Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2018

Trang Góc Nhỏ Văn Thơ - Lai cảo

Góc Nhỏ Văn Thơ


LAI CẢO VÀ DUYÊN VỚI VĂN CHƯƠNG

Lai cảo (來稿) dùng để chỉ "Bản thảo, cảo kiện gởi đến cơ quan báo chí, nhà xuất bản." (Hán Việt từ điển trích dẫn). Từ điển Nguyễn Lân định nghĩa là "bài của người ngoài toà soạn gửi đến để đăng báo"

Lai (來) nghĩa là "đến". Ta hay nói câu "phước bất trùng lai, họa vô đơn chí" nghĩa là "phước thì không đến cùng lúc, mà họa thì không đến một lần". Đây cũng là chữ "lai" trong "lai vãng, lai lịch..."

Cảo (稿) nghĩa là "bản thảo". Chữ này còn có nghĩa là rơm, rạ... Sau này người ta dùng "cảo" để chỉ chung sách vở, văn chương, sáng tác. Vậy nên mở đầu Truyện Kiều, Nguyễn Du có viết:

"Cảo thơm lần giở trước đèn
Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh"


Photo by Quang Tuyên



Photo by Quang Tuyên


"Cảo thơm" (Phương cảo) là pho sách thơm, tức ám chỉ là pho sách hay.
Như vậy, lai cảo là chỉ chung cho những "văn bản" được gửi "đến" tòa soạn với mong muốn được đăng tải. Hẳn nhiên không phải lai cảo nào cũng được chọn đăng. Nhà báo Trần Đình Ba viết trong bài "Nhật trình kể chuyện: Muôn kiểu cộng tác báo chí":

“...Những bài không nhuận bút là bài lai cảo. Từ những bài lai cảo, nhiều người đã bước chân vào làng báo và nên danh. Làm biên tập viên cho Đông Tây tuần báo, Anh Thơ đã được đọc bài lai cảo của Mộng Tuyết, Hoài Thanh… “Cách đây từ 40 năm, Lãng Nhân đã tìm thấy Vũ Bằng trong một bài lai cảo gửi cho báo Đông Tây và được đăng ở mục Bút Mới”, Tạ Tỵ đã chia sẻ như thế trong sách Mười khuôn mặt văn nghệ."

Trong hồi ký “Bốn mươi năm nói láo” của Vũ Bằng và tập sách “Mười bốn gương mặt nhà văn đồng nghiệp”, Vũ Bằng đã thuật lại lần tình cờ tìm từ đống bài lai cảo mà phát hiện truyện ngắn hay của Nam Cao, trở thành chùm truyện đầu tiên để Nam Cao xuất hiện trên văn đàn. Lúc ấy, Vũ Bằng chưa gặp, chưa biết Nam Cao là ai… Nếu không phải ông vô tình rút được từ "chồng lai cảo chất đống" ấy mà đọc, thì không biết phận văn Nam Cao đã thay đổi thế nào.

"...Thành thử người ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy có những truyện hay lại bị nằm yên một xó để hứng bụi thời gian”

Đạo diễn Nguyễn Đình Nghi - con trai nhà thơ Thế Lữ, kể lại: " Ông bố tôi kể: Lúc soạn các bài lai cảo tới báo, có những bài bố tôi đã loại ra, Nhất Linh còn lấy đăng lại. Sau kiểm tra lại thì thấy bạn đọc thích những bài được lấy lại đó thực."

Vậy mới hay, lai cảo đến mà có lên mặt báo hay không, ấy là cái duyên với văn chương, báo chí, không thể đoán định được.

(Góc Nhỏ Văn Thơ)


Photo by Quang Tuyên



--------------------------------------------------
Ghi chú: ảnh Photo by Quang Tuyên và ảnh minh họa sưu tầm từ internet

Không có nhận xét nào :