Thứ Ba, 28 tháng 5, 2019

A Khuê (thơ tuyển)



NHÀ THƠ A KHUÊ

Nhà thơ A Khuê (1948 – 13/8/2009) tên thật là Hoàng Văn Phúc sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, cha ông là danh vĩ cầm Hoàng Liêu, anh trai ông là nhạc sĩ Hoàng Lương. Nghệ danh A Khuê được nhà thơ đặt theo tên một cô gái mà ông yêu khi ông 15 tuổi.

Nhà thơ, nhạc sĩ A Khuê quê ở Hải Dương, từ nhỏ cha ông đã bắt ông học chơi vĩ cầm, ở vào giai đoạn tuổi thanh niên đã có lúc ông đi chơi nhạc kiếm tiền. Cuộc đời của nhà thơ A Khuê trải qua nhiều giai đoạn khá vất vả với nhiều lần chuyển chỗ ở: từ Quảng Ngãi chuyển vào Đà Nẵng, rồi về Đồng Nai. Sau đó ông lập gia đình và làm ruộng tại Sóc Trăng, sau đó ông quay lại sống cùng vợ con ở Đồng Nai cho đến lúc qua đời. 


(sưu tầm)



Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2019

Nguyên Sa (thơ tuyển)



NHÀ THƠ NGUYÊN SA

Nguyên Sa (1 tháng 3 năm 1932 tại Hà Nội – 18 tháng 4 năm 1998), tên thật là Trần Bích Lan, còn có bút danh Hư Trúc. Ông là một nhà thơ lãng mạn Việt Nam nổi tiếng từ thập niên 1950, với những tác phẩm nổi danh như "Áo lụa Hà Đông", "Paris có gì lạ không em", "Tuổi mười ba", "Tháng Sáu trời mưa"...


Tổ tiên Nguyên Sa gốc ở xã Hóa Khuê, huyện Hòa Vang, Thuộc Quảng nam (nay thuộc Quận Cẩm Lệ, Thành phố Đà nẵng), trải qua biến loạn năm Giáp Ngọ (Nhà Trịnh chiếm lấy Phú Xuân) thì di cư vào Gia Định rồi sau đó vào đầu đời Gia Long ra làm quan tại Thuận Hóa (Huế) đến hàm Công Bộ Thượng Thư. Ông cố ông làm quan đến chức Tri Phủ sau về hưu ở lại Hà nội cùng con cháu lập nghiệp tại đó. (Một người em ông cố của Nguyên Sa là ngài Trần Trạm làm quan trải qua các chức Phủ Doản Thừa Thiên, Tham Tri Bộ Lại, Thượng thư Bộ lại sau khi mất được ban tặng Hiệp Tá Đại Học Sỹ, Cáo thụ Vinh Lộc đại phu, thụy Văn Ý)

Sau khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, gia đình ông tản cư đi Hà Đông. Tại đây, ông bị Việt Minh bắt giam khi mới 15 tuổi. Hồi cư về Hà Nội, gia đình cho ông qua Pháp du học vào năm 1949.

Năm 1953, ông đậu tú tái Pháp, lên Paris ghi danh học triết tại Đại học Sorbonne. Nhiều bài thơ nổi tiếng của ông được sáng tác trong thời gian này.

Năm 1955, ông lập gia đình với bà Trịnh Thúy Nga ở Paris. Đầu năm 1956, hai ông bà về nước, sống tại Sài Gòn.

Năm 1975, ông di tản đi Pháp. Ba năm sau, ông và gia đình qua Hoa Kỳ và ở California từ đó cho tới ngày qua đời.

Ông mất ngày 18 tháng 4 năm 1998.


(Theo Wikipedia)



Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2019

Lời tựa Tập thơ Nghêu Ngao Ca (2)



LỜI TỰA TẬP THƠ NGHÊU NGAO CA (2)

Nhưng có lẽ bài thơ làm cho những người đã sinh ra rồi lớn lên, hoặc đã từng sinh sống ở Sài Gòn xúc động nhất chính là bài thơ Khi người Sài Gòn yêu. Bài thơ là những đêm kí ức xưa của bọn sinh viên chúng tôi, tuy nghèo nhưng cực kì lãng mạn. Cái thời cả bọn cùng ngồi quay quần vòng tròn ngoài sân phòng trọ, đứa đệm ghi ta bập bùng, đứa hát theo những bản nhạc boléro buồn thật buồn: 

"Người Sài Gòn biết yêu
Và biết hát
Áo lụa Hà Đông bay
Rợp mát mây trời
Chiều buông gió
Đêm về dừng quanh gác trọ
Rải ghi ta buồn
Đâu tầng tháp cổ tiếng mưa rơi?"
(Khi người Sài Gòn yêu)




Thứ Ba, 14 tháng 5, 2019

Lời tựa Tập thơ Nghêu Ngao Ca (1)



LỜI TỰA TẬP THƠ NGHÊU NGAO CA 

Tuy không phải là bạn thân nhưng tôi rất thích thơ Thanh Trắc Nguyễn Văn. Tính Thanh Trắc Nguyễn Văn rất bình dị không rượu chè, không thuốc lá để tạo cảm hứng sáng tác như các nhà thơ khác. Nhưng anh lại có một sở thích riêng rất giống tôi đó là thích uống cà phê và thường lê la ở các quán cà phê có các bể cá cảnh đẹp. Tình cờ gặp anh tôi hỏi khi nào ra tập thơ mới? Anh trả lời vừa mới được Hội Nhà Văn Tp.HCM tài trợ in thơ và tiện tay anh trao luôn bản thảo tập thơ Nghêu Ngao Ca nhờ tôi viết lời tựa!



Thứ Năm, 9 tháng 5, 2019

Thơ 0380: Làm vua ở Huế



LÀM VUA Ở HUẾ

Du lịch Huế
Ta được làm vua một cõi.

Cũng vạn tuế
Cũng tung hô...
Cũng được đứng
Được ngồi.

Nhưng đứng ngồi
Phải nghe người hướng dẫn
Kiếp vua bù nhìn
Cũng khổ lắm em ơi!

2019

Thanh Trắc Nguyễn Văn




-----------------------------------------------------------------
Ghi chú: ảnh khách du lịch Huế (ảnh 1) và cô gái áo dài Huế trong  Đại Nội (ảnh 2) sưu tầm từ internet

Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2019

Nguyễn Tất Nhiên (thơ tuyển)



NHÀ THƠ NGUYỄN TẤT NHIÊN

Nguyễn Tất Nhiên sinh ngày 30 tháng 5 năm 1952 tại xã, Bình Trước, quận Châu Thành Biên Hòa.

Nguyễn Tất Nhiên theo học trường trung học Ngô Quyền từ năm 1963 cho tới năm 1970. Lúc mới vừa lên trung học đệ nhất cấp, Nguyễn Tất Nhiên đã làm thơ. Theo lời những người bạn cùng trường lúc đó, thơ của Nguyễn Tất Nhiên đã rất hay từ nhỏ. Lúc đó Nguyễn Tất Nhiên thành lập thi văn đoàn với bạn học là Đinh Thiên Phương, tên thật là Đinh Thiên Thọ. Cả hai thi sĩ học trò này cùng chung nhau xuất bản tập thơ Nàng thơ trong mắt năm 1966, khi đó Nguyễn Tất Nhiên được 14 tuổi. Trong tập thơ này Nguyễn Tất Nhiên lấy bút hiệu là Hoài Thi Yên Thi.

Thời gian này, Nguyễn Tất Nhiên đã gặp một cô gái người miền Bắc tên là Duyên và có với cô này một tình cảm nhẹ nhàng nhưng không thành công vì hoàn cảnh gia đình và cả tính nghệ sĩ của Tất Nhiên. Dù vậy, cô gái tên Duyên này cũng đã là cảm hứng cho Tất Nhiên sáng tác khá nhiều bài thơ "Khúc tình buồn", hay các bài "Cô Bắc Kỳ nho nhỏ", "Linh mục", "Em hiền như ma sơ".

Tâm hồn nghệ sĩ của Nguyễn Tất Nhiên đã bộc lộ từ lúc anh còn rất trẻ. Đầu óc của anh được miêu tả lúc nào cũng như mơ mộng suy nghĩ đâu đâu, không tập trung ngay cả khi đang học. Bạn bè thời gian này gọi đùa anh là Hải Ngáo hay Hải Khùng. Tương truyền, có một buổi sáng, Nguyễn Tất Nhiên đứng giữa ngã tư ở Biên Hòa như chỗ không người, bỏ tay trong túi quần nhìn lên trên trời.

Mối tình vô vọng với cô Duyên, nỗi đam mê, niềm đau khổ làm người đã tạo nên phong cách thơ của ông.

Theo lời kể của nhà thơ Thái Thụy Vy:

"Hồi chưa nổi tiếng, trời nắng chang chang mà anh ưa mặc cái manteau mua ở khu Dân sinh, mồ hôi nhễ nhại, ưa đạp xe đạp đi cua cô em Bắc Kỳ nho nhỏ tên Duyên..."

Sự nghiệp của Nguyễn Tất Nhiên thời gian đầu không mấy thành công. Cho đến khi thơ anh được một số thầy giáo gửi đăng báo Sáng tạo của Mai Thảo; rồi Phạm Duy, Nguyễn Đức Quang thấy đó mà phổ nhạc thì mới bắt đầu nổi tiếng.

Vào khoảng năm 1972 hoặc 1973, Nguyễn Tất Nhiên nhận được giấy gọi nhập ngũ vào trường Võ khoa Thủ Đức. Tuy nhiên mới vào Trung tâm 3 Quang Trung, ông đã được cho thôi về vì lý do tâm thần bất ổn.

Sau năm 1975, Nguyễn Tất Nhiên sống ở trong nước cho tới 1981. Trong thời gian này anh học đàn và sáng tác ca khúc với nhạc sĩ Nguyễn Hữu Nghĩa trong bốn năm.

Năm 1980, anh sang định cư tại Pháp, rồi cuối cùng sang Mỹ sống ở Quận Cam. Năm 1987, anh gia nhập Hội Nhà Văn Việt Nam Lưu Vong. Sau anh lấy vợ có tên là Minh Thủy, rồi có với nhau 2 đứa con trai.

Ngày 3 tháng 8 năm 1992, người ta thấy anh nằm chết trong một xe hơi cũ, đậu dưới bóng cây trong sân chùa tại California. Mộ Nguyễn Tất Nhiên nằm trong Vườn vĩnh cửu thuộc nghĩa trang Westminster phía tây Little Saigon (California), và thường được những người du khách Việt đến thăm viếng.

(Theo Wikipedia)