Thứ Hai, 1 tháng 7, 2024

Trang Góc Nhỏ Văn Thơ - Ngậm ngùi - Lửa thiêng (1940) - Huy Cận

Góc Nhỏ Văn Thơ


NGẬM NGÙI - LỬA THIÊNG (1940) - HUY CẬN

"Ngậm ngùi" là một trong những bài thơ đáng nhớ nhất trong tập thơ "Lửa thiêng" của nhà thơ trẻ Huy Cận - khi xuất bản "Lửa thiêng" năm 1940, ông chỉ vừa 21 tuổi. Chất thơ độc đáo, tinh tế, vừa mới mẻ, vừa đượm nồng hương vị Á Đông của Huy Cận đã đưa ông trở thành gương mặt sáng giá bậc nhất của phong trào Thơ mới, vốn vẫn là địa hạt của những tên tuổi như Xuân Diệu, Thế Lữ, Chế Lan Viên...

Đọc bài thơ, ít ai đặt câu hỏi "bài thơ này dành cho ai?", bởi những tình cảm sâu sắc, rung động kia từ một nhà thơ thời Thơ Mới hẳn nhiên là dành cho một nàng thơ, một giai nhân, một bóng hồng nào đấy trong tâm tưởng.

"Ngủ đi em, mộng bình thường!
Ru em sẵn tiếng thuỳ dương mấy bờ…"

Thật ra, bài thơ này là Huy Cận viết dành tặng cho người em gái xấu số của mình. Theo lời ông Cù Huy Chử, em trai nhà thơ, kể lại rằng "Quê Huy Cận ở Nghệ An, ông bố là một thầy đồ nho hết thời, tất cả trông nhờ vào sự tần tảo lam lũ của vợ. Ông bố là thầy đồ nên suốt đời chẳng làm ăn gì cả, ăn ở không suốt ngày ngồi gặm cái quạt buồm đến nỗi nó vẹt mòn mất cả cán. Nhà lại đông con, có đến 7 anh chị em.


Photo by Đặng Việt Dũng



Photo by Đặng Việt Dũng


Huy Cận rất thương cô em gái út. Vì nhà nghèo lại đông con nên ông phải vào Huế giúp việc cho một người bà con để được nuôi ăn học.

Ở nhà cô út chỉ quanh quẩn bên mẹ. Ngày xưa liên lạc đâu phải dễ dàng. Cô út khoảng 10 thuổi thì bị đậu mùa rồi qua đời. Nghỉ hè, Huy Cận về nhà mới biết em út đã mất.

Ông ra thăm mộ em ở cuối vườn, nơi có trồng mấy cây thông reo. Cỏ mắc cỡ lẫn cỏ dại trùm cả ngôi mộ”

"Nắng chia nửa bãi chiều rồi…
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu.
Sợi buồn con nhện giăng mau;
Em ơi! hãy ngủ… anh hầu quạt đây.
Lòng anh mở với quạt này;
Trăm con chim mộng về bay đầu giường.
Ngủ đi em, mộng bình thường!
Ru em sẵn tiếng thuỳ dương mấy bờ…
Cây dài bóng xế ngẩn ngơ…
Hồn em đã chín mấy mùa buồn đau?
Tay anh em hãy tựa đầu,
Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi."

Bài thơ này được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành bài hát cùng tên. Chữ thùy dương trong câu "ru em sẵn tiếng thùy dương mấy bờ" nói về "cây dương liễu, được người dân miền Trung gọi là phi lao hoặc thông, tùy vùng. Ở ven biển nó thường được trồng rất nhiều nên bà con vẫn gọi là các rừng thông."

Trong bài hát "Về Miền Trung" cũng của Phạm Duy có câu: “Về miền Trung miền thùy dương bóng dừa ngàn thông”, hay bài "Thương về miền trung" của nhạc sĩ Duy Khánh (có nguồn khác là nhạc sĩ Châu Kỳ) cũng có câu "Người ơi, có về miền quê hương thùy dương. Nước chảy còn vương bao niềm thương, cho nhắn đôi lời"

(Góc Nhỏ Văn Thơ)


Photo by Đặng Việt Dũng



--------------------------------------------------
Ghi chú: ảnh Photo by Đặng Việt Dũng và ảnh minh họa sưu tầm từ internet

Không có nhận xét nào :