Thứ Tư, 18 tháng 7, 2018

Trang Góc Nhỏ Văn Thơ - Tiếng ái ân - Phạm Huy Thông

Góc Nhỏ Văn Thơ


TIẾNG ÁI ÂN - PHẠM HUY THÔNG

Tặng Nguyễn Nhược Pháp

Lời thiếu nữ:

Em không muốn mơ màng trong cảnh mộng,
Nhìn trăng lên sương tỏa với mây trôi,
Nghe đàn chiều nơi đầu dây trầm bổng
Vẳng đưa sang theo hơi gió xa xôi.

Em không muốn du chân bên hồ vắng
Ngắm vừng ô xa phai ánh dần dần.
Em không muốn trông hoàng hôn yên lặng,
Lặng ngồi nghe như vang tiếng ái ân...

Vì, than ôi, tiếng ái ân đằm thắm
Chỉ chờ khi em thơ thẩn bên rèm,
Ngắm mây vẩn trên không gian thăm thẳm,
Là êm đềm réo rắt bên tai em!

Em sợ nghe, khi chiều tàn đêm hết
Vẳng bên tai tiếng gọi của ái ân,
Là vì rằng lòng yêu đương tha thiết
Em đã trao tất cả cho tình quân.

Em đã thiết tha trao, tình quân hỡi!
Lòng yêu đương tha thiết trong tay ai
Mà vì đâu bao ngày em mong đợi,
Luyến phòng văn, ai nỡ lặng yên hoài...

Em quyết không bao giờ thèm tưởng tới
Kẻ khi xưa em mong đợi ngày đêm
Và bao phen lòng kiêu căng sôi nổi,
Em bắt lòng khinh kẻ đã khinh em!

Nhưng, luôn luôn, tiếng đàn chiều van vỉ,
Sương lam tan, mây thắm, liễu yêu kiều
Như khuyên em chớ vì ai bỏ phí
Ngày xuân xanh, nhan sắc với tình yêu.

Muôn ngày xưa trong ngày xuân rực rỡ
Em cố yêu kẻ khác... nhưng than ôi!
Không bao giờ em yêu ai được nữa;
Không bao giờ được nữa, tình quân ôi!

Cho nên đã bao ngày, em không muốn
Nhìn liễu xanh mơn trớn nước rung rinh,
Nhìn mây êm nơi xa xa nhẹ cuốn
Như mang qua tiếng gọi của ái tình.


Photo by Hangkao



Photo by Hangkao


Phạm Huy Thông (1916–1988) là nhà thơ, nhà giáo, và nhà khoa học xã hội Việt Nam. Mới 16 tuổi ông đã nổi tiếng tiên phong của phong trào Thơ mới, điển hình là bài Tiếng địch sông Ô. Song thơ ca không phải là niềm đam mê duy nhất.

Theo GS Phan Huy Lê, Phạm Huy Thông là một nhà trí thức uyên bác và tài hoa trên nhiều lĩnh vực, từ thi ca đến luật học, sử học, khảo cổ học, nhưng hình như niềm đam mê suốt đời của ông là lịch sử và chất sử thấm vào ông trên tất cả các sáng tác, nghiên cứu và hoạt động xã hội.


Photo by Hangkao


Phạm Huy Thông từng là hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (1956-1966), Viện trưởng Viện Khảo cổ học (1967-1988), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại biểu Quốc hội khóa II, III, được bầu Viện sĩ nước ngoài Viện hàn lâm Khoa học Cộng hoà Dân chủ Đức vào năm 1987.

(Góc Nhỏ Văn Thơ)


Photo by Hangkao


--------------------------------------------------
Ghi chú: ảnh Photo by Hangkao và ảnh minh họa sưu tầm từ internet

Không có nhận xét nào :