Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2014

Cô Trần Thị Vinh Đạm, ký ức về một trò chơi tuổi thơ



CÔ TRẦN THỊ VINH ĐẠM – KÝ ỨC VỀ MỘT TRÒ CHƠI TUỔI THƠ

1. Ký ức về một trò chơi tuổi thơ:

Trong trường THPT Võ Thị Sáu cô giáo dạy văn Trần Thị Vinh Đạm luôn là một cô giáo vui vẻ và lạc quan. Trong một lần khi nhà trường tổ chức cho cán bộ công nhân viên trường đi du lịch ở Phú Yên, tôi cùng các bạn đồng nghiệp được nhiều lần trò chuyện với cô Đạm mới biết cô cũng là một người đa cảm và luôn còn giữ trong lòng rất nhiều ký ức về tuổi thơ ở Đà Loan, quê hương của cô.





Photo Đinh Văn Linh
Ngày ấy, Đà Loan quê của cô Đạm còn nghèo lắm. Đà Loan là một xã nghèo heo hút miền núi, thuộc huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Cũng như bao đứa trẻ khác trong xã, tuổi thơ của cô Đạm là một tuổi thơ nghèo khó. Xã của cô thời bấy giờ là một vùng đất kinh tế mới, điện còn không có thì nói gì có đến các tụ điểm vui chơi giải trí khác. Trò chơi của cô và các bạn thường là bắt cua đồng và chuột đồng. Tuy vui nhưng quần áo, đầu tóc đứa nào cũng bị lấm lem bùn đất. Trò chơi mà cô Đạm thích nhất lại chính là trò chơi “làm cô giáo”. Là một trong những học sinh được đi học và học khá nhất xã, nên “bé Đạm” rất có “uy tín” khi rủ rê các bạn nhỏ khác làm “học trò” của mình. “Lớp học” là một bãi cỏ hoang, còn “tập vở” lại là những lá chuối vừa mới hái xuống trong vườn…

Đã hơn ba mươi năm trôi qua rồi mà cô Đạm vẫn còn rơm rớm nước mắt khi nhớ đến các bạn cùng lứa tuổi năm nào: mặt mày tuy nhem nhuốc, nhưng mắt luôn háo hức khi nhận dạng từng con chữ được viết trên lá chuối bằng những chiếc que nhọn. Thời gian đó nhiều gia đình còn rất nghèo. Cha mẹ còn phải lo chạy ăn từng bữa nên nhiều bạn ít được gia đình quan tâm cho đến trường. Sau nhiều lần “dạy học”, “bé Đạm” bỗng có một ước mơ muốn trở thành một “cô giáo” thật sự để dạy học cho các bạn của mình…


Photo Đinh Văn Linh

Photo Đinh Văn Linh

2. Cô giỏi, trò cũng giỏi:

Cô Đạm về trường tôi dạy văn từ năm 2002 và sớm nổi tiếng là một cô giáo dạy văn giỏi và tận tâm. Từ năm 2006 đến năm 2013, cô Đạm liên tiếp là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở (7 lần) và Chiến sĩ thi đua cấp Thành phố (2 lần). Cô có nhiều sáng kiến kinh nghiệm giúp cho học sinh có được hứng thú khi học tập môn văn. Cô Đạm cũng luôn được phân công cùng các cô giáo dạy văn giỏi khác dạy cho đội tuyển học sinh giỏi văn của trường, và hầu như năm nào học sinh giỏi văn của trường Võ Thị Sáu cũng đều có huy chương mang về.

Điều thú vị là trong niên học 2013 – 2014, học trò của cô Đạm là em Mai Ngọc Anh Thư học sinh lớp 11A8 đoạt được Huy chương bạc Olympic văn. Cô Đạm cũng không kém cạnh cô học trò cưng của mình khi cô cũng tham gia dự thi và đoạt được Giải nhì giáo viên dạy văn giỏi cấp thành phố! Chúng tôi thường nói đùa là “cả cô và trò rủ nhau cùng bái tổ vinh quy”. Để đạt được giải thưởng trên cô Đạm cũng đã phải tốn rất nhiều công sức. Cuộc thi được chia làm ba vòng: hai vòng đầu được dạy ở trường, nhưng khi vào chung khảo cô Đạm phải đến trường Trần Khai Nguyên lên lớp dạy với lớp học và học sinh là của trường bạn. Tuy rất tự tin nhưng cô Đạm cũng không nghĩ là mình sẽ đoạt được giải cao. Chỉ đến khi có tin báo chính thức về là đã đoạt được Giải nhì, cô đã mừng đến ứa nước mắt…



3. Một cô giáo văn dạy học vô cùng tận tâm:

Niên học 2013 – 2014, lớp 12A11 có một học sinh cá biệt tên là H. Em H. là một học sinh không ngoan: nghỉ học rất nhiều ngày, còn hôm nào đi học thì lại đến lớp rất trễ, nên kiến thức môn nào em cũng đều bị thiếu hụt một cách rất trầm trọng. Các bạn trong lớp vẫn thường gọi H. là con bọ ngủ, vì cứ hễ vào lớp thì H. lại gục đầu lên bàn và ngủ say như chết! Theo lời giáo viên chủ nhiệm thì em H. mất cha từ bé, hiện đang sống với cậu và mẹ. Em H. đã bất chấp lời can ngăn của mẹ mình, tự động bỏ nhà theo các bạn để tự lập mở quán cà phê. Bán cà phê cả đêm, nên cứ sáng nào vào lớp em cũng ngủ, mắt mở không ra!

Giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn rồi Ban Giám hiệu nhiều lần xuống lớp khuyên can mãi em vẫn bướng bỉnh chẳng nghe, mà ngày thi tốt nghiệp đã đến gần kề. Các giáo viên, trong đó có cô Đạm rất lo lắng, đã hết lòng quan tâm dạy dỗ em H. Cô Đạm nhờ giáo viên chủ nhiệm bắt em mỗi sáng vẫn phải đến lớp, dù sáng hôm đó em có buồn ngủ đến thế nào đi nữa. Kết quả là em H. đã thi đậu tốt nghiệp, điểm văn của em là: 5,5đ.


Thiếu nữ ngồi áo dài trắng, nón lá


4. Những lời nhận xét của học trò và đồng nghiệp:

Nhận xét của em Mai Ngọc Anh Thư (học sinh giỏi văn lớp 11A8): Cô Đạm là một giáo viên rất chịu khó giảng dạy cho học trò. Kiến thức văn của cô rất rộng. Khi dạy cô rất tận tâm và kiên nhẫn truyền thụ kiến thức cho học sinh. Cô cũng thường chọn những tác phẩm hay khác, tuy không có trong sách giáo khoa nhưng cũng là tác phẩm của các tác giả có tên trong chương trình học, để giới thiệu thêm cho học sinh tham khảo.

Nhận xét của cô Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (giáo viên văn): Cô Đạm là một giáo viên có tinh thần tự học hỏi cao. Đối với đồng nghiệp cô sống rất chân thành, có tình có nghĩa. Về chuyên môn, cô Đạm là một giáo viên có năng lực, có óc sáng tạo. Cô rất tận tụy với nghề, hết lòng với học trò, luôn được mọi người yêu mến.

2014

(Bài viết đã đăng trên báo Văn Nghệ tp.HCM số 328, ngày 20.11.2014)

Thanh Trắc Nguyễn Văn

Cô Trần Thị Vinh Đạm


-------------------------------------------------------------------------------------
* Bài viết đã đăng trên báo Văn Nghệ tp.HCM số 328, ngày 20.11.2014

Ghi chú: ảnh minh họa sưu tầm từ internet

13 nhận xét :

Unknown nói...

một cô giáo tận tâm với nghề

Nặc danh nói...

đúng vậy

Lê Long nói...

cảm ơn sự tận tâm của cô

Nặc danh nói...

cảm ơn ý kiến của bạn Phạm Thị Thu Hoài

Unknown nói...

cô giáo rất lãng mạng với nghề giáo của mình

Nặc danh nói...

cảm ơn ý kiến của bạn ngoc lan le

Unknown nói...

Thơ mùi quá!!!

Ăn gì tốt cho bà bầu

Nặc danh nói...

@Tâm Lê: bài này viết về cô giáo Đạm mà, không có thơ bạn ơi

Unknown nói...

ký ức và hướng nghiệp

Nặc danh nói...

cảm ơn ý kiên của hoang han

Lê Thị Hương Tràm nói...

tác giả viết rất khéo

Nặc danh nói...

cảm ơn nhận xét của Yêu Thi Ca

Unknown nói...

Con vinh dự lắm khi được cô hướng dẫn ạ!