Thứ Bảy, 14 tháng 11, 2020
Trang Góc Nhỏ Văn Thơ - Người ăn xin - Ivan Turgenev
NGƯỜI ĂN XIN - TRUYỆN NGẮN THIẾU NHI - IVAN TURGENEV
Lúc ấy, tôi đang đi trên phố. Một người ăn xin già lọm khọm đứng ngay trước mặt tôi.
Đôi mắt ông lão đỏ đọc và giàn giụa nước mắt. Đôi môi tái nhợt, áo quần tả tơi thảm hại... Chao ôi! Cảnh nghèo đói đã gặm nát con người đau khổ kia thành xấu xí biết nhường nào!
Ông già chìa trước mặt tôi bàn tay sưng húp, bẩn thỉu. Ông rên rỉ cầu xin cứu giúp.
Tôi lục tìm hết túi nọ túi kia, không có tiền, không có đồng hồ, không có cả một chiếc khăn tay. Trên người tôi chẳng có tài sản gì.
Người ăn xin vẫn đợi tôi. Tay vẫn chìa ra, run lẩy bẩy.
Tôi chẳng biết làm cách nào. Tôi nắm chặt lấy bàn tay run rẩy kia:
- Ông đừng giận cháu, cháu không có gì để cho ông cả.
Người ăn xin nhìn tôi chằm chằm bằng đôi mắt ướt đẫm. Đôi môi tái nhợt nở nụ cười và tay ông cũng xiết lấy tay tôi:
- Cháu ơi, cảm ơn cháu ! Như vậy là cháu đã cho lão rồi. - Ông lão nói bằng giọng khản đặc.
Khi ấy, tôi chợt hiểu rằng: cả tôi nữa, tôi cũng vừa nhận được chút gì của ông lão.
Đây là một truyện ngắn mình đọc từ thưở nhỏ, vậy mà mấy chục năm trôi qua vẫn còn nhớ mãi đến giờ (không hiểu sao còn nhớ như in chi tiết nhân vật "tôi" chỉ còn chiếc khăn mùi xoa). Chỉ là một mẩu truyện vẻn vẻn mấy trăm chữ, nhưng hình ảnh người ăn xin và cậu bé dường như đã định hình trong cả cuộc đời mình về sự tử tế, về lòng tốt muốn giúp người, và thế nào là "của cho không bằng cách cho".
Người ăn xin không nhận được sự giúp đỡ về mặt vật chất nào - thứ mà ban đầu ông cần, vì cậu bé chẳng có điều đó. Về một mặt nào đó, cậu bé cũng túng thiếu của cải như ông lão. Nhưng ông nhận lại được thứ còn khó có được hơn - đặc biệt là cho một người ăn xin ở đáy xã hội như ông - sự quan tâm xuất phát từ trái tim giữa người với người. Cậu bé xem ông lão là một con người, một đồng loại của mình. Đáp lại điều đó, ông lão cũng cho đi một thứ vô cùng quý giá: lòng biết ơn, thông qua nụ cười, thông qua cái xiết tay và đôi mắt ướt đẫm. Khoảnh khắc đó, cả hai đã trao cho nhau hai món quà không thể đo lường được bằng đồng tiền - người đời có thể xem là chúng chẳng có giá trị gì, nhưng với họ, lòng biết ơn và tình yêu thương đó là vô giá.
Bạn ơi, tự tế không cần là những điều đao to búa lớn, không cần phải có nhiều tiền để làm thiện nguyện, phải thay đổi thế giới, cứu giúp chúng sinh. Tử tế là dừng lại một lát, nhìn những mảnh đời quanh ta bằng đôi mắt thấu cảm của con người dành cho con người, và trao cho nhau những tình cảm chân thành. Đôi khi chỉ là ngồi lại lắng nghe, đôi khi là cái vỗ vai động viên, đôi khi là tấm vé số mua vội trong cơn mưa nặng hạt. Chỉ bấy nhiêu thôi, thế giới đã ấm áp hơn nhiều.
Thế mới hay sự quan trọng của văn học thiếu nhi. Bởi chỉ cần đọc và hiểu một vài câu chuyện hay, đứa trẻ sẽ trưởng thành với những đức tính cao đẹp, sống có đạo đức, được in sâu vào tiềm thức mà không cần ép buộc. Ngược lại, những văn hóa phẩm đọc hại sẽ gieo mầm tai hại nếu ta không kiểm soát tốt. Hãy cố gắng cho con cái được đọc, được học những tác phẩm hay ho từ nhỏ; những quyển sách hay chính là người thầy, người mẹ thứ hai ở cạnh dạy dỗ thay ta.
Sau này mình mới biết câu chuyện này là của nhà văn Nga Ivan Turgenev (1918 - 1883) - tác giả của tiểu thuyết Cha và Con, một trong những tác phẩm tiêu biểu của văn học thế kỷ 19. Có một điều thú vị là trong nguyên tác, nhân vật xưng tôi này không rõ ràng là một cậu bé, mà rất có thể đây là lời kể của nhà văn ở độ tuổi trưởng thành. Tuy nhiên khi đưa vào chương trình học, người dịch tiếng Việt có lẽ đã chủ tâm chuyển ngữ thành câu chuyện giữa ông lão và cậu bé để phù hợp cho lứa tuổi thiếu nhi. Quả là một lựa chọn đúng đắn!
(Góc Nhỏ Văn Thơ)
-----------------------------------------------------------------------------------------
Ghi chú: ảnh minh họa sưu tầm từ internet.
Nhãn:
Ban tron van nghe
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét