Thứ Năm, 13 tháng 5, 2021
Trang Góc Nhỏ Văn Thơ - Quân hướng Tiêu Tương, ngã hướng Tần
QUÂN HƯỚNG TIÊU TƯƠNG, NGÃ HƯỚNG TẦN
"QUÂN HƯỚNG TIÊU TƯƠNG, NGÃ HƯỚNG TẦN"- không viết ra nỗi buồn ly biệt, mà nỗi buồn vẫn trào dâng ngoài câu chữ.
Bài thơ "Hoài thượng dữ hữu nhân biệt" (淮上与友人别) của thi nhân Trịnh Cốc được ca tụng là "Bút pháp sánh tựa Lý Bạch, có thể xem là tiếng vọng giữa chốn hoang vu của thi đàn thời vãn Đường", được sáng tác vào cuối xuân năm Đại Thuận thứ hai (891), khi tác giả trên đường từ Giang Nam trở về Trường An và đi qua Dương Châu. Ông tình cờ gặp lại một người bạn thân, cả hai đều là những kẻ lữ hành chốn quan trường, nhưng sau cuộc hội ngộ ngắn ngủi tại Dương Châu, họ lại chia tay, mỗi người mỗi ngả - kẻ xuôi Nam, người ngược Bắc.
"Dương Tử giang đầu dương liễu xuân,
Dương hoa sầu sát độ giang nhân.
Sổ thanh phong địch ly đình vãn,
Quân hướng Tiêu Tương, ngã hướng Tần"
Dịch thơ:
Sông Dương dương liễu đua tươi,
Hoa dương buồn chết dạ người sang sông,
Đình hôm tiếng sáo não nùng
Anh đi bến Sở, tôi trông đường Tần.
(bản dịch Ngô Tất Tố)
Du Bình Bá (1900-1990), nhà từ học nổi tiếng của Trung Quốc, bình về bài thơ này:
"Từ sau thời Đỗ Mục và Lý Thương Ẩn, thơ tuyệt cú cuối Đường dần thiên về khuynh hướng nghị luận đơn thuần, khiến tính trữ tình, hình tượng và nhạc tính suy giảm đáng kể. Tuy nhiên, bài thất tuyệt này của Trịnh Cốc vẫn giữ được đặc điểm nổi bật là giàu cảm xúc trữ tình và phong vị sâu lắng.
Dương Tử giang đầu dương liễu xuân,
Dương hoa sầu sát độ giang nhân.
(Bến sông Dương Tử liễu đơm sắc xuân,
Hoa dương liễu khiến người qua sông buồn não lòng)
Hai câu thơ đầu vừa tả cảnh vừa gợi tình, khéo léo làm bật nỗi biệt ly mà không gượng ép, tạo nên một phong vị tự nhiên. Bức tranh hiện lên thật khoáng đạt: bến sông Dương Tử, hàng liễu xanh tươi; những cành liễu phất phơ trong cơn gió chiều khiến hoa bay lả tả theo dòng sông. Chỉ vài nét phác họa nhẹ nhàng nhưng lại tạo nên một bức tranh thủy mặc thanh nhã. Trong cảnh có tình, mà tình lại giàu ý vị.
Những cành liễu thướt tha đong đưa gợi lên sự lưu luyến, bịn rịn khi chia xa, khơi dậy tâm trạng "Liễu ti trường ngọc thông nan hệ" (Tơ liễu dài nhưng khó buộc được ngựa chạy)” – nỗi sầu biệt ly lấy gì ngăn nổi. Những cánh hoa liễu mong manh trong gió lại càng khiến lòng người thêm bối rối, gợi lên nỗi sầu viễn xứ, cảm giác phiêu bạt nơi đất lạ quê người. Vẻ đẹp của liễu xanh và ánh xuân dịu dàng lẽ ra phải đem lại niềm vui, nhưng trong hoàn cảnh này, nó lại trở thành tác nhân của nỗi buồn, thế nên “sầu sát độ giang nhân” (Nỗi buồn tràn ngập cõi lòng. Từ “sát” mang ý nhấn mạnh mức độ sâu sắc của nỗi sầu).
Thi nhân dùng nét bút nhẹ để họa phong cảnh, nhưng lại nhấn mạnh vào nỗi sầu biệt ly, tưởng như trái ngược mà thực chất lại hòa hợp một cách tinh tế. Việc lặp lại âm "Dương Tử", "dương liễu", "dương hoa" tạo nên nhịp điệu nhẹ nhàng, vừa trôi chảy vừa gợi cảm, khiến bài thơ tràn có cảm xúc nhưng không quá bi thương. Câu thơ tuy chỉ nhắc đến “khách qua sông”, nhưng trong bối cảnh chia ly này, kẻ đi người ở đều cùng mang nỗi buồn, điều đó không cần phải nói ra cũng rõ.
Sổ thanh phong địch ly đình vãn,
Quân hướng Tiêu Tương, ngã hướng Tần
(tiếng sáo vi vút ở đình ly biệt lúc chiều xuân,
Anh đi tới sông Tiêu Tương, còn tôi đi tới đất Tần.)
Hai câu thơ sau chuyển từ cảnh sắc ven sông sang khoảnh khắc từ biệt tại "Ly đình" (离亭 - trạm dừng chân bên đường thời xưa, nơi thường diễn ra tiệc tiễn biệt, nên còn gọi là “đình ly biệt”). Trong bữa tiệc ly, khi men rượu đã ngấm, tình cảm càng thêm sâu đậm, bỗng vang lên tiếng sáo réo rắt, u sầu. Đó phải chăng là khúc “Chiết dương liễu” – giai điệu tượng trưng cho nỗi buồn ly biệt. Tiếng sáo như lời tâm sự không lời, khiến đôi bạn sắp chia xa lặng lẽ nhìn nhau, để mặc tâm tư theo làn gió cuốn đi. Men theo tiếng sáo trời cũng dần sập tối, khoảnh khắc chia tay đã đến.
Giữa màn sương chiều, họ khẽ dặn dò nhau, rồi mỗi người một hướng – “Người về Tiêu Tương, kẻ hướng Tần”. Đến đây, bài thơ khép lại một cách đột ngột. Sự thành công của bài thơ có liên quan mật thiết đến cách kết thúc mới mẻ và giàu cảm xúc này. Thoạt nhìn, câu thơ cuối chỉ đơn thuần là lời kể về hành trình riêng của mỗi người, không có hình ảnh gợi tả hay cảm xúc luyến láy. Nhưng chính sự giản dị ấy lại hàm chứa dư vị sâu xa.
Trước đó, nhà thơ đã nhiều lần gợi lên nỗi buồn ly biệt qua bến sông mùa xuân, hoa liễu mong manh, tiệc tiễn biệt nơi ly đình, tiếng sáo réo rắt trong hoàng hôn. Đến câu kết, mạch cảm xúc bỗng ngưng lại, giống như dòng nước lớn bị chặn ngang, càng làm tăng thêm sức nặng của nỗi buồn. Một câu ngắn gọn nhưng đã bao hàm trọn vẹn tâm trạng lưu luyến, sự tiếc nuối khi đôi bạn chia xa, nỗi nhớ nhung giữa hai phương trời cách biệt, và cả sự cô đơn trên chặng đường phía trước. Cấu trúc đối xứng của hai chữ "君" (quân - người) và "我" (ngã - ta), cùng với sự lặp lại của từ "hướng", càng làm tăng thêm nhịp điệu và sắc thái trữ tình cho câu thơ."
Hạ Di Tôn (cuối Minh - đầu Thanh) trong sách Thi Phạt có viết: “Có những câu thơ bình thường khi dùng làm câu mở đầu thì nhạt nhẽo, nhưng nếu đảo thành câu kết thì lại trở nên tuyệt diệu. Bài thơ này chính là một ví dụ điển hình. Nếu câu “Quân hướng Tiêu Tương, ngã hướng Tần” được đặt ở đầu bài, thì sẽ nhạt nhòa vô vị. Nhưng khi dùng làm câu kết, nó tạo nên một cảm xúc sâu lắng, khiến người đọc cảm giác như bài thơ vẫn chưa kết thúc, mà còn kéo dài mãi về sau. Đây chính là nghệ thuật đảo câu thường thấy trong thơ Đường."
Cao Tự Thanh dịch bài thơ này:
"Dương Tử đầu sông dương liễu xuân,
Hoa dương buồn chết khách qua sông,
Sáo buông mấy tiếng đình phai nắng,
Người hướng Tiêu Tương kẻ hướng Tần."
Hoài Thượng (淮上): Chỉ khu vực trên sông Hoài, ở đây ám chỉ Dương Châu.
Dương Tử Giang (扬子江): Chỉ đoạn sông Trường Giang chảy qua Nghi Trưng và Dương Châu (Giang Tô).
Tiêu Tương (潇湘): Tên chung của hai con sông Tiêu và Tương, ở đây chỉ tỉnh Hồ Nam.
Trịnh Cốc (khoảng 851 – khoảng 910), tự Thủ Ngu, quê ở Nguyên Châu, Nghi Xuân (nay thuộc tỉnh Giang Tây). Ông đỗ Tiến sĩ vào năm Quang Khải thứ ba (887), từng giữ chức Đô quan lang trung, nên được gọi là "Trịnh Đô Quan". Ông còn nổi danh với bài thơ "Chích Cô" (Chim Chích Cô), nên người đời thường gọi là "Trịnh Chích Cô". Trịnh Cốc từng giúp thi tăng Tề Kỷ sửa lại câu thơ trong bài Tảo Mai (Mai sớm), đổi từ "Tối dạ sổ chi khai" (Đêm qua mấy cành mai nở) thành "Tối dạ nhất chi khai" (Đêm qua một cành mai nở), nhờ đó được tôn xưng là "Nhất tự sư" (Thầy của một chữ).
Thơ của ông chủ yếu miêu tả thiên nhiên và vịnh vật, với phong cách trong trẻo, giản dị mà dễ đi vào lòng người. "Toàn Đường thi" ghi chép lại 330 bài thơ của ông.
(Góc Nhỏ Văn Thơ)
-----------------------------------------------------------------------------------------
Ghi chú: ảnh Photo by Cuong Quan và ảnh minh họa sưu tầm từ internet.
Nhãn:
Ban tron van nghe
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét