa sưu tầm từ internet
Nhãn:
Ban tron van nghe
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét