Thứ Hai, 18 tháng 12, 2017

Trang Góc Nhỏ Văn Thơ - Lên Côn Sơn - Khương Hữu Dụng

Góc Nhỏ Văn Thơ


LÊN CÔN SƠN - KHƯƠNG HỮU DỤNG

[Sai mà đúng, đúng mà sai]

Nhà thơ Khương Hữu Dụng vốn là người kỹ tính. Bài thơ "Lên Côn Sơn" được ông viết vào năm 1980, kỷ niệm 600 năm sinh Nguyễn Trãi.

Lên đỉnh Côn Sơn tìm Nguyễn Trãi
Trên đầu xanh ngắt một bầu không
Bàn cờ thế sự quân không động
Mà dấy quanh mình nỗi bão dông


Photo by Đinh Văn Linh



Photo by Đinh Văn Linh


Nhà thơ đặc biệt trăn trở ở câu cuối, loay hoay mãi nên là "nổi bão dông" hay "nỗi bão dông". Cuối cùng ông chọn "nỗi" (dấu ngã) là hay hơn, cũng xem như là bản gốc của bài thơ này.

Ấy vậy mà một tờ báo ở Hà Nội lại in sai bài thơ đúng ngay cái dấu đó, từ "nỗi" thành ra "nổi". Theo lời nhà thơ Vân Long, già Khương liền đến đấy mà trách rằng "Các ông in ấn thế này thì thơ nó chết ông ạ! Mà đối với tôi, thơ nó chết thì người còn sống làm gì! Cả bài tứ tuyệt của tôi, chỉ đáng giá chữ nỗi lại in thành nổi! Tức là nó "chết" cả bài thơ! Các ông có biết không?".

Chưa hết, ít lâu sau tạp chí "Tài hoa trẻ" cho đăng bài bình thơ "Lên Côn Sơn" của nhà thơ Trinh Đường, cũng vẫn in sai ngay dấu câu đó: "Câu 3, câu 4: Động sao được một bàn cờ bằng đá mà ức Trai đã "đàm tâm" cách đây đã hơn nửa thiên niên kỷ! Chữ nổi (dấu hỏi) trong câu 4 đã làm nhiều bạn thơ đến khen ngợi già Khương".

Không những in sai, mà Trinh Đường còn khen ngay cái chỗ sai đó!
Vậy mới hay khi nhà văn nhà thơ viết ra tác phẩm, vừa đặt bút xuống xong thì bài văn bài thơ ấy hóa ra chẳng thuộc về mình nữa. Cái đánh giá, cái nhận xét, cái hiểu, cái cảm giờ nằm trong tay độc giả, thậm chí hiểu sai (ý ban đầu) mà khen hay.

Nhà thơ Vân Long đã từng hỏi ý một số nhà thơ xem họ chọn chữ nào, nếu là thơ của họ. Nhà thơ Đông Trình ở Đà Nẵng cho biết: "Tôi thấy cái chữ nỗi mà cụ quyết liệt bảo vệ không hay hơn chữ nổi đã bị in nhầm.

Nỗi bão dông nó lặn vào bên trong làm câu thơ có chiều sâu, nhưng không sinh động, không hiện thực bằng nổi bão dông! Bởi lẽ: Dù bàn cờ thế sự quân không động, thì nỗi bão dông trong lòng vẫn có thể diễn ra! Không động mà nỗi là bình thường, không động mà nổi thì mới lạ, mới hay!"

Hoàng Nhuận Cầm cho rằng: "Tôi thấy chữ nổi hay hơn, vì nó được nhìn thấy ở quanh mình, và không phải nhà thơ thì không nhìn ra được! Nó là sự đối lập với hình ảnh Bàn cờ thế sự quân không động!".


Photo by Đinh Văn Linh


Còn bản thân Vân Long lại bỏ phiếu cho già Khương.

Bàn về việc này, Khương Băng Kính - con gái nhà thơ Khương Hữu Dụng viết: "Tôi xin đính chính: Đầu đề bài thơ là "Côn Sơn" (chứ không phải "Lên Côn Sơn"). Theo như tôi biết, sinh thời, ba tôi cũng hơi tiếc về sự nhầm lẫn này. Cụ bảo: Cụ muốn nói đến "Vấn đề Côn Sơn" (với ý nghĩa rộng và sâu hơn), nghĩa là nói về cuộc đời éo le của Nguyễn Trãi mà hậu thế mãi còn cảm thấy đau xót, chứ không phải "Lên Côn Sơn" có thể chỉ để du ngoạn, thưởng cảnh!" Bà cũng cho hay bản thân Khương Hữu Dụng cũng đôi chút phiền lòng khi nhà thơ Trinh Đường tưởng như rất hiểu mình mà lại nhầm lẫn ở từ quan trọng trong bài thơ.

Thôi thì việc đúng sai vốn chẳng dễ bàn, mà hay dở lại càng ở mắt người đọc. Bài thơ "Lên Côn Sơn" (hay "Côn Sơn") là một trong những bài thơ tuyệt hay của Khương Hữu Dụng, thể hiện cái trăn trở, cái khí khái của thi nhân, kể bằng chất liệu hoài cổ mà không lạc thời. Ít ra ở hậu thế vẫn đang ngâm bài thơ ấy, trên bước đường lên đỉnh Côn Sơn thăm Nguyễn Trãi, thăm bước chân già Khương nửa thế ký trước.

(Góc Nhỏ Văn Thơ)


Photo by Đinh Văn Linh



--------------------------------------------------
Ghi chú: ảnh Photo by Đinh Văn Linh và ảnh minh họa sưu tầm từ internet

Không có nhận xét nào :