Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2019
Trang Góc Nhỏ Văn Thơ - Sông không bao giờ thẳng - Hoàng Khánh Duy
SÔNG KHÔNG BAO GIỜ THẲNG - HOÀNG KHÁNH DUY
"Có bao giờ sông chảy thẳng đâu em
Sông lượn khúc lượn dòng mà đến biển
Bờ bãi loi thoi xóm làng ẩn hiện
Đời sông như đời người trên sông…
Hồi còn sống, ngoại thường hay chỉ ra sông mà nói: “Đó, dòng sông không bao giờ thẳng con ạ! Chỉ một quãng từ đây ra ngoài vàm mà sông đã uốn cong qua bao nhiêu khúc ngoặt, bao nhiêu doi đất. Lòng người cũng vậy đó con à! Mai sau ra đời con sẽ hiểu…”.
Phiến lặng thinh. Những gì ngoại nói có vẻ khó hiểu quá đối với đứa con gái mười ba, mười bốn tóc dài con chưa biết thắt, suốt ngày chân trần chạy nhảy trên đồng chẳng màn chuyện nắng ngấm vào da. Phiến để ý thấy dòng sông cong cong vắt ngang xóm nhỏ, buổi trưa nước ròng, bãi sông là là để lộ đám rong đuôi chó nằm nghển cổ dưới nắng. Những đêm nước lớn, dòng sông tràng giang uốn khúc trong đêm tối. Phiến nằm trong buồng mà nghe rõ mồm một tiếng nước chảy rì rào, bóng trăng lửng lơ đầu hồi và điệu hò phương Nam của một người khách lỡ đường nào đó qua sông vọng về ngọt ngào, sâu lắng…
Năm tháng trôi qua, những tưởng lời của ngoại đã lùi xa vào quá vãng. Nhưng không, mỗi lần Phiến đi ngang qua dòng sông, hoặc cái khoảnh khắc đứng trên cầu cao nhìn những quãng sông hình cánh cung, Phiến lại nhớ đến lời ngoại nói. Sông không bao giờ thẳng tắp một đường rẽ đất tìm về biển cả. Ngoại nói đúng. Người đàn bà ôm túi vải, đầu cổ rối bù và khuôn mặt phảng phất nét khổ đau cũng nói y như ngoại lúc Phiến đang đi dạo trên cầu gỗ lim bên bờ sông Hương. Phiến ngẩn người. Người đàn bà cười khanh khách rồi đi ngược chiều Phiến về phía cầu Trường Tiền. Phiến ngoảnh mặt ra sông. Mưa miền Trung lất phất.
Chuyến đò sớm nhất đưa Phiến về với xóm. Ngồi trong khoang đò co ro, từng đợt gió hất vào se lạnh. Trong đò chỉ còn Phiến với người thanh niên ngồi bên cạnh, đoán chừng cũng là tha nhân xa quê lập nghiệp bấy giờ trở lại cố hương. Phiến nhìn ra ngoài, cố lục tìm trong trí nhớ những hình hài quen thuộc. Xóm giờ thay đổi, cả con sông quen cũng thay đổi ít nhiều. Bao lần sông được người nạo vét, những đợt sóng đánh lở đất trôi tuột xuống đáy sông sâu thẳm khiến nó rộng ra hơn. Lòng Phiến bồn chồn. Ngập ngừng vài giây Phiến quay sang hỏi người thanh niên bên cạnh:
– Anh gì ơi, cho tôi hỏi sắp tới xóm Rèn chưa anh?
Người thanh niên nhìn Phiến, hỏi vội:
– Cô về xóm Rèn à? Đò vừa qua khỏi xóm Rèn ấy. Bác lái đò ơi, dừng lại, có cô này đi quá đường rồi nè!
Phiến ngớ người, rồi nhói. Không hiểu sao tự dưng Phiến thấy tim mình nhoi nhói. Thảo nào ban nảy khi đò chầm chậm qua quãng sông cong cong ấy Phiến cảm giác quen thuộc lắm. Hóa ra Phiến đã đi quá xa, xa như chuyến đi thuở thanh xuân Phiến từng dấn thân, lưu lạc…
– Bác ơi, con về xóm Rèn…
– Qua mất rồi! Thôi để bác ghé lại cho con đón chuyến đò ngược chiều về đó. Từ đây quay lại xóm Rèn cũng không xa, con chịu khó đi bộ độ hơn nửa tiếng là tới.
Phiến gật đầu, quay sang cười với anh thanh niên rồi bước lên bờ. Bác lái đò nhìn Phiến, vừa giận vừa thương. Ai đời lại quên bẵng quê hương, làng xóm của mình. Chính Phiến cũng thấy thẹn với lòng mình, với dòng sông dịu êm trong sớm mai đầy nắng. Chiếc đò chầm chậm đi. Phiến cũng chầm chậm bước. Bên bờ sông, con đường cũng cong cong không thẳng. Như sông. Như cuộc đời của Phiến.
Mộ ngoại nằm thoi loi giữa đồng cỏ bên bờ sông. Đường ra mộ ngoại có con mươn nhỏ chắn ngang, cây cầu gập ghềnh nối đôi bờ. Ngôi mộ nằm giữa cái nền nhà năm xưa. Ngoại mất, người trong xóm phóng lửa đốt nhà rồi chôn ngoại ở giữa. Cỏ mọc xanh um. Lau sậy phơ phất. Nắng rọi thằng vào khuôn mặt của Phiến.
Người xóm Rèn thấy có cô gái lạ về xóm, tụm năm tụm bảy bàn tán. “Chắc họ hàng xa của bà cụ”, họ bảo vậy. Phiến không nói gì dẫu Phiến nhớ rõ người vừa nói là cô Thư. Nhà cô Thư ở đầu xóm Rèn. Gọi là xóm Rèn vì xưa nay người trong xóm sống bằng nghề rèn đúc là chủ yếu. Lò rèn nhà cô Thư lớn và quy mô nhất xóm ngày trước. Thuở Phiến còn nhỏ, cô Thư thương Phiến, có gì ngon cũng í ới gọi Phiến sang cho. Nghe đâu đời ông nội, ông cố cô Thư ăn ở mất đức, đến đời con cô chịu khổ. Một đêm trộm lẻn vào nhà vơ sạch sẽ tài sản cô tích cóp được. Ngôi nhà tường có hàng bông giấy trước cổng cô Thư cũng bán đi lấy tiền trả nợ rồi dựng nhà lá ở cạnh bên. Phiến định lại chào cô, nhưng lòng trắc trở, đâu ai còn nhận ra con Phiến đầu trần chân đất “quê một cục” năm nào. Phiến đành cúi mặt đi thẳng ra mộ ngoại.
Đến tận bây giờ Phiến vẫn ân hận vì không nhìn được mặt bà ngoại lần cuối. Trong giây phút sinh ly tử biệt, một mình ngoại nằm trong căn nhà đơn độc, lạnh lẽo. Căn nhà ấy, năm xưa hai bà cháu đã từng sống những tháng ngày cơ cực mà ngọt ngào, bữa cơm đạm bạc cá rau, đêm nằm cạnh nhau trao truyền hơi ấm. Mẹ Phiến bỏ đi từ hồi năm nào không ai nhớ, ngoại cũng không nhớ, sau khi ba Phiến mất chừng một tháng. Người trong xóm tung tin đồn mẹ Phiến lên thành phố cặp đại gia, kiếm chát chưng diện bản thân, tô vẽ mặt mày. Cũng bởi trời cho người đàn bà ấy chút nhan sắc lẫn giọng nói đường mật bướm ong. Phiến lớn lên trong vòng tay người bà bao dung, đoạn đầu đời cô bé khung lại trong xóm nhỏ êm đềm nép mình bên dòng sông uốn khúc mà ngoại thường hay nhắc… Vậy mà đến khi ngoại mất Phiến lại không có ở nhà, không tận tay vuốt mắt cho người già yên lòng về nơi chín suối. Ngoại chết không nhắm mắt.
Phiến ngồi nhổ mấy bụi cỏ mọc trên nấm mồ của ngoại. Mộ ngoại nằm giữa đồng cỏ xanh, dưới mặt đất, trên bầu trời biêng biếc. Phiến tựa lưng vào mộ ngoại, chiếc đầm trắng xõa dài trên mặt đất quê hương, tóc Phiến xõa dài trên cỏ. Nước mắt Phiến chảy ra. Khóc. Ngày nhỏ Phiến vẫn hay khóc. Ngoại rầy Phiến cũng khóc. Nhớ mẹ Phiến cũng khóc. Hoặc chiều ngồi buồn buồn nhìn cánh đồng đìu hiu trong cơn mưa lất phất Phiến cũng khóc. Mà nước mắt hồi ấy trong trẻo vô ngần. Còn bây giờ… Phiến thở dài, cảm giác dựa lưng vào mộ ngoại hệt như dựa vào chính cơ thể gầy còm của ngoại. Lúc trước ngoại thường mặc áo bà ba, chiếc áo rách vai, ngoại vá lại bằng mảnh vải caro cũ kĩ. Giá như ngoại còn ở trên đời. Giá như ngoại đợi Phiến về với ngoại.
Phiến úp mặt lên ngôi mộ. Trời đất vô thanh. Phiến nức nở:
– Ngoại ơi! Ngoại! Con đã về với ngoại rồi đây. Con đang nằm cạnh ngoại đây. Mới đó đã gần mười năm. Mười năm con phiêu bạt. Mười năm con lầm lạc và đớn đau. Ngoại ơi, cho con theo ngoại với, đời khổ quá! Ngoại ơi…
Nước mắt đắng nghét. Đáp lại lời Phiến là tiếng gió và nhịp tim khẽ đập trong lồng ngực vẫn còn âm ĩ đau. Bác sĩ nói Phiến cần tịnh dưỡng nhiều hơn, mảnh thủy tinh trong ngực bác sĩ đã rút ra, nhưng vết thương vẫn chưa lành hẳn và thi thoảng vẫn còn rỉ máu.
Đời ô nhục. Phiến đứng lên từ nỗi đau và rồi tự tìm đến nỗi đau. Trong đêm, nghĩ mình chẳng còn gì luyến tiếc ở trên đời. Ngoại mất. Mẹ nơi đâu cũng không biết không hay. Người gieo lên Phiến hai tiếng: “Con điếm”. Phiến nhục nhã ê chề. Không kìm nén được lòng mình, Phiến cầm mảnh thủy tinh cắm phập vào lồng ngực để được đi theo ngoại. Trong lúc máu chảy ra đỏ hoét nền nhà, Phiến chợt nghĩ: “Mình chết đã đành, nhưng còn đứa nhỏ, nó có tội tình gì đâu?”. Nghĩ không thể mẹ làm con chịu, Phiến bụm tay kín vết thương ngăn máu chảy lao ra đường gọi taxi. Tài xế nhìn Phiến tiều tụy và máu me, ái ngại. Nhưng lương tâm không cho phép anh bỏ mặt, anh đưa Phiến tới bệnh viện, bác sĩ kịp thời cứu lấy hai mẹ con.
Đứa nhỏ là hi vọng duy nhất giữ Phiến trên đời.
Ngày ngoại mất cũng là ngày Phiến nằm trong bệnh viện. Lúc ấy, Phiến tỉnh dậy không biết chuyện gì vừa xảy ra với mình. Xung quanh là bốn bức tường trắng, mùi thuốc men, mùi bệnh hoạn, chết chóc. Khuôn mặt Phiến đau nhức dữ dội. Phiến đưa tay lên, sờ, bác sĩ đã băng kín khuôn mặt Phiến bằng một lớp băng gạt, chỉ để lộ hai con mặt.
Đêm hôm trước, một người đàn bà đứng trước cửa phòng trọ đợi Phiến về. Sau khi thóa mạ Phiến là “con giật chồng”, “con đĩ”,… người đàn bà vung tay hất ca nước gì đó vào mặt Phiến. Nóng lắm. Rát lắm. Nước thấm vào da thịt Phiến, ăn mòn khuôn mặt Phiến. Phiến ôm mặt gào thét, người đàn bà cười khanh khách rồi bỏ lên xe ô tô, đi mất biệt.
Bác sĩ nói chỉ có phẫu thuật thẩm mĩ mới trả lại được khuôn mặt của Phiến, nhưng không giống Phiến của ngày xưa. Phiến đồng ý. Phiến cũng không cần khuôn mặt mình phải y hệt ngày xưa. Trừ tuổi thơ êm đẹp thì thanh xuân của Phiến chỉ toàn những ngày dơ bẩn, nhơ nhuốt, nay nằm trong vòng tay người này, mai ân ái với người kia. Phiến đánh mất chính mình. Ngoại nói đúng, đường đời cũng như dòng sông, có bao giờ nó thẳng một đường đâu?! Đời rẽ ngoặt Phiến vào con đường sai trái. Trên con đường ấy, Phiến nhớ có lần Phiến trông thấy ai lướt qua thoáng giống mẹ ruột của Phiến. Phiến không lầm. Không thể lầm. Nhưng Phiến không quay lại gọi mẹ mà giận sôi nước mắt. Người đàn bà ấy trong bộ váy kiêu sa, khuôn mặt trang điểm rất sắc đang chăn dắt đám con gái nhà quê như Phiến cho bọn đại gia nằm phè phởn trong kia, chỉ cần chìa tiền là mua được một đêm khoái lạc…
Hình bóng mẹ phai nhòa trong tâm trí Phiến.
Phiến nhớ ngày Phiến rời quê, ngoại dặn: “Chừng nào tìm được mẹ mày, kêu mẹ mày về đây thăm ngoại, nghen con. Ngoại nhớ nó lắm! Đêm ngoại nằm mơ thấy nó hoài”. Phiến gật đầu. Nhưng rồi Phiến không dám bước đến bên cạnh mẹ khi đã gặp. Mà người đàn bà ấy cũng không nhận ra Phiến trong một hình hài khác. Đời Phiến trượt dài trên con đường tăm tối cho đến khi Phiến phát hiện mình mang giọt máu của “người dưng” trong người. Cho đến khi bản năng làm mẹ trỗi dậy, cứu rỗi cuộc đời Phiến.
Phiến về quê ngoại, nơi Phiến gắn bó những năm tháng tuổi thơ ngọt bùi. Bầu trời xóm ngoại vẫn xanh, dòng sông vẫn chảy và uốn khúc quanh co như cuộc đời. Chỉ có Phiến là không thể trở lại như xưa. Chỉ có ngoại là không thể sống dậy mà ôm ấp Phiến, yêu thương và rộng lượng thứ tha cho những lầm lạc của Phiến trong đời…
Sông có bao giờ thẳng?
Phiến nằm cạnh ngôi mộ của ngoại. Nắng quê hương dịu mát, gió quê hương thanh thoát vô ngần. Phiến đặt tay lên bụng mình, nhắm mắt mơ màng nghĩ về ngoại, về dĩ vãng, về những ngày sắp tới.
Chưa bao giờ lòng Phiến thanh thản như lúc này. Sau tất cả, quê nhà vẫn là chốn thương yêu, cưu mang và che chở chúng ta.
– Ngoại ơi! Ngoại thứ tha cho con, đất quê thứ tha cho con. Phải không ngoại? – Phiến bần thần.
Đôi mắt Phiến từ từ hé ra, trước mặt Phiến là bóng hình của mẹ…"
(Hoàng Khánh Duy | Sông không bao giờ thẳng)
Hoàng Khánh Duy tên thật là Phạm Khánh Duy, sinh năm 1997 tại Cà Mau, là thạc sĩ văn học , hội viên Hội Nhà văn thành phố Cần Thơ. Các tác phẩm đã xuất bản của anh khá đa dạng về chủ đề, thể loại như: truyện ngắn, bút ký, truyện dài, công trình chuyên khảo, lý luận phê bình văn học…
(Góc Nhỏ Văn Thơ)
-----------------------------------------------------------------------------------------
Ghi chú: ảnh Photo by Đặng Việt Dũng và ảnh minh họa sưu tầm từ internet.
Nhãn:
Ban tron van nghe
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét