Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2019

Trang Góc Nhỏ Văn Thơ - Mẫn tiệp

Góc Nhỏ Văn Thơ


MẪN TIỆP

"Tài mẫn tiệp tính thông minh,
phần chăm việc khách, phần siêng việc mình"
(Nhị độ mai)

Mẫn tiệp (敏捷) nghĩa là "linh lợi, có khả năng ứng phó nhanh" (từ điển tiếng Việt - Viện ngôn ngữ học).

Viết về Lý Bạch, Đỗ Phủ vừa khen vừa than rằng:
"Mẫn tiệp thi thiên thủ,
Phiêu linh tửu nhất bôi."
(Làm thơ mau lẹ cả ngàn bài
Nay phải nổi trôi, lưu lạc với một chén rượu)


Photo by Tuan Speed



Photo by Tuan Speed


Mẫn (敏) là nhanh nhẹn, mau mắn, cũng có nghĩa là "thông minh". Đây cũng là chữ "mẫn" trong "cần mẫn", "minh mẫn".

Tiệp (捷) là nhanh, mau lẹ. Chữ tiệp này nếu là danh từ có nghĩa là "tin chiến thắng", do đó ta có cụm từ "báo tiệp" để nói về báo tin thắng trận.

Trong truyện "Một vụ bắt rượu lậu" của Nguyễn Tuân, quan Phủ đã la thầy Lý rằng: "Việc dân trong làng uống rượu mà thầy mù tịt như vậy thì chết thật. Thầy làm việc không được mẫn tiệp rõ quá rồi."


Photo by Tuan Speed


Còn khi miêu tả về sư Tuệ Mẫn trong truyện "Hai chiếc lắc bạc", An Thư viết "Sư Tuệ Mẫn vốn người vùng khác, tuổi còn trẻ mà đã nổi danh trí tuệ mẫn tiệp, về làm trụ trì từ năm năm trước."

Ngày nay, ta thường dùng mẫn tiệp để nhấn mạnh sự mau lẹ, sáng suốt của những người già, vốn lẽ ra phải dần mất đi minh mẫn. Tuy nhiên lúc xưa, ta có thể đọc thấy trong sách Truyện kiều chú giải của Lê Văn Hòe khen Sở Khanh làm thơ "mẫn tiệp", nghĩa là chỉ tài làm thơ nhanh nhạy, sắc sảo mà thôi.

(Góc Nhỏ Văn Thơ)


Photo by Tuan Speed


-----------------------------------------------------------------------------------------
Ghi chú: ảnh Photo by Tuan Speed và ảnh minh họa sưu tầm từ internet.

Không có nhận xét nào :