Thứ Hai, 1 tháng 8, 2011
Trao đổi: Đặc điểm giọng điệu thơ Việt Nam đổi mới
ĐẶC ĐIỂM GIỌNG ĐIỆU THƠ VIỆT NAM ĐỔI MỚI
Giọng điệu là một hiện tượng nghệ thuật, là phương tiện biểu hiện quan trọng của chủ thể sáng tạo đồng thời còn là một biểu hiện của thi pháp trong những thời đại thi ca nhất định.
Những giọng điệu chung của thơ Cách mạng trước 1975 là tiếng nói hào sảng của thời đại cách mạng, là tiếng nói tha thiết yêu thương, là giọng ru êm ái, ngọt ngào... Những giọng điệu này phần nào đó vẫn được tiếp tục trong những năm sau 1975. Ví dụ giọng điệu tha thiết, tự hào về quê hương, đất nước:
Hương Giang ơi dòng sông êm
Qua tim ta vẫn ngày đêm tự tình.
Vẫn là duyên đấy quê anh
Gió mây tan lại trong lành mặt gương.
(Bài ca quê hương- Tố Hữu)
Nhưng lịch sử đã sang trang, thế giới tâm hồn và cái nhìn nghệ thuật của nhà thơ đối với cuộc sống cũng đã thay đổi. Những giọng điệu thơ phổ biến trước đây đã không còn phù hợp. Xuất hiện những giọng điệu mới trong thơ.
Sự biến đổi dễ thấy nhất của thơ hiện nay so với thơ trước 1975 là sự đa dạng về giọng điệu Thơ không còn khuôn vào một số giọng điệu chung như: trữ tình tha thiết, quyền uy hoặc chính luận, hào sảng như trước1975. Tư thế trữ tình của cái tôi hôm nay là tư thế một người bình thường tự nói với mình và tâm sự với mọi người về cảm xúc cá nhân, về những vấn đề nhân sinh, thế sự. Giọng thơ trở nên trầm lắng: “Giọng cao bao nhiêu năm giờ anh hát giọng trầm” (Chế Lan Viên). Mặt khác cuộc sống được cảm nhận nhiều chiều với những quan niệm thẩm mỹ khác nhau. Tất cả những điều ấy tạo nên sự đa dạng về giọng điệu.
Nổi bật lên trong thơ sau 1975 là giọng điệu cảm thương, đặc biệt là khi nói về những người thân trong gia đình. Số phận của những người bà, người cha, người mẹ, người chị… đầy những vất vả, hy sinh nhưng ở họ thật giàu phẩm chất nhân ái:
Nghĩ mà thương lắm chị dâu
Chiều mưa gạo hết, mẹ đau cuối giường.
Em ngồi đôi mắt nhoà sương
Nón tơi, cắp rá ngang vườn chị đi
Chiều ơi mưa mãi làm gì
Hoàng hôn đừng xuống trước khi chị về.
(Chị dâu- Vương Trọng)
Thơ trở nên giàu cảm thông hơn với những kiếp người không may mắn, những người vô gia cư, lang thang, không nơi nương tựa:
Tạnh ráo đã đành, lúc bão mưa
Gió hanh, gió chướng, gió chuyển mùa
Trẻ khi phong giật, già trở bệnh
Giỗ tết đặt đâu bát hương thờ
(Nửa đêm chợt thức- Nguyễn Thái Sơn)
Trầm tư triết lý cũng là một chất giọng chủ yếu của thơ sau 1975. Chất giọng này không đơn giản là xuất phát từ cảm hứng “nửa đời nhìn lại” của các tác giả lớn tuổi mà là từ sự từng trải của cả một thời đại. Có thể thấy trong đoạn thơ sau đây của Chế Lan Viên đặc điểm tinh thần của thời chúng ta đang sống:
Tôi cùng thế kỷ này già như nhau. Tôi chết trước
Thế kỷ chết rồi đẻ ra thế kỷ non hơn, XXI
Cầu cho đừng như thế kỷ này thơ ít mà nhiều bom
Cầu cho đừng khôn vặt như thế kỷ này
Để nuôi sống xác thân đem làm thịt linh hồn.
(Đoạn cuối thế kỷ)
Giọng thơ trở nên thâm trầm, vươn tới sự minh triết của con người đã trải qua nhiều biến động, nhiều ngộ nhận. Sự việc, hiện tượng được nhìn từ nhiều phía, biện chứng, khách quan hơn. Có những bài thơ đậm tính chất triết học:
Quá khứ
như chùm quả già vỏ cứng
rụng xuống thập kỷ 90
tung toé, vỡ tan
Có kẻ hoang mang:
- Mất cả rồi
Có kẻ
lặng lẽ cười:
- Còn hạt đó thôi !
(Quả vỡ - Đỗ Văn Tri)
Những tư tưởng triết lý trong thơ trước 1975 thường là được hình thành từ ý thức xã hội. Triết lý trong thơ hôm nay chắt lọc từ chính kinh nghiệm sống của nhà thơ. Triết lý mà thấm đẫm cảm xúc, đạt tới độ sâu sắc, trải đời:
Nhắc làm chi chuyện hoa niên
Bây giờ mình đã hết duyên về già
Cảm ơn anh lại chơi nhà
Nhưng quên nhau mới thực là tương tri.
(Hôm qua - Hoàng Như Mai)
Một trong những đặc điểm giọng điệu của thơ trước 1975 là trữ tình tha thiết. Nhiều nhà thơ không muốn ở mãi trong từ trường cảm xúc đó đã tìm đến giọng tự sự khách quan cho phù hợp với đặc điểm duy lý của con người hôm nay. Nhiều bài thơ chỉ đơn thuần dựng lên một mảng sự sống với ngôn ngữ kể:
Bình minh
Chim sơn ca cất cao tiếng hót
Cành lá biếc rung rinh
Người đi săn giương súng lên rình
Mà không hay biết
Chim sơn ca vẫn hót
Cho cả số phận mình.
(Chim sơn ca- Nguyễn Hoa)
Phía sau giọng điệu tự sự khách quan này là nỗi buồn đau trước sự vô ý thức của con người.
Do hệ quả của việc nhận thức lại những vấn đề chính trị, xã hội, đạo đức, lối sống… đã xuất hiện trong thơ giọng mỉa mai, đôi lúc bị đẩy đến cay đắng:"Vâng đã có một thời hùng vĩ lắm !"(Nhìn từ xa tổ quốc- Nguyễn Duy)
Bên cạnh đó là giọng đối thoại ý thức. Nó thể hiện sự hiểu biết, từng trải của con người đương đại, không muốn tin vào những triết lý giản đơn:
-“Một sự nhịn là chín sự lành”
Dạ thưa thầy, con đã nhịn đến quên mình
Sao sự lành hiếm thế !
(Dạ thưa thầy- Võ Thanh An)
Thơ trữ tình sau 1975 còn có chất giọng hài hước. Hài hước để quên đi cay đắng, để giã từ quá khứ một cách vui vẻ. Có khi đó là lời tự diễu cợt. Nó cho thấy nhà thơ đã hóa giải mọi ảo tưởng trong cuộc sống, thậm chí cả ảo tưởng về sứ mệnh lớn lao trong công việc làm thơ của mình:
Con ơi cha mắc bệnh thơ
Ú a ú ớ ù ờ kinh niên
(Nguyễn Duy)
Lại có khi vẻ ngoài của lời thơ là hài hước nhưng bên trong là nỗi niềm chan chứa yêu thương:
Mâm dọn ra chồng con như khách
Chỗ em ngồi mấy phía nồi niêu
Vừa xong bữa cả nhà đi sạch
Hoa hậu cùng mâm bát nhìn theo
(Hoa hậu của nhà- Vương Trọng)
Từ những điều trông thấy bất như ý về những giá trị tinh thần bị mai một trước sự lên ngôi của đồng tiền và lối sống duy lợi đã xuất hiện giọng thơ cay đắng:
- Vị trí nhà thơ như rác đổ thùng.
(Chế Lan Viên)
- Sách vở giờ đây như giẻ chùi nồi
(Lê Minh Quốc)
Thậm chí còn có cả giọng điệu khinh bạc:
Giữa phố xá đông vui thèm một tiếng người
(Nguyễn Đỗ)
Về giọng điệu chung có thể thấy hai xu hướng cùng tồn tại trái chiều nhau trong thơ đương đại. Một phía tìm về các thể thơ truyền thống, đặc biệt là lục bát để cố giữ giọng điệu mượt mà. Một phía khác lại tiếp tục xu hướng “nói hoá” được mở ra từ Thơ mới 1932-1945 và xu hướng này dường như đang thống trị trong thơ.
Xưa tôi hát mà bây giờ tôi tập nói
Chỉ nói thôi mới nói hết được đời
(Chế Lan Viên)
Câu thơ kể, nói, dãi bày trực tiếp chiếm ưu thế đã phá vỡ chất ru ngọt ngào, trang trọng tiến tới một giọng điệu lý trí, tỉnh táo để nói về cuộc sống rất văn xuôi hôm nay. Một số nhà nghiên cứu đã lý giải đúng đắn rằng sự mượt mà du dương của những lời thơ trong chiến tranh chứng tỏ một bản lĩnh, một sự sống mãnh liệt, bền bỉ, dẻo dai. Còn đời sống ồn ào sôi động, phức tạp ngày hôm nay lại quy định giọng thơ trục trặc, gân guốc. Thơ đương đại ít còn bị ràng buộc bởi cái nên thơ trong cách diễn đạt. Loại câu thơ nói thẳng ý được chấp nhận có lẽ là do tâm lý đi nhanh đến hiệu quả của đời sống hiện đại. Nhà thơ sẵn sàng bỏ qua liên kết vần. Các câu thơ thường chỉ liên kết với nhau về ý. Mục đích truyền cảm của thơ lãng mạn và thơ Cách mạng hướng tác giả đến việc viết những câu thơ du dương về nhạc điệu mà liên kết vần là cách có hiệu quả nhất để dễ nhớ, dễ thuộc. Giờ đây người ta dường như không còn nghe thơ mà chủ yếu đọc thơ trên sách, trên báo. Với một công chúng có học và ngày càng thu hẹp, bên cạnh xu hướng tiếp tục các hình thức câu thơ truyền thống, thơ tự do chỉ còn giữ ít nhiều nhịp điệu như một thứ nhạc ngầm của cảm xúc để nó còn là thơ mà không cần mê hoặc, dẫn dụ, làm say người ta bằng nhạc điệu. Thơ tự do không vần của Thanh Thảo là ví dụ:
Con chim quyên lỡ vận
Lang thang trên mặt đất
Tiếng kêu sao nghẹn ngào
Ta đã phí hoài quá nhiều sức lực
Gót chân mòn những bước không đâu
(Đêm trên cát)
Nhịp tâm hồn thế nào nhịp thơ thế ấy. Càng ngày người đọc tinh tường càng thấy loại thơ khuôn vào một nhịp đều đặn, cố định như soạn lời cho các làn điệu dân ca rất dễ gây phản cảm vì sự quen thuộc của nó.
Sự giảm dần giọng điệu trữ tình say mê, đằm thắm còn do đặc điểm lý trí tỉnh táo của con người hiện đại. “Có nhà thơ than rằng đời bây giờ tỉnh quá. Tôi ngược lại tôi thích: tỉnh táo, tỉnh khô, tỉnh bơ, tỉnh như sáo! Vì tôi biết cái tỉnh đó chỉ là phía nhìn được của đam mê” (Khối vuông Rubic- Thanh Thảo). “Di cảo thơ” của Chế Lan Viên là thơ của lý trí tỉnh táo, là cái nhìn vào bề sâu, bề xa của cuộc sống, là “lộn trái” sự vật, hiện tượng để nhìn vào bản chất của nó. Sự nói hoá, đầy nghịch âm của thơ hôm nay nhằm thể hiện các quan hệ phức tạp, đầy mâu thuẫn trong đời sống đang đổi thay từng ngày.
Phạm Quốc Ca
--------------------------------------------------
Ghi chú: ảnh Ngọc Trân (ảnh 9, 10, 11, 12 và 13) và ảnh minh họa sưu tầm từ internet
Nhãn:
Ban tron van nghe
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét