Thứ Ba, 12 tháng 9, 2017

Trang Góc Nhỏ Văn Thơ - Thời xa vắng

Góc Nhỏ Văn Thơ


THỜI XA VẮNG

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận định: văn chương sau năm 1945 không có nhiều chuyển biến, chủ yếu xoay quanh đề tài về chiến tranh, lý tưởng cách mạng. Các tác phẩm thường dựng nên hình ảnh tập thể, nhân vật chung chung, không có tên gọi, hình hài, số phận. Cho đến năm 1986, tiểu thuyết "Thời Xa Vắng" của cố nhà văn Lê Lựu ra đời, đánh dấu công cuộc văn học thời kỳ Đổi mới thông qua việc khắc họa thân phận con người cụ thể, đi sâu vào nội tâm.
"Giang Minh Sài từ tên nhân vật, được xem như một tính từ nói về thân phận con người một thời, không được làm chủ số phận, không được sống thật với chính mình. Đó là chiều sâu của tác phẩm, là sự xuất sắc của Lê Lựu".


Photo by Nguyễn Đình Tròn



Photo by Nguyễn Đình Tròn


Nhiều bạn văn cho rằng tiểu thuyết viết từ chính cuộc đời Lê Lựu. Thậm chí có người nhầm ông với Sài, gọi ông là "anh cu Sài", một người nông dân hiền lành, cầm súng ra chiến trường, chưa kịp sống, chưa kịp yêu thương lại phải đối mặt với chiến tranh, cái chết.

"Thời xa vắng" kể về Giang Minh Sài, anh nông dân học giỏi, lớn lên trong bầu không khí cũ kĩ, lạc hậu của làng Hạ Vị. Chính cái xã hội lưng chừng nửa thực dân phong kiến, cái tư tưởng cổ hũ đã khiến Sài chịu nhiều áp lực, buộc phải làm theo những điều mà gia đình cho là tốt nhất. Khi mới 12 tuổi, Sài bị bố mẹ ép cưới Tuyết - cô gái hơn mình ba tuổi. Không có tình cảm với vợ, anh sống như một con rối, để rồi khi gặp Hương anh đã biết thế nào là tình yêu.

Ngay cả khi nhường suất học cho Hương, vào bộ đội, thuyên chuyển khắp nơi rồi tới tận lúc hòa bình, Sài vẫn không thực sự có được hạnh phúc của riêng mình. Sau này, Sài ly hôn Tuyết và kết hôn với Châu - một người yêu khác. Tuy nhiên, bi kịch xảy ra khi anh phát hiện con trai lớn Giang Minh Thùy không phải là con đẻ, mà là cốt nhục của Châu và tình cũ. Cuối cùng, anh chọn trở về quê hương.

“Nửa đời người phải yêu cái người khác yêu, nửa còn lại đi yêu cái mình không có, đến bây giờ mới biết mình như thế nào thì lại…” – Đây là lời mà Sài nói khi biết tình yêu và cuộc hôn nhân với Châu là sai lầm, biết mình bị Châu lừa dối, biết đứa con của hai người chẳng phải máu mủ.


Photo by Nguyễn Đình Tròn

Photo by Nguyễn Đình Tròn


"Thời xa vắng" đoạt giải A Hội Nhà văn Việt Nam năm 1990,  được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên năm 2003, được sự yêu mến của khán giả và đánh giá cao từ giới chuyên môn.

(Góc Nhỏ Văn Thơ)


Photo by Nguyễn Đình Tròn


--------------------------------------------------
Ghi chú: ảnh Photo by Nguyễn Đình Tròn và ảnh minh họa sưu tầm từ internet

Không có nhận xét nào :