Thứ Hai, 8 tháng 10, 2018

Trang Góc Nhỏ Văn Thơ - Yêu vận

Góc nhỏ văn thơ


YÊU VẬN

Vần lưng, còn gọi là yêu vận. Là vần được gieo vào giữa dòng thơ.

  Tôi lại về quê mẹ nuôi xưa
  Một buổi trưa nắng dài bãi cát
  (Tố Hữu, Mẹ Tơm)

Vần lưng là một hiện tượng đặc biệt của vần luật Việt Nam, tạo nên tính chất giàu nhạc điệu của tiếng Việt và câu thơ Việt Nam. Ta thường thấy vần lưng ở cách gieo vần 2 dòng của thể thơ lục bát (tiếng cuối dòng trên hiệp vần với tiếng thứ sáu dòng dưới) hay song thất lục bát.

  Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
  Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?
  (Nguyễn Bính, Tương tư)


Photo by Nguyễn Đình Tròn



Photo by Nguyễn Đình Tròn


Sau này trong thơ mới, các nhà thơ cũng ưa chuộng dùng vần lưng trong các thể thơ khác của mình:

  Sao em không nghe
  Bao lời van vỉ
  Của nguyệt đêm hè,
  Bao lời uỷ mị
  Của thời tươi xanh.
  (Xuân Diệu, Tiếng không lời)


Photo by Nguyễn Đình Tròn

Photo by Nguyễn Đình Tròn


Ngoài ra còn một cách nhìn khác nữa về gieo vần lưng, ít gặp hơn, là gieo trong cùng một câu thơ. Theo Phan Cự Đệ "Những vầng lưng níu nhau trực tiếp trong từng câu thơ gợi lên những âm điệu đặc biệt, tăng sức gợi cảm cho tứ thơ".

  Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang,
  Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng
hay
  Đêm đêm trời nhạt vơi sao,
  Sông Ngân dòng bạc cũng hao bóng vàng.

Cách nhìn này khá giống với thuật ngữ "vần trong" được Phan Ngọc dùng khi tìm hiểu về phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều:

  Chén hà sánh giọng quỳnh tương  
  Dải là hương lộn bình gương bóng lồng

(Góc Nhỏ Văn Thơ)


Photo by Nguyễn Đình Tròn



--------------------------------------------------
Ghi chú: ảnh Photo by Nguyễn Đình Tròn và ảnh minh họa sưu tầm từ internet

Không có nhận xét nào :