Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2019

Ca dao, tục ngữ qua góc nhìn vật lí



CA DAO, TỤC NGỮ QUA GÓC NHÌN VẬT LÍ

Thật thú vị khi chúng ta dạy hay học ca dao tục ngữ lại biết thêm được giải thích cái hay, cái đúng của những kinh nghiệm bao đời này bằng kiến thức của các môn khoa học tự nhiên. Các thầy cô dạy Văn, dạy tiếng Việt và các bạn học sinh sẽ trả lời được câu hỏi: Tại sao?

Với bề dày 4 000 năm lịch sử, nhiều kinh nghiệm sống quý báu đã được cha ông ta đúc rút thành các câu ca dao tục ngữ để truyền lại cho con cháu sau này. Nhưng ít ai biết được rằng những câu ca dao ấy lại liên hệ rất gần gũi với các bộ môn khoa học tự nhiên: vật lí, hóa học, sinh học, địa lí,…Để giúp học sinh phát huy được năng lực sáng tạo, tư duy, tạo hứng thú trong học tập để tiết học bớt khô khan căng thẳng, bài viết này xin giới thiệu một số câu ca dao tục ngữ có thể vận dụng kiến thức Vật lí để giải thích.


1. Thùng rỗng kêu to


Ý nghĩa: Câu tục ngữ ý chỉ người chẳng có gì thì lại thích khoe khoang, huênh hoang, khoác loác, tự cao tự đại, làm như ta đây hay, giỏi.
   
Góc nhìn Vật lí (Vật lí 7 – âm học): Khi gõ vào thùng, thùng bắt đầu dao động. Tùy theo mức độ gõ vào thùng lớn hay nhỏ mà không khí trong thùng sẽ có biên độ dao động lớn hơn. Với cùng mức gõ, thùng rỗng không khí bên trong thùng dao động mạnh hơn vì không có vật cản (là vật chứa trong thùng) nên âm thanh nghe được to hơn.

2. Ráng mỡ gà có nhà thì giữ.




Ý nghĩa: Khi trời có ráng mỡ gà, sẽ có mưa bão lớn (ráng mỡ gà là những đám mây màu vàng giống như mỡ gà, câu tục ngữ nhắc nhở con người ý thức phòng chống bão lụt.

Góc nhìn Vật lí (vật lí 7 – sự truyền ánh sáng): Nguyên nhân của sự xuất hiện những áng mây vàng giống như những đám mây mỡ gà xuất hiện ở chân trời vào sáng sớm hay hoàng hôn. Khi bão tới gần, không khí ở trong bão xáo động mạnh làm gia tăng những hạt hơi nước nhỏ trong không khí. Ánh Mặt Trời chiếu qua lớp không khí này sẽ bị tán xạ mạnh hơn, khiến các tia sáng có bước sóng ngắn tán xạ ra hết xung quanh, chỉ còn lại ánh sáng màu vàng chiếu xuống cho ta nhìn thấy.

3. Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài


Ý nghĩa: Khi ở trong một xã hội nào đó thì ta sẽ bị ảnh hưởng bởi nó và có xu hướng biến đổi cho phù hợp. Nó có phần giống như câu tục ngữ "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng" vậy. Ví dụ : đi đám tang thì không thể cười nói vui vẻ hay ăn mặc lòe lẹt như đi đám cưới được, khi chiến tranh ở trong vùng địch thì phải biết chiến thuật đánh du kích chứ không thể đánh chính quy như ở ngoài được. Những đứa trẻ mặc dù sinh ra ở những nơi có hoàn cảnh nghèo khổ, nhưng với sự phấn đấu hết mình, không đầu hàng số phận, thích nghi với mọi hoàn cảnh sống thì ta thấy sau này những đứa trẻ đó chắn chắc sẽ thành công trong cuộc sống
   
Góc nhìn Vật lí: Đây cũng chính là tính chất của chất lỏng, không có hình dạng xác định mà có hình dạng của bình chứa.

4. Trời nóng chóng khát, trời mát chóng đói


+ Trời nóng: Câu này nói về hiện tượng bay hơi nước phụ thuộc vào nhiệt độ, liên quan mật thiết đến kiến thức sự bay hơi ở chương trình lớp 6. Vào những ngày trời nóng, lỗ chân lông mở rộng, cơ thể con người bị mất nước nhiều do hiện tượng bay hơi nước qua da. Vì vậy làm cho ta mau khát nước. Cho nên chúng ta phải bổ sung đầy đủ lượng nước cho cơ thể để không bị mất nước làm ảnh hưởng đến sức khỏe.

+ Trời mát: Nhiệt độ bên ngoài thấp hơn nhiệt độ cơ thể nhiều các cơ co dãn liên tục gây phản xạ run để tăng sinh nhiệt, thức ăn được tiêu hóa nhanh hơn để bổ sung năng lượng cho cơ thể.

5. Nước chảy đá mòn (hay có công mài sắt có ngày nên kim)


Ý nghĩa: nói lên sự chăm chỉ, kiên nhẫn trong công việc và cuộc sống sẽ dẫn đến một kết quả rõ rệt.
   
Góc nhìn Vật lí: Khi nước chảy thì lực tác dụng lên hòn đá là lực đẩy của nước và lực ma sát giữa đá và nước. Lực làm cho vật biến dạng hoặc biến đổi chuyển động, trong trường hợp dòng nước không đủ mạnh thì lực này không thể làm hòn đá dịch chuyển. Lực này tác dụng lâu ngày sẽ làm cho hòn đá bị mài mòn.

6. Lúa chiêm lấp ló đầu bờ.

Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên.


Ý nghĩa: Lúa vụ chiêm đang thì con gái (giai đoạn tăng trưởng nhanh) khi gặp mưa giông có sấm sét thì lúa phát triển nhanh và tươi tốt hơn.
   
Góc nhìn Vật lí: Mưa giông thường diễn ra trong mùa hè, khi có mưa giông thì kèm theo hiện tượng sấm, sét.

Sét là sự phóng điện giữa các đám mây tích điện trái dấu hoặc giữa đám mây với mặt đất. Khi hai đám mây tích điện trái dấu lại gần nhau, hiệu điện thế của chúng có thể lên hàng triệu vôn, giữa hai đám mây có hiện tượng phóng điện. Dòng điện phóng qua không khí làm nó trở thành plasma và phát sáng ta gọi là chớp (tức là hình ảnh của tia lửa điện). Không khí bị dãn nở đột ngột tạo nên âm thanh gọi là sấm. Mặt khác thành phần không khí chủ yếu là N2 và O2. Ở điều kiện thường thì N2 và O2 không phản ứng với nhau, nhưng khi có sấm chớp (tia lửa điện) thì chúng lại phản ứng tạo thành đạm cung cấp cho cây trồng. Nhờ đó mà sau các trận mưa giông có sấm chớp thì cây cối trở nên xanh tốt.

7. Mưa tránh trắng, nắng tránh đen


Góc nhìn Vật lí: Ban đêm trời có mưa thì các vũng nước đóng vai trò là gương phản xạ ánh sáng nên có màu trắng, còn nếu trời nắng thì chỗ có sình lầy không phản xạ ánh sáng và có màu đen. Vì vậy, đi ban đêm nếu trời mưa thì nên tránh những chỗ đường màu trắng, và ngược lại khi trời nắng thì tránh chỗ đường màu đen

8. Chuồn chuồn bay thấp thì mưa

Bay cao thì nắng bay vừa thì râm


Góc nhìn Vật lí (Vật lí 10 nâng cao – sự hóa hơi và sự ngưng tụ): Chuồn chuồn bay thấp hay bay cao phụ thuộc độ ẩm của không khí.

Do cánh của chuồn chuồn quá mỏng lại có các nan đặc biệt hút được độ ẩm của không khí. Vậy nên khi trời sắp mưa thì độ ẩm trong không khí tăng cao, không khí có nhiều hơi nước, đọng vào những bộ cánh mỏng của chuồn chuồn, làm tăng tải trọng, khiến chúng chỉ có thể bay thấp gần sát mặt đất.

Khi trời nắng, độ ẩm không khí giảm, cánh của chuồn chuồn khô đi và nhẹ hơn nên sẽ bay được cao hơn.

9. Trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa


Ý nghĩa: trăng quầng thì thời tiết khô hạn, trăng tán thì sắp mưa.
   
Góc nhìn Vật lí:
+ Trăng quầng: Nguyên nhân gây nên hiện tượng trên là do trong bầu khí quyển cách mặt đất khoảng 8 km có lớp mây ti mỏng. Đó là các đám mây không gồm những giọt hơi nước như bình thường mà gồm các tinh thể băng hình lăng trụ lục giác (Hình minh họa bên dưới). Khi ánh sáng Mặt Trời chiếu xuống Trái Đất đi xuyên qua các tinh thể băng trong đám mây này với góc tới thích hợp sẽ bị khúc xạ với góc khúc xạ vào khoảng 22o (Góc nhìn rõ ảnh khúc xạ từ đám mây). Các tia khúc xạ này kết hợp với nhau tạo nên ảnh một quầng sáng có màu đỏ bên trong rồi da cam, vàng, lục, lam, chàm, tím (trong khúc xạ do tia tím bị lệch nhiều nhất nên nó nằm bên ngoài đường tròn quầng sáng).

Vậy hiện tượng khúc xạ ánh sáng qua lớp mây ti để hình thành quầng sáng thì liên quan gì đến việc thời tiết “khô hạn”?

Lý do là từ nguồn gốc hình thành mây ti như sau:


Do khí quyển bên trên có độ ẩm và nhiệt độ khá thấp (lượng hơi nước trong không khí ít, nhiệt độ -22oC)  hơi nước bị đóng băng thành các tinh thể băng hình thành lớp mây ti mỏng, từ đó mới hình thành quầng sáng Mặt Trời hoặc Mặt Trăng. Về cuối mùa thu đầu mùa đông nhiệt độ xuống thấp, hơi nước ít nên hay hình thành mây ti do vậy hình thành quầng sáng Mặt Trời, mà mùa này thì khô hanh, ít mưa, hoặc vào mùa hè, sau trận mưa giông lượng hơi nước ít đi, nhiệt độ không khí giảm, trên cao hay hình thành đám mây ti, báo hiệu trời sẽ rất nắng vài ngày sau. Do đó mới có câu “Trăng quầng thì hạn”. Tuy nhiên hiện tượng này cũng không phải lúc nào cũng đúng, đôi khi mây ti hình thành vào mùa hè báo hiệu một vùng khí nóng mang nhiều hơi nước, và sẽ mang mưa giông đến trong vài giờ tới!


+ Trăng tán: Như ta đã thấy một hiện tượng rất rõ khi đi trên đường vào buổi tối có hơi sương hoặc có sương mù. Ta thấy đèn của xe máy đi ngược chiều so với ta dường như mờ và to ra, như là hình thành thêm cái tán xung quanh. Đó chính là hình ảnh bị nhiễu xạ qua giọt nước của ánh sáng do đèn pha xe máy phát ra.

Như vậy khi có hiện tượng trăng tán tức là trong không khí độ ẩm tương đối lớn nên dễ hình thành những đám mây mưa


10. Cầu gì chỉ mọc sau mưa. Lung linh bảy sắc bắc vừa tới mây?

Cầu vồng là hiện tượng tán sắc của các ánh sáng từ Mặt Trời khi khúc xạ và phản xạ qua các giọt nước mưa.

Tùy vào số lần phản xạ mà người ta phân ra làm cầu vồng bậc 1, bậc 2... Trong đó cầu vồng bậc 1 là rõ nhất (chỉ có 1 lần phản xạ nên năng lượng sáng tới mắt lớn nhất). Thường cầu vồng nhìn thấy là cầu vồng bậc 1. Tuy nhiên đôi khi ta còn quan sát thêm được cầu vồng bậc 2 hay cầu vồng kép mà trật tự màu sắc lại ngược lại với cầu vồng bậc 1 và cường độ sáng yếu hơn.

Do cầu vồng được nhìn bởi cùng 1 góc (gần 42o với cầu vồng bậc 1 và 53o với cầu vồng bậc 2), là góc mà cường độ sáng của tất cả các tia Mặt Trời qua các giọt nước là đạt cực đại, nên cầu vồng có dạng một cung tròn. 


sưu tầm 



-------------------------------------------------------------------------
Ghi chú: Bài và ảnh minh họa sưu tầm từ internet

Không có nhận xét nào :