Thứ Ba, 26 tháng 11, 2024
Trang Góc Nhỏ Văn Thơ - Hàn lộ
HÀN LỘ
Hôm nay (8/10) là khởi đầu của tiết Hàn Lộ, một trong 24 tiết khí của Âm Dương lịch phương Đông. Trước là 'Thu phân', sau là 'Sương giáng'. Hàn Lộ đánh dấu sự kết thúc của tháng Dậu và bắt đầu của tháng Tuất theo lịch Can Chi.
Hàn Lộ (寒露) dịch nghĩa đen là "Sương lạnh", lúc mặt trời ở xích kinh 195°, mưa dần ngớt đi, không khí lạnh dần, ban ngày trong trẻo, ban đêm sương đọng trên lá, do đó có tên Hàn Lộ. Trong "Nguyệt Lệnh Thất Thập Nhị Hậu Tập Giải" có nói: “Tháng Chín, sương đã lạnh, chuẩn bị đông kết”. Lúc này, nhiệt độ thấp hơn nhiều so với thời điểm Bạch Lộ, sương xuất hiện dày đặc hơn và không khí ban ngày lẫn ban đêm đều mang theo hơi lạnh.
Nguyễn Tử Thành đời Trần viết:
"Quy tứ chính sầu, thu chính hảo,
Nhất đoàn hàn lộ vị khai hoa."
(Day dứt ý về, thu thắm đẹp,
Nụ hoa chưa nở, hạt sương sa. - Nguyễn Trọng Nhàn dịch)
Thành ngữ Trung Quốc có câu "Lộ thủy tiên bạch nhi hậu hàn" (sương sớm trước trắng sau lạnh), ý chỉ tiết Bạch Lộ đầu thu trời mới lành lạnh, thì sang Hàn Lộ cuối thu đã đến hồi sương giá. Còn có câu tục ngữ khác về Hàn Lộ: "Hàn lộ quá tam triêu, quá thủy yếu tầm kiều" (Hàn Lộ qua ba ngày, qua sông cần tìm cầu), ám chỉ thời tiết đã trở lạnh, không thể đi chân trần lội nước qua sông hay xuống đồng như trước nữa.
Trong thời gian Hàn Lộ, người ta có thể cảm nhận rõ sự chênh lệch nhiệt độ. Từ những giọt sương trong veo chuyển dần sang cái lạnh rét buốt, phản ánh rõ ràng quá trình giảm nhiệt độ không ngừng. Khi khí lạnh gia tăng, vạn vật cũng dần trở nên hiu quạnh.
"Nguyệt Lệnh Thất Thập Nhị Hậu Tập Giải" cũng chia tiết Hàn Lộ thành 3 hậu:
Hồng nhạn lai tân (鴻鴈來賓): hồng nhạn quay về. "Tân" (賓) có nghĩa là khách. Con nào đến trước được gọi là chủ, con đến sau là khách, ý chỉ sự kết thúc của quá trình di cư. Chim nhạn đến vào giữa thu là chủ, đến cuối thu là khách. Trong sách "Thông Thư" ghi là "lai tân" (来滨 - tân có nghĩa là bờ nước), cũng có thể hiểu là đến bờ nước.
Tước nhập đại thủy vi cáp (雀入大水為蛤): sẻ vào biển hóa thành nghêu. Sẻ là loài chim nhỏ, có nhiều loại, trong trường hợp này là chim sẻ vàng. "Đại thủy" là biển. Trong "Quốc ngữ" có ghi rằng chim sẻ khi vào biển sẽ biến thành nghêu, vì khi gió lạnh thổi mạnh, chúng sẽ lặn xuống biển. Thực ra vào cuối thu trời lạnh, không còn thấy chim sẻ, người xưa thấy bên bờ biển xuất hiện nhiều nghêu, và nhận thấy các vân trên vỏ nghêu có màu sắc giống với lông chim sẻ, nên cho rằng chim sẻ biến thành nghêu.
Cúc hữu hoàng-hoa (菊有黃花): hoa cúc nở vàng. Các loại cỏ cây đều nở hoa dưới ánh dương, nhưng chỉ riêng hoa cúc nở trong bóng râm, nên mới có sự phân biệt về màu sắc. Màu vàng của hoa cúc phù hợp với thời điểm cuối thu khi đất đang vượng khí.
Bạch Cư Dị có bài thơ:
"Niểu niểu lương phong động, thê thê hàn lộ linh.
Lan suy hoa thủy bạch, hà phá diệp do thanh.
Độc lập tê sa hạc, song phi chiếu thủy huỳnh.
Nhược vi liêu lạc cảnh, nhưng trị tửu sơ tỉnh"
(Gió mát nhè nhẹ lay động,
Sương lạnh thê lương rơi.
Hoa lan tàn úa, hoa bắt đầu trắng,
Lá sen rách, nhưng vẫn còn xanh.
Con hạc đứng một mình trên bãi cát,
Cặp đom đóm bay soi bóng nước.
Trong cảnh tiêu điều lặng lẽ,
Lại gặp lúc vừa tỉnh khỏi men rượu)
Đường Dần thời Minh viết:
"Phi hoán hành diêu loại cấp nan,
dã điền hàn lộ dục thành đoàn.
Mạc ngôn tứ hải giai huynh trường,
cốt nhục nhi kim lãnh nhãn khán."
(Chim bay gọi nhau, chao liệng như gặp nạn,
Sương lạnh trên đồng hoang sắp đông thành giọt.
Chớ nói khắp bốn bể đều là anh em,
Người thân giờ cũng nhìn nhau bằng ánh mắt lạnh lùng.)
(Góc Nhỏ Văn Thơ)
-----------------------------------------------------------------------------------------
Ghi chú: ảnh Belux Studio và ảnh minh họa sưu tầm từ internet.
Nhãn:
Ban tron van nghe
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét