Thứ Hai, 16 tháng 11, 2020

Cách đọc hiểu tác phẩm ngoài chương trình

Photo by Hoàng Mạnh Quyết


CÁCH ĐỌC HIỂU TÁC PHẨM THƠ NGOÀI CHƯƠNG TRÌNH

Thơ ca là loại hình nghệ thuật đặc thù, được tạo thành từ những rung động mãnh liệt của người nghệ sĩ trước hiện thực đời sống, vì thế, khi đọc hiểu thơ, cần chú ý đến các yếu tố như: nhân vật trữ tình, hoàn cảnh sáng tác, tình cảm tư tưởng, các dấu hiệu đặc biệt trong hình thức thể hiện của bài thơ, giọng thơ riêng của tác giả so sánh với các tác giả khác…

1️. xác định nhân vật trữ tình.

Nhân vật trữ tình trong bài thơ thực chất cũng chính là tác giả, trong quá trình sáng tạo đã tự hoá thân để dễ dàng hơn trong việc bày tỏ những tâm tư cảm xúc trước hiện thực đời sống, đọc hiểu thơ, phải nắm bắt yếu tố này trước tiên. Từ nhân vật trữ tình, có thể nhận biết được nhanh các yếu tố tiếp theo của bài thơ

2️. Xác định hoàn cảnh sáng tác.

“Lịch sử nào thì văn học ấy”, phải đặt tác phẩm vào đúng hoàn cảnh tạo sinh nên, người đọc mới có thể hiểu sâu hơn về những cảm xúc, cách thể hiện của người viết. Xu hướng hiện nay trong các đề thi, sau phần văn bản thơ, sẽ có những chú dẫn về hoàn cảnh sáng tác, các từ ngữ… HS cần tinh tế nhanh nhạy nắm bắt, kết hợp với vốn hiểu biết xã hội của chính mình để có được cảm nhận đầy đủ về bài thơ


Photo by Hoàng Mạnh Quyết



Photo by Hoàng Mạnh Quyết


3️. Xác định cảm xúc, tư tưởng của nhân vật trữ tình

Lecmontop từng thổ lộ “Có những đêm không ngủ, mắt rực cháy và lòng thổn thức tâm tư, khi ấy tôi viết”, lời tâm sự đã khái quát được vấn đề cốt lõi của thơ ca, đó chính là cảm xúc, đặc biệt đó phải là những trạng thái cảm xúc mãnh liệt dâng tràn từ tâm hồn thính nhạy của nghệ sĩ trước đời sống, nếu tình cảm hời hợt nông cạn, thơ sẽ trở thành những con chữ “thấp khớp” nằm thẳng đơ trên trang giấy. Đọc hiểu thơ, cần nhận định được cảm xúc người nghệ sĩ muốn thể hiện, để từ đó có thể soi chiếu vào chính tâm hồn, nuôi dưỡng những tình cảm tốt đẹp…

4️. Xác định các dấu hiệu đặc biệt về nghệ thuật

Chữ, hình ảnh thơ, các biện pháp nghệ thuật, giọng điệu… đều là những điểm đặc sắc về hình thức nghệ thuật của bài thơ. Thơ vốn là thể loại đòi hỏi sự hàm súc, cô đọng, nên mỗi chữ đưa vào bài đều là kết quả của quá trình chọn lọc kì công, thậm chí khổ luyện, trả chữ với giá “cắt cổ” của người nghệ sĩ, vì vậy, khi đọc hiểu, cần phát hiện những điểm này để đưa ra những bàn luận sao cho thấu đáo.

5️. Xác định điểm riêng biệt độc đáo của nhà thơ

Riêng và độc đáo- thực chất là phong cách sáng tạo của người nghệ sĩ, phân biệt người viết đó với những người viết cùng trào lưu, nhóm, giai đoạn… Đây cũng là điểm tạo nên những dấu ấn đậm sâu của người sáng tạo trong dòng chảy văn chương, như cách nói “đứng trước văn chương cũng như đứng trước dãy núi chạy thẳng về chân trời quá khứ, người ta chỉ có thể nhìn thấy những đỉnh cao mà thôi”


Photo by Hoàng Mạnh Quyết


Sau đây là một ví dụ minh hoạ cụ thể cho những yếu tố đã đề cập ở trên

Bài thơ: NHỚ - Phạm Tiến Duật

(Lời một chiến sĩ lái xe)

Cái vết thương xoàng mà đi viện
Hàng còn chờ đó tiếng xe reo
Nằm ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ bến
Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo.
(1969)

🔹️Nhân vật trữ tình: Người lính lái xe của những năm kháng chiến chống Mĩ cứu nước

🔹️Hoàn cảnh sáng tác: Người lính bị thương phải nằm viện, không thể tiếp tục lái xe chở hàng chi viện tiền tuyến

🔹️Tâm trạng người lính: Bồn chồn, mong ngóng, muốn nhanh chóng được trở lại với công việc lái xe chở hàng chi viện chiến trường

🔹️Các dấu hiệu nghệ thuật: Đối lập: vết thương xoàng- đi viện, nhân hoá: hàng chờ, xe reo, liệt kê đi kèm điệp từ: nằm ngửa- nhớ trăng, nằm nghiêng- nhớ bến, ngồi dậy- nhớ lưng đèo

🔹️Điểm riêng biệt, độc đáo của Phạm Tiến Duật: Giọng thơ trẻ trung, có phần ngang tàng, nhưng cũng đậm chất sâu lắng, trữ tình, tái hiện rất đẹp hình tượng người lính lái xe cung đường Trường Sơn những năm kháng chiến chống Mĩ ác liệt…

🍄Từ những định hướng như trên, HS có thể viết đoạn văn cảm nhận về bài thơ:

Bài thơ “Nhớ” của Phạm Tiến Duật đã ghi lại chân thực và xúc động tâm trạng của người lính lái xe Trường Sơn, thời điểm cuộc kháng chiến chống Mĩ đang bước vào giai đoạn khốc liệt (1969). Người lính ấy bị thương, phải nằm viện điều trị, không thể theo những chiếc xe, những chuyến hàng chi viện cho chiến trường miền Nam, chính lúc chiến trường cần kíp, thúc giục khẩn trương. Lời thơ mở đầu cho thấy nhân vật không hề muốn phải đi viện, tự nhận định vết thương của bản thân chỉ là “xoàng” không có gì nặng. Nhưng đường Trường Sơn năm 1969, biết bao mưa bom và bão đạn, bụi nhoà và “trời lửa”, đã có biết bao con người hoá thành “vầng mây trắng” nơi rừng núi ấy, những người lính lái xe luôn phải đương đầu với hiểm nguy, chết chóc, vì thế, “vết thương xoàng” trong lời người lính kia chắc hẳn không hề “xoàng”. Lời thơ đầu như lời phân trần, lại giống như đang phàn nàn về chính mình của người lính. Câu thơ sau đó đã giúp người đọc hiểu vì sao anh lại có tâm trạng như thế “Hàng còn chờ đó, tiếng xe reo”, cách nhân hoá được nhà thơ dùng khiến người đọc cảm nhận hàng và xe đều như đang vẫy gọi, reo vang thôi thúc người lái mau chóng trở lại với những cung đường, đó cũng là sự thôi thúc từ trong chính tâm hồn người lính. Chiến trường đang gấp, đang mong chờ, đỏ mắt mỗi chuyến hàng vào, một chuyến xe chậm, một xe hàng bị bắn phá là sẽ kéo theo bao hi sinh, mất mát nơi vùng đất đau thương đang bị giày xéo dưới gót giày quân xâm lược bạo tàn. Người lính ý thức rất rõ điều đó, bởi thế anh mới không muốn nằm viện, không muốn phải rời xa cung lái, anh không nghĩ về mình mà chỉ nghĩ về công việc, về sự gấp rút khẩn trương của chiến trường lúc bấy giờ. Những ngày nằm viện, anh da diết nhớ về những hình ảnh, khoảnh khắc của núi rừng Trường Sơn nơi xe anh qua, nhà thơ đã kết hợp tài tình phép điệp từ “nhớ” với lối liệt kê “nằm ngửa- nhớ trăng” “nằm nghiêng- nhớ bến” “ngồi dậy- nhớ lưng đèo”. Nghệ thuật đảo ngữ ở câu thơ cuối “Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo” đã làm nổi bật lên nỗi nhớ da diết, cồn cào, nôn nao của người lính, nhớ về lưng đèo, nhớ đường, nhớ xe, thật giống như nhớ về người yêu, và lại càng thêm mong muốn nhanh được trở lại. Đó là nỗi nhớ cao đẹp của một người lính hết lòng vì công việc, vì chiến trường, vì đất nước, là biểu hiện của tâm hồn cả một thế hệ “đã đi không tiếc đời mình” “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” …Phạm Tiến Duật đã khắc hoạ lại được rất khéo điều đẹp đẽ ấy trong dung lượng một bài thơ rất gọn…

💧Trên đây là những gợi ý cơ bản, với mỗi bài thơ, đoạn thơ, hs cũng cần đọc mở rộng, tìm kiếm thêm các kiến thức liên quan, tích luỹ thêm tri thức lí luận, rèn cách diẽn đạt… để từ đó, việc đọc hiểu bài thơ, đoạn thơ ngoài chương trình sẽ không còn là công việc khô- khó- khổ!

(Sưu Tầm)


Photo by Hoàng Mạnh Quyết


-----------------------------------------------------------------------------------------
Ghi chú: ảnh Photo by Hoàng Mạnh Quyết minh họa sưu tầm từ internet.

Không có nhận xét nào :