Thứ Ba, 15 tháng 8, 2017

Trang Góc Nhỏ Văn Thơ - Tịch dương

Trang Góc Nhỏ Văn Thơ


TỊCH DƯƠNG

"Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương"
(Bà Huyện Thanh Quan)

Từ điển Viện ngôn ngữ học (Hoàng Phê chủ biên) định nghĩa "Tịch dương" là mặt trời lúc sắp lặn, xếp vào nhóm từ cũ, dùng trong văn chương. Có thể chỉ trời, có thể chỉ ánh mặt trời, cũng có thể chỉ thời điểm. Lí Thương Ẩn viết: “Tịch dương vô hạn hảo” (Ánh chiều đẹp vô cùng). Ta thường gọi thời điểm này là "chiều tà", phần sau sẽ nói thêm về chữ "tà" này.


Photo by Trần Quốc Hiếu



Photo by Trần Quốc Hiếu


Tịch (夕) nghĩa là buổi chiều tối, ban đêm. Ta có tiết trừ tịch, hay lễ thất tịch.

Dương (陽) nghĩa là mặt trời, xuất phát từ nghĩa "phần dương, khí dương, trái lại với âm (陰)". Khí âm và khí dương là hai nguyên khí tạo thành vũ trụ vạn vật, cũng là chỉ trời với đất. Do đó đây cũng là chữ "dương" trong dương gian, hoa hướng dương... Có một điểm thú vị là tỉnh Hải Dương của nước ta cũng dùng chữ "mặt trời" này, chứ không phải chữ 洋 nghĩa là biển lớn.

"Lao xao chợ cá làng ngư phủ,
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương.
Lẽ có Ngu cầm đàn một tiếng,
Dân giàu đủ khắp đòi phương."
(Nguyễn Trãi - Bảo Kính Cảnh Giới số 43)

Chỉ riêng trong chương "Chuyện nghiệp oan của Đào Thị" từ Truyền Kỳ Mạn Lục, Nguyễn Dữ đã ba lần dùng chữ "tịch dương" trong các câu thơ của mình, ví dụ như:

"...Yên thâm hữu điểu đề
Thương nhiên khan bất tận
Thiên lý tịch dương tê"
(Chim kêu ríu-rít đầu cành,
Tà dương bóng ngả chênh-chênh ngàn đoài.)

Ta cũng hay dùng một chữ khác chỉ lúc mặt trời sắp lặn là "Tà dương" (斜陽). Chữ này nghĩa đen là "Mặt trời buổi chiều, chiếu ánh nắng nghiêng (tà)". Đây cũng là nguồn gốc của chữ "chiều tà" nói trên, vẫn có thể dùng để dịch "tịch dương" sang từ thuần Việt.
"Trời tây ngã bóng tà dương, càng phai vẻ ngọc nét càng phôi phai" (Tản Đà)

Ngô Văn Phú từng dịch 2 câu thơ của Bạch Cư Dị "Yên ba đạm đãng dao không bích, Lâu điện sâm si ỷ tịch dương." thành: "Mênh mang khói sóng rung trời biếc, San sát lâu đài in nắng xiên.", là dùng nghĩa của "tà dương" mà dịch cho "tịch dương" vậy.

(Góc Nhỏ Văn Thơ)


Photo by Trần Quốc Hiếu


--------------------------------------------------
Ghi chú: ảnh Photo by Trần Quốc Hiếu (ảnh 2, 3 và 4) và ảnh minh họa sưu tầm từ internet

Không có nhận xét nào :