Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2016

Tự truyện: Một ngày ở Phòng dò bài

Cô Kim Mai và học sinh tại Phòng dò bài lúc 12 giờ


MỘT NGÀY Ở PHÒNG DÒ BÀI

Những cánh phượng hồng ngoài cửa sổ Phòng dò bài đỏ rực và đung đưa theo gió. Kim đồng hồ đã chỉ vào con số 11 giờ trưa. Những học sinh dò bài môn hóa đã xong, cô Trinh và các em học sinh lần lượt ra về. Vài em học sinh khác lại vào, cô Nguyệt sắp xếp cho các em ngồi ở cuối phòng.

Chỉ còn vài tuần nữa là thi đại học và thi tốt nghiệp THPT quốc gia, chúng tôi là những giáo viên được nhà trường phân công giúp đỡ cho những em học sinh yếu kém và lười học bài. Nhiệm vụ chúng tôi là mỗi sáng vào Phòng dò bài giúp các em học lại bài và giảng dạy lại những lỗ hổng kiến thức cho các em. Phòng dò bài được trưng dụng từ Hội trường của nhà trường, có sức chứa khoảng gần 100 em học sinh. Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng không đơn giản chút nào. Nhiều em làm tôi giật mình vì sự chủ quan của các em:

- Em viết cho thầy các công thức tìm lực đàn hồi và chu kỳ của con lắc lò xo! 






Khoai của cô Đạm.


- Dạ, em không nhớ!

- Em tự chọn môn lý để thi hay ai ép em chọn?

- Dạ em tự chọn!

- Trời, sắp thi đến nơi mà công thức vẫn không nhớ! Tôi hoàn toàn bó tay chấm com với em luôn!

Ở bàn kế bên:

- “Rừng xà nu” là tác phẩm viết về vùng miền nào?

- Dạ thưa cô Tây Bắc ạ!

- Sai rồi em, nhớ nhé Tây Nguyên chứ không phải Tây Bắc!

Ở bàn khác:

- Em kể cho cô nghe năm tỉnh ở Tây Nguyên nước ta!

- Dạ Đà Lạt, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông!

- Đà Lạt là thành phố em à, phải là tỉnh Lâm Đồng mới đúng!



Nhiều lúc giáo viên chúng tôi vẫn thường gọi đùa Phòng dò bài là “Viện Hàn Lâm” của trường! Cái đáng quý là nhiều em tự biết mình yếu kém nên tự đến Phòng dò bài để nhờ thầy cô giúp đỡ. Nhưng đáng buồn nhất vẫn là sự thiếu thông cảm của phụ huynh:

- Alô! Dạ, có phải là phụ huynh em N. không ạ? Tôi là giáo viên chủ nhiệm của em! Em N. rất yếu môn văn, cô giáo văn có yêu cầu em đến dò bài “Vợ chồng A Phủ” để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Nhưng hiện giờ đã hơn 11 giờ rồi vẫn chưa thấy em đến!

- Để tự tôi dò bài cho nó có được không thầy?

- Dạ, dò bài phải là giáo viên bộ môn! Với lại cô giáo văn sẽ giúp em ôn lại các kiến thức và kỹ năng làm văn một cách có hệ thống hơn!

- Buổi chiều con tôi còn phải đi học thêm nữa thầy! Tiền học thêm toán – lý – hóa của nó gia đình tôi bỏ ra mỗi tháng nhiều lắm, nó không thể bỏ học được!

- Dạ, nếu em nó thuộc bài thì chỉ cần 15 phút là xong! Đầu niên học khi họp phụ huynh tôi cũng đã nói rồi. Các phụ huynh cho con em mình học thêm, giáo viên chủ nhiệm không có ý kiến. Nhưng nếu tốn tiền học thêm mà học trong lớp không có hiệu quả thì nên coi lại vì chỉ tốn tiền vô ích. Em N. trong lớp giờ toán cứ bị nhắc nhở hoài vì ngủ gục, trong giờ lý cũng thường bị ghi tên trong sổ đầu bài vì cứ lo ra. Học thêm rất nhiều nhưng kiến thức và kết quả học tập của em những môn đó đâu có gì nổi bật? Bây giờ nếu coi thường thêm môn văn, lỡ em bị điểm liệt môn văn thì chỉ có rớt tốt nghiệp thôi chị à! Với lại tại nơi học thêm, họ có báo em N. tự ý nghỉ học hay đi trễ ngày nào như giáo viên chủ nhiệm tôi tại đây vẫn báo tin cho chị mỗi ngày không?



Điện thoại của phụ huynh bên kia không trả lời, tự tắt máy… Một giáo viên ngồi bên nói với tôi:

- Thầy đừng buồn, tôi còn bức xúc hơn cả thầy! Lớp tôi có một em học sinh nữ cá biệt rất yếu, yếu đều các môn! Tôi vẫn thường gọi điện thoại than phiền với phụ huynh, thế là phụ huynh “chặn” điện thoại của giáo viên chủ nhiệm! Tuần trước, tôi mượn điện thoại của cô Chu để gọi cho phụ huynh. Vài ngày sau tôi gọi lại thì mới hay phụ huynh đã “chặn” luôn điện thoại của cô Chu!  Hôm qua, được biết em này trốn giờ học phụ đạo môn địa, tôi mượn điện thoại của cô Hương để báo tin. Thế là sau khi nghe xong phụ huynh lại “chặn” tiếp điện thoại của cô Hương! Thi cử đến nơi rồi, em ấy rất lười học khiến giáo viên mình cứ lo sốt vó cả lên, còn phụ huynh thì “vô cảm” đến lạ lùng, cứ như mình đang làm phiền họ vậy!...


Hoa phượng tím

Hoa phượng tím
Đồng hồ đã chỉ sang con số 12. Phòng dò bài đã vắng dần, cô Kim Mai và một nhóm học sinh vẫn còn ngồi ở cuối phòng. Giọng cô Kim Mai vẫn sang sảng, các em vẫn ghi chép bài giảng rất chăm chú. Tôi chợt giật mình, cô Kim Mai vừa dạy phụ đạo môn văn buổi sáng xong, đầu giờ buổi chiều cô phải lên lớp tiếp, thế mà bây giờ cô vẫn còn ngồi đây với các em học sinh. Vậy cô sẽ ăn trưa và nghỉ ngơi lúc nào?

Cô Đạm, đã đến dò bài với chúng tôi từ lúc 9 giờ sáng, chợt bưng ra một hộp nhựa đựng đầy khoai và nói:

- Các thầy cô và các con ăn khoai cho đỡ đói nghen! Mỗi người một củ khoai nào!...

Hoa phượng vàng
Hoa phượng vàng13 giờ. Cô Kim Mai vội vã dọn dẹp sách vở để lên lớp dạy phụ đạo buổi chiều. Phòng dò bài vẫn còn cô Đạm và ba học sinh cuối cùng. Có em vừa nghe cô giảng vừa mở cơm hộp ra ăn. Giọng cô Đạm vẫn đều đều không ngừng nghỉ “Tác giả Nguyễn Tuân là ai vậy các em? Ông là một nhà văn lớn, một người nghệ sĩ tài hoa, một trí thức giàu lòng yêu nước. Nguyễn Tuân sáng tác thể loại nào nè, em nào nhớ? Ông sáng tác rất nhiều thể loại nhưng thể loại tùy bút là thành công nhất. Trong đó thiên tùy bút “Người lái đò sông Đà” được coi là đỉnh cao sự nghiệp sáng tác của ông…”

Chợt điện thoại reng, cô Đạm vội cầm điện thoại vừa đi ra ngoài vừa trả lời:

- Cơm và thức ăn em đã nấu xong hồi sáng rồi, anh và con ăn trước nghen! Em còn đang bận ở trường chưa biết bao giờ mới về nhà được…

Hoa phượng trắng
Hoa phượng trắng13 giờ 45 phút, tôi rời khỏi Phòng dò bài. Sau khi cho tài liệu và cất sách vở vào tủ ở phòng giáo viên, tôi khóa tủ rồi ra về chuẩn bị đi ăn trưa. Khi đi ngang qua Phòng dò bài tôi vẫn thấy cô Đạm và ba em học sinh vẫn còn ngồi quây quần trong đó. Nhìn đồng hồ thì đã hơn 14 giờ! Cuối dãy hành lang nơi tôi đi qua có một tấm bảng xanh đã được một ai cố ý dựa nghiêng vào tường. Trên tấm bảng là một dòng phấn trắng với dòng chữ viết thật nắn nót “Chỉ còn 20 ngày nữa là thi rồi. Cố lên các bạn nhé!”.

2016
(Bài đã đăng trên Tuần báo Văn Nghệ tp.HCM số 409, ngày 7.7.2016)


Thanh Trắc Nguyễn Văn

Cô Đạm và ba học sinh cuối cùng tại Phòng dò bài lúc hơn 14 giờ


-------------------------------------------------------------------------------
* Bài đã đăng trên Tuần báo Văn Nghệ tp.HCM số 409, ngày 7.7.2016
* Bài đã đăng trên báo Khoa Học Phổ Thông số 24/16 (1699), ngày 24.6.2016

Ghi chú: bài và ảnh (có ghi chú) của Thanh Trắc Nguyễn Văn. Ảnh hoa phượng tím (ảnh 8 và 9), hoa phượng vàng (ảnh 10 và 11), ảnh hoa phượng trắng (12 và 13) và ảnh minh họa sưu tầm từ internet

3 nhận xét :

Unknown nói...

cảm thông cho các nhà giáo

Lê Thị Hương Tràm nói...

nghề giáo rất cực khổ xin đừng ai xúc phạm nhà giáo

Unknown nói...

chỉ có những kẻ khốn nạn mới dám xúc phạm đến các nhà giáo