Thứ Năm, 7 tháng 7, 2011
Trao đổi: Đặc điểm ngôn ngữ thơ sau 1975
ĐẶC ĐIỂM NGÔN NGỮ THƠ SAU 1975
Ngôn ngữ thơ không chỉ là nghệ thuật ngôn từ mà còn phải được xem như là hệ quả một quan niệm thẩm mỹ đối với đời sống. Thế giới được quan niệm như thế nào sẽ có loại ngôn ngữ thơ tương ứng.
Ý thức về một xã hội khuôn phép được phản ánh vào thơ trung đại trong hình thức câu thơ cách luật. Ý thức về tự do cá nhân thể hiện trong những câu thơ không chịu khuôn vào một mô hình nào của thơ hiện đại:
"Lòng rộng quá chẳng chịu khung nào hết
Chân tự do đạp phăng cả hàng rào".
( Xuân Diệu).
Do sự đa dạng về kiểu nhà thơ và quan niệm thẩm mỹ nên sau 1975, đặc biệt là từ Đổi mới đến nay, rất đa dạng về kiểu loại ngôn ngữ thơ. Có thể nói đến mấy loại ngôn ngữ thơ chính sau đây:
1. Loại ngôn ngữ thơ mang vẻ đẹp trong sáng
Loại ngôn ngữ này có truyền thống lâu dài trong thơ ca dân tộc. Đó là vẻ đẹp của ngôn ngữ ca dao và thơ cổ điển. Sẽ rất nhầm lẫn nếu xem loại ngôn ngữ này ít sáng tạo. Vẻ đẹp trong sáng, giản dị của ngôn ngữ thơ là kết quả của lao động sáng tạo đầy nỗ lực của những tài năng thi ca. Loại ngôn ngữ thơ này cũng đề cao tính sáng tạo nhưng không sa vào hiểm quái, cầu kỳ, lạ lẫm mà mang vẻ đẹp trong sáng, dễ tiếp nhận:
Vòm trời hé mở tiếng chim
Mùa xuân chồi biếc lim dim mắt chờ
Cây mai gầy thế ai ngờ
Sáng nay vắt kiệt mình cho nụ vàng.
(Em như chồi nụ- Trương Nam Hương)
Gần đây do ảnh hưởng của thơ hiện đại có quan niệm cho rằng loại ngôn ngữ thơ này đã cũ. Đó là một nhận xét vô căn cứ. Có nhà thơ đã nói rất hay rằng cần phải táo bạo khi dám sử dụng ngôn ngữ thơ trong sáng, giản dị.
2. Ngôn ngữ kể
Bản thân ngôn ngữ kể không mang chất thơ. Nhà thơ không mấy quan tâm tới vẻ đẹp ngôn từ, không để lộ cảm xúc, thái độ chủ quan mà thường ẩn mình đi. Thơ trong trường hợp này hay bởi ý thơ hoặc hay ở chính trạng huống đời sống mà ngôn ngữ thơ này đã dựng lên:
Giữa chiều lạnh
Một người đàn bà ngồi đan bên cửa sổ
Vẻ vừa vội vả vừa nhẫn nại
Nhẫn nại như thể đó là việc phải làm suốt đời
Vội vã như thể đó là lần sau chót
Không thở dài
Không mỉm cười ...
(Người đàn bà ngồi đan- Ý Nhi)
Những bài thơ như Đi lễ chùa (Dư Thị Hoàn), Mười phút với Nguyễn Tuân (Thế Hùng) cũng sử dụng loại ngôn ngữ này. Các nhà thơ như muốn bứt ra khỏi từ trường của loại ngôn ngữ thơ thấm đẫm chất trữ tình và óng chuốt, mượt mà có truyền thống lâu dài trong lịch sử thơ ca dân tộc. Vẻ đẹp của thơ trong trường hợp này phải tìm ở tứ thơ và ở các biện pháp nghệ thuật khác.
3. Ngôn ngữ hàm ngôn, giàu sức gợi
Loại ngôn ngữ này xuất phát từ cảm quan có tính chất phức hợp của nhà thơ hiện đại đối với cuộc sống. Có người cho là nó gắn với thơ hiện đại. Thực ra nó đã xuất hiện trong thơ trung đại:
Trống trường thành lung lay bóng nguyệt
(Chinh phụ ngâm)
Cơ sở của ngôn ngữ này là sự tương hợp giữa các giác quan và rộng ra là sự thống nhất biện chứng của sự sống, của thế giới. Ở loại ngôn ngữ này các nhà thơ đã kết hợp một cách sáng tạo các từ ở những trường ngữ nghĩa khác nhau làm nên nên vẻ đẹp mới lạ:
- Mái nhà rông sắc lẹm lưỡi rìu
Chém ngược vào trời xanh truyền thuyết
(Tây nguyên - Lương Định)
- Nhà tôi ở phố Đạm Tiên
(Địa chỉ buồn - Hoàng Phủ Ngọc Tường)
-Tôi hát ngày mai không lại
Bây giờ tôi hát lạc quan đen
(Không đề - Trần Dần)
Loại ngôn ngữ thơ này khá phổ biến trong thơ Lê Đạt, Dương Tường, Nguyễn Quang Thiều… và các nhà thơ hiện đại khác. Nhà nghiên cứu Thụy Khuê gọi thơ Lê Đạt là thơ tạo sinh:
Thu nở bầy chim mây vỡ tổ
Câu thơ này có sự kết hợp từ sáng tạo và có thể ngắt nhịp theo những cách khác nhau.
Thu / nở bầy chim / mây vỡ tổ
Thu nở bầy chim / mây vỡ tổ
Thu nở / bầy chim mây vỡ tổ
Để tạo nghĩa mờ các nhà thơ Lê Đạt, Dương Tường thường triệt để lợi dụng yếu tố ngữ âm. Ở những trường hợp thành công thơ có nét thi vị riêng nhưng nhiều khi rơi vào gò ép, cầu kỳ, lập dị:
Em về phố lặng
lòng đổ chuông
llềnh llềnh nước
lli
lluang
lloang llưng
lliêng llinh lluông lluông buông boong
ad lllibitom …
(Noel 1- Dương Tường)
4. Ngôn ngữ đời thường, suồng sã
Đây là loại ngôn ngữ xuất phát từ điểm nhìn có tính chất dân chủ hoá. Nhà thơ xuất hiện như một người bình thường giữa cuộc sống xô bồ, phức tạp, bụi bặm. Nó thể hiện sự từ khước chất thơ gắn với cái đẹp một cách thơ mộng, cách điệu, vượt lên trên đời sống bình thường, hàng ngày. Nó cũng phản ánh vị trí bình thường của nhà thơ trong cuộc sống hôm nay:
Đêm ngủ chỉ toàn lo vật giá
Xa dần chuyện ngắn, bớt dần thơ
(Chế Lan Viên)
Đó cũng là khi nhà thơ nhận ra thân phận lạc lõng của thơ trong thời buổi kinh tế thị trường. Nhà thơ tự nhận là người thường, thậm chí tầm thường với một chút tự mỉa mai:
Rạc rài chút phận văn chương
Cao sang lẫn với tầm thường ngẩn ngơ
(Đọc lại Nguyễn Du- Bằng Việt)
Loại ngôn ngữ này đã góp phần đổi mới, không muốn thơ ở mãi trong vòng ảnh hưởng của từ trường thơ mộng của Thơ mới và sự trang nghiêm của ngôn ngữ thơ cách mạng. Tập thơ Bụi đã sử dụng nhiều ngôn ngữ đời thường tạo nên một nét phong cách mới ở thơ Nguyễn Duy:
- Giọt rơi hơi bị trong veo
Mắt đi hơi bị vòng vèo lôi thôi
Chân mây hơi bị cuối trời
Em hơi bị đẹp, anh hơi bị nhàu
(Chạnh lòng 1)
- Tạnh men là tạnh la đà
Tạnh cơn một bóng ảo ra chín hình
Phàm trần bớt chút lung linh
Các em bớt xỉnh xình xinh mấy phần
(Kiêng)
Đôi khi có nhà thơ như cố tình gây sự với quan niệm quen thuộc về cái nên thơ. Ngôn ngữ thơ lúc ấy gần với dung tục, tự nhiên chủ nghĩa:
- Tôi tự khoanh vùng mình
Như con chó đánh dấu lãnh địa bằng nước đái
(Khúc chậm- Thanh Thảo)
-Nhớ điên cuồng mùi anh
Như bò cái nhớ mùi phân rác
(Hoàng Hưng)
Thơ tình Bùi Chí Vinh có nhiều câu bỗ bã, suồng sã . Vấn đề đặt ra ở đây là tính mức độ. Chất thơ của loại ngôn ngữ này nằm ở giữa cái tươi mới, sinh động của ngôn ngữ đời sống và sự dung tục rất dễ gây phản cảm.
Về câu thơ đương đại đang có những ý kiến khác nhau. Có người quan niệm: “Câu thơ là dòng thơ, là đơn vị nhịp điệu, đơn vị ý nghĩa thơ, đơn vị liên kết trong bài thơ” [1,tr.152]. Theo chúng tôi điều đó chỉ đúng với thơ Trung đại. Bắt đầu từ Thơ mới câu thơ không còn trùng khít với dòng thơ. Trong thơ hiện đại có hiện tượng câu thơ vắt dòng. Có khi cả khổ là một câu thơ. Lại có hiện tượng dòng thơ bị ngăn chia bởi dấu chấm thành hai, ba câu:
Giọt mưa. Như thể men say
Chạnh lòng Hà Nội. Một ngày nhẹ tênh
Chợt mưa. Chợt nắng. Bồng bềnh
Con cò trắng. Mãi lênh đênh giữa đời
(Sài Gòn- Lê Huy Quang)
Quan điểm cho rằng: “Câu thơ hiện nay cơ bản vẫn là câu thơ hiện đại, xuất hiện từ Thơ mới không có thay đổi gì mạnh mẽ về số lượng chữ trong dòng, về cách gieo vần, về số lượng chữ trong một nhịp” [1, tr.156] cũng không thật chính xác. Câu thơ tự do hiện nay đã khác khá nhiều so với Thơ mới. Câu Thơ mới thường có khuôn hình 5 chữ , 7 chữ, 8 chữ, lục bát. Câu thơ tự do chỉ chiếm một phần nhỏ. Bên cạnh xu hướng tiếp tục sử dụng những câu thơ theo khuôn hình 5 chữ, 7 chữ, 8 chữ, lục bát, câu thơ hôm nay thường có độ giãn tự do, mang hình thức câu văn xuôi, thể hiện sự tràn đầy cảm xúc và suy tưởng:
Một thế kỷ để hiểu Nguyễn Du ư? Ta có cần một thế kỷ đâu mà
Đau khổ vì những hoàng hôn ta chóng hiểu những hôn hoàng của Nguyễn
Ta yêu những hịch, những Bình Ngô gọi lòng ra tiền tuyến
Nhưng không quên ngọn lau trắng bên đường Kiều thổi lại tự xa xưa
(Nghĩ thêm về Nguyễn- Chế Lan Viên)
Quan điểm cho rằng: “Câu thơ hiện nay cơ bản vẫn là câu thơ hiện đại, xuất hiện từ Thơ mới không có thay đổi gì mạnh mẽ về số lượng chữ trong dòng, về cách gieo vần, về số lượng chữ trong một nhịp” [1, tr.156] cũng không thật chính xác. Câu thơ tự do hiện nay đã khác khá nhiều so với Thơ mới. Câu Thơ mới thường có khuôn hình 5 chữ , 7 chữ, 8 chữ, lục bát. Câu thơ tự do chỉ chiếm một phần nhỏ. Bên cạnh xu hướng tiếp tục sử dụng những câu thơ theo khuôn hình 5 chữ, 7 chữ, 8 chữ, lục bát, câu thơ hôm nay thường có độ giãn tự do, mang hình thức câu văn xuôi, thể hiện sự tràn đầy cảm xúc và suy tưởng:
Một thế kỷ để hiểu Nguyễn Du ư? Ta có cần một thế kỷ đâu mà
Đau khổ vì những hoàng hôn ta chóng hiểu những hôn hoàng của Nguyễn
Ta yêu những hịch, những Bình Ngô gọi lòng ra tiền tuyến
Nhưng không quên ngọn lau trắng bên đường Kiều thổi lại tự xa xưa
(Nghĩ thêm về Nguyễn- Chế Lan Viên)
Về một phía khác, câu thơ lại dồn nén, tỉnh lược tạo nên sự nhoè nghĩa, ám gợi. Đặc điểm này thấy rõ ở thơ Lê Đạt, Văn Cao, Trúc Thông, Nguyễn Hoa… Đó là những câu thơ mang vẻ đẹp hiện đại vì sự cô đọng và những liên tưởng tinh tế, phức tạp của nó.
Từ trời xanh
rơi
vài giọt tháp Chàm
(Quy Nhơn 1- Văn Cao)
Đó là chưa kể câu thơ Đặng Đình Hưng thì một mình một kiểu, phá bỏ mọi luật lệ của thơ cũng như ngôn ngữ nói chung để đạt tới tự do tuyệt đối. Các nhà thơ hiện đại có quan niệm về ngôn ngữ thơ khác với thơ truyền thống. Họ xem ngôn ngữ thơ là ngôn ngữ tự quy chiếu, là thứ ngôn ngữ mà hình thức chiếm ưu thế so với nội dung. Họ hướng tới thứ ngôn ngữ thơ đa nghĩa đòi hỏi sự đồng sáng tạo trong tiếp nhận. Câu thơ đối với họ không còn giống với bất kỳ một tiền lệ nào. Xu hướng thơ này đã và đang cố gắng vượt thoát thi pháp thơ thời 1932-1945 bằng mọi cách với quyết tâm như Trần Dần đã nói: “Phải chôn Thơ mới” [2]. Như vậy không thể nói câu thơ hiện nay không có gì thay đổi mạnh mẽ so với Thơ mới.
Phạm Quốc Ca
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
1.Lê Lưu Oanh(1998), Thơ trữ tình Việt Nam 1975-1990, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
2.Trinh Đường(biên soạn)(1991), Ngày hội thơ, Nxb Văn học, Hà Nội.
--------------------------------------------------
Ghi chú: Ảnh Nguyễn Thùy Dương (14, 15, 16, 17 và 18) và ảnh minh họa sưu tầm từ internet
Nhãn:
Ban tron van nghe
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét